Giải bài toán chống ngập úng đô thị thành phố Vinh
Trong 3 năm liên tiếp, TP Vinh đều ngập chìm trong nước sau những đợt mưa lớn, điển hình là trận mưa 15-16/10/2019.
Người dân thành phố Vinh nêu vấn đề nghịch lý là đô thị nằm ngay cạnh gần sông lớn - sông Lam và có sông Vinh chảy giữa lòng thành phố thì vì sao nhiều khi khu vực bị nhấn mình, làm ảnh hưởng đến môi trường đời sống của nhân dân.
Trận mưa đêm 15 đến sáng ngày 16/10/2019 nhấn chìm TP Vinh trong biển nước.
Đợt mưa bất thường kéo dài hơn 10 tiếng từ đêm ngày 15 đến sáng 16/10/2019 với lượng mưa lớn trên 250mm đã gây nhiều thiệt hại cho thành phố. Các tuyến đường ngập sâu như: các đường Lê Nin, Lý Thường Kiệt, Đặng Thái Thân, Quang Trung, Lê Hồng Phong, nhất là khu vực sau chợ Vinh ngập trung bình 1,2m. Thống kê trên toàn thành phố có 5.680 hộ dân nước vào nhà, phải sơ tán 250 hộ dân.
Chứng kiến tình trạng ngập lụt liên tiếp xảy ra, người dân thành phố Vinh cho rằng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, diện tích đất trống tự tiêu thoát nước thu hẹp nhanh chóng. Trong khi đó, nhiều hồ chứa nước cũng bị san lấp để xây chung cư, khu đô thị. Hệ thống hạ tầng đường giao thông mở mới nhưng thiếu đồng bộ nên vô tình cũng trở thành một tuyến đê bao nữa ngăn cản việc tiêu thoát lũ.
Trong những năm qua, các dự án cải tạo tiêu úng cho thành phố Vinh như hồ Thành, kênh Bắc, hồ điều hòa 53 ha... đã hoàn thành và đi vào hoạt động, tạo nên diện mạo mới, làm cho thành phố Vinh khang trang hiện đại. Những dự án, chương trình do Ngân hàng Thế giới tài trợ vốn cho thành phố đã phát huy tác dụng, góp phần hoàn thiện kết cấu hạ tầng, khắc phục môi trường, chống ngập úng. Đồng thời các dự án này đã góp phần tiêu thoát nước cho các phường: Cửa Nam, Hà Huy Tập, Hưng Phúc, Đội Cung, Quang Trung, Đông Vĩnh... Tuy nhiên, còn nhiều phường, xã khác dự án chưa tác động đến được. Cụ thể, thành phố hiện nay chưa có một quy hoạch thoát nước tổng thể. Mặc dù các phường, xã đều có hệ thống tiêu thoát nước nhưng tính chất nhỏ lẻ, mạnh phường nào phường đó làm, thiếu đồng bộ.
Ông Nguyễn Quốc Thắng, Trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND thành phố Vinh, thừa nhận, quy hoạch thoát nước của thành phố không còn phù hợp với tốc độ phát triển đô thị và nhất là biến đổi khí hậu với lượng mưa tăng đột biến như vừa qua. UBND thành phố đã kiến nghị UBND tỉnh Nghệ An cho phép lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước trong thành phố Vinh.
"UBND Tỉnh đã cho phép thành phố Vinh lập quy hoạch thoát nước cho thành phố. Đây là quy hoạch chuyên ngành thoát nước, trong đó, tập trung cải tạo kè sông Vinh, chảy phía Nam thành phố, trước khi ra sông Lam và là sông huyết mạch của thành phố. Bên cạnh đó tích cực khai thác nguồn vốn để đầu tư kênh 80m đi qua các xã Nghi Phú, Nghi Đức, đồng thời cải tạo một số tuyến mương cũ. Theo đó, xác định mục tiêu dự đó là gì, như chúng tôi muốn phát triển hạ tầng đô thị có thêm tuyến đường nhưng phù hợp phòng chống biến đổi khí hậu để chống ngập lụt", ông Thắng nói.
Theo đó, các cơ quan chuyên môn thành phố Vinh sẽ tiến hành lập quy hoạch chuyên ngành thoát nước có lồng ghép kịch bản biến đổi khí hậu. Đây là cơ sở để từng bước đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống thoát nước. Khi phê duyệt, thỏa thuận các dự án khu đô thị mới hay các dự án có liên quan đến san lấp mặt bằng làm thay đổi dòng chảy, địa hình, địa mạo... cần phải yêu cầu chủ đầu tư có giải pháp thoát nước trước mắt cho các khu vực xung quanh. Hiện nay thành phố đang vận động nguồn vốn từ Ngân hàng thế giới WB để tiến hành kè và xây dựng các hạng mục đấu nối vào sông Vinh, cũng như đầu tư một số tuyến đường trọng điểm.
Ông Nguyễn Trung Dũng, Giám đốc Ban Quản lý Tiểu dự án phát triển đô thị Vinh, cho biết: "Một số điểm ngập lụt mới phát sinh cần rà soát. Hiện nay, thành phố đang có chương trình mô hình thủy lực toàn thành phố. Bản chất là quy hoạch thoát nước theo kịch bản ngập lụt để sau đó là xử lý. Nếu có mô hình này thì tất cả về sau các bài toán đầu tư, hệ thống mương chính cấp 2-cấp 3 thì sẽ được đồng bộ hóa sẽ không có chuyện chống ngập được vùng này thì lây sang vùng khác. Hiện nay, thành phố đang triển khai, năm 2020 , đồng thời tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trong diễn biến tốc độ ngày càng tăng".
Người dân thành phố Vinh cho rằng quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh gây ra tình trạng ngập lụt này. |
Thời gian tới, UBND thành phố Vinh đang đẩy nhanh hoàn thành bước chuẩn bị đầu tư dự án chống ngập úng cục bộ trọng điểm giai đoạn 4 trên địa bàn thành phố để tiến hành thi công; đồng thời bổ sung các hố thăm mương cấp I, mương kín nhằm phục vụ tốt công tác quản lý vận hành. Khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình: nâng công suất, mua máy phát điện dự phòng cho các Trạm bơm Tây Nam, Trạm bơm Bến Thủy, Trạm bơm phía Nam, kè hồ điều hòa Bến Thủy. |
Ông Trần Xuân Lễ, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Vinh cho biết: "Bây giờ, các mặt bằng của thành phố đều được bê tông hóa, nước thoát ra mặt đường và thu xuống các cống. Nếu mưa to lượng nước rất lớn không thể thoát kịp nhưng sau 1-2 tiếng mới thoát hết. Thành phố cũng phê duyệt bổ sung dự án thoát nước trọng điểm thoát nước cục bộ của thành phố vì các tuyến mương xây dựng đã lâu, làm bằng đá, khẩu độ không còn thích hợp. Do vậy, thành phố xin chủ trương của tỉnh cho triển khai các dự án trọng điểm như đường Quang Trung, Lê Nin, Lê Hồng Phong".
Rút kinh nghiệm đợt ngập lụt lớn vừa qua, UBND các phường, xã thành phố Vinh vận động nhân dân tham gia vào công tác nạo vét, duy tu, đầu tư xây dựng hệ thống mương cấp III. Đặc biệt là khảo sát cập nhật cơ sở dữ liệu hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có thoát nước cho phần mềm GIS đã được chuyển giao, bao gồm: Sơ đồ các tuyến tiêu, phân vùng thoát nước, hướng thoát nước, khẩu độ, cao độ cho hệ thống thoát nước để nâng cao năng lực quản lý, vận hành./.
VOV