MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng

27-10-2022 - 13:58 PM | Thị trường

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng

Có đại biểu đề xuất ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu để kiểm soát lạm phát nhanh nhạy nhất.

Tiếp tục chương trình nghị sự Kỳ họp thứ Tư, sáng nay (27/10), Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2023.

Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam) đã nêu ra một số khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt. Đó là giải ngân vốn đầu tư công chậm, việc giải ngân vốn ODA với tỷ lệ quá thấp. Ba chương trình mục tiêu quốc gia triển khai từ sớm nhưng ban hành chính sách và phân bổ vốn còn chậm hơn. Giải ngân vốn chương trình phục hồi phát triển kinh tế xã hội cũng chậm.

"Quốc hội, Chính phủ đã nỗ lực điều chỉnh chính sách, luật để giảm giá xăng giúp doanh nghiệp và người dân bớt khó khăn nhưng giá cả các mặt hàng tiêu dùng giảm không tương ứng", đại biểu Thắng cho biết.

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng - Ảnh 1.

Đại biểu Phạm Hùng Thắng (đoàn Hà Nam)

Theo đại biểu Thắng, lãi suất cho vay tăng cao, sức ép lạm phát giá cả tăng cao đã và đang trực tiếp ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân.

Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành chủ động các kịch bản ứng phó với lạm phát đang gia tăng trên toàn cầu và đã trực tiếp tác động đến nền kinh tế, đời sống của nước ta, báo cáo Quốc hội để chủ động trong ứng phó chính sách phù hợp.

Ngoài ra, cần linh hoạt hơn và công khai kịp thời thông tin về các kịch bản điều hành lãi suất, tỷ giá để cộng đồng doanh nghiệp không bị động trong chuẩn bị các phương án sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn, nhất là ưu đãi, vốn ưu đãi tín dụng theo Nghị quyết số 43 của Quốc hội.

Cũng về vấn đề xăng dầu, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) nhấn mạnh sự thiếu hụt cục bộ diễn ra tại các tỉnh phía Nam. Theo đại biểu, điều này cho thấy sự lúng túng trong cách xử lý của các Bộ ngành liên quan cũng như trách nhiệm quản lý Nhà nước.

Dẫn thực tế, bà Kim Bé cho biết việc điều hành lúng túng thể hiện từ việc quy định tính đúng, tính đủ với giá xăng đến việc điều tiết nguồn cung của các doanh nghiệp đầu mối…

"Những việc này làm nhân dân, doanh nghiệp rất bức xúc, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất kinh doanh. Thậm chí, đến thời điểm này, hiện tượng này vẫn đang diễn ra tại một số địa phương và chưa được xử lý dứt điểm", đại biểu Kim Bé nêu.

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng - Ảnh 2.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh)

Liên quan đến thị trường xăng dầu bị đứt gãy chuỗi cung ứng một số nơi theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn TP Hồ Chí Minh), mặc dù Bộ Công thương đã tích cực vào cuộc nhưng chúng ta cần sớm khắc phục, rút ra bài học kinh nghiệm để không xảy ra tình trạng tương tự. Trong thời gian tới cần xem xét rút ngắn thời gian điều chỉnh giá xăng dầu.

Ông Ngân cho rằng, giá cả xăng dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục diễn biến phức tạp, Quốc hội cần ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định cắt giảm các loại thuế, phí liên quan đến xăng dầu như thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt để kiểm soát lạm phát một cách nhanh nhạy nhất.

Cho ý kiến thêm về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang) cho rằng gói phục hồi kinh tế được giao triển khai sớm để mang lại hiệu quả song cũng loay hoay mãi, tiến độ triển khai quá chậm chạp trong khi thời gian hết hạn là vào năm 2023.

"Một số chính sách đã ban hành nhưng con đường đi đến với người hưởng thụ sao mà quá dài. Sự chậm chạm này đã làm cho các chính sách mất đi sự ý nghĩa của nó. Điều này, không phải là do thiếu nguồn lực mà là thiếu sự hướng dẫn thực thi", bà Kim Bé nói.

Giá xăng giảm nhưng giá hàng hóa không giảm tương ứng - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (đoàn Kiên Giang)

Đại biểu Huỳnh Thanh Phương (đoàn Tây Ninh) cũng thẳng thắn chỉ ra việc triển khai gói hỗ trợ phục hồi kinh tế còn chậm, nhất là hỗ trợ tiền thuê nhà cho công nhân, tiền mất việc trong thời gian giãn cách, bởi nhiều thủ tục còn rườm rà, làm hạn chế khả năng tiếp cận của người dân… trong khi số lượng cần được hỗ trợ là rất lớn.

Điều này khiến cho đời sống người lao động, cán bộ công chức, viên chức, lực lượng vũ trang còn nhiều khó khăn.

"Từ 1/7/2019 đến nay, tiền lương cơ bản chưa được điều chỉnh, trong khi đó hàng năm chỉ số giá tiêu dùng vẫn tăng khoảng 4% làm cho tiền lương thực tế và chất lượng cuộc sống giảm xuống. Đây cũng chính là nguyên nhân làm xảy ra hiện tượng cán bộ, công chức có tay nghề, chuyên môn dịch vụ cao chuyển sang khu vực tư và đang có chiều hướng gia tăng", ông Phương nói.

Theo Thùy An

VTV.VN

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên