MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Giải cứu" thành công từ Giấy Sài Gòn đến Gỗ Trường Thành (TTF), ông Mai Hữu tín đúc kết: Mấu chốt nằm tại bộ gene - văn hoá chung của doanh nghiệp

21-11-2020 - 08:40 AM | Doanh nghiệp

"Mỗi khi vào một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu văn hoá đầu tiên. Bởi con người là trung tâm nên tìm hiểu được văn hoá ta sẽ xử lý được vấn đề. Sau này, dù trong công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, big data… thì con người vẫn là trung tâm", ông Mai Hữu Tín nhấn mạnh.

Doanh nhân Mai Hữu Tín có lẽ không còn là cái tên xa lạ trong giới tài chính, sau những thương vụ giải cứu "tưởng khó thành mà thành khó tưởng" tại Giấy Sài Gòn năm 2013, và mới nhất là Gỗ Trường Thành (TTF) sau 3 năm mài mò với cam kết quyết liệt.

Được mệnh danh là nhà đầu tư "mát tay" trên thương trường, trong buổi chia sẻ mới nhất tại FPT Techday 2020, ông Tín phủ nhận: "Thực ra tôi không phải là mát tay, mà tôi quan niệm rằng nếu bạn sống chết với một công ty thì công ty đó sẽ mang gene của bạn. Ngược lại bạn cũng mang gene công ty đó. Một công ty chung một bộ gene thì chính là văn hoá công ty. Như vậy, nếu gene đó là gene trội thì công ty sẽ hoạt động tốt và tăng trưởng".

Chia sẻ sâu hơn, ông Tín cho biết nếu nói về quản trị thì sẽ có khoảng 3-4 quyết định chính. Trong đó, những quyết định lớn là quyết định liên quan đến con người, chiến lược vốn. Cấp thấp hơn là khả năng và trình tự triển khai những quyết định lớn trên. Theo vị này, khó khăn nào cũng nằm một trong số quyết định đó, nếu hiểu được sẽ nắm bắt được khó khăn chỗ nào và xử lý dứt điểm.

"Mỗi khi vào một doanh nghiệp, chúng tôi sẽ đi tìm hiểu văn hoá đầu tiên. Bởi con người là trung tâm nên tìm hiểu được văn hoá ta sẽ xử lý được vấn đề. Quan trọng hơn nữa, chúng ta ở đây sẽ không đối xử với con người chỉ bằng tiền, mà là tình cảm của chính mình. Sau này, dù trong công cuộc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ 4.0, big data… thì con người vẫn là trung tâm", ông Tín nhấn mạnh.

Dù vậy, không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là vai trò hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu chi phí, phục hồi nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Dựa trên các dự án triển khai sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số cho khách hàng tại Việt Nam và trên toàn cầu, các chuyên gia của FPT trong báo cáo mới đây cũng tính toán chuyển đổi số có thể giúp doanh nghiệp cắt giảm đến 60% chi phí, tiết kiệm 30-70%, thậm chí tiết kiệm lên tới 90% thời gian ở một số quy trình so với trước khi số hoá. Đây cũng là yếu tố giúp doanh nghiệp sẵn sàng thích nghi với cơn sóng mới thị trường cũng như nắm chắc cơ hội phục hồi, bứt phá trong bình thường tiếp theo.

Giải cứu thành công từ Giấy Sài Gòn đến Gỗ Trường Thành (TTF), ông Mai Hữu tín đúc kết: Mấu chốt nằm tại bộ gene - văn hoá chung của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Mai Hữu Tín (góc trái) tham gia thảo luận tại FPT Techday 2020.

Trở lại với những thương vụ đình đám của ông Tín, trước hết là Giấy Sài Gòn (SGP), sau giai đoạn tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu tiêu thụ giấy tăng cao, từ năm 2007, Công ty rơi vào thời kỳ khó khăn khi suy thoái kinh tế xảy ra và các nhà đầu tư là Prudential, VIG rút vốn. Đỉnh điểm vào năm 2011, đối tác Nhật Bản đang chiếm đa số vốn là Daio Paper cũng muốn thoái lui, áp lực chi phí lãi vay đè nặng (tổng đầu tư 2.500 tỷ đồng, lãi suất có lúc lên đến 20%)… khiến người đứng đầu lúc bấy giờ thừa nhận "thất bại như đã trước mắt".

Tháng 9/2013, CTCP Mai và cộng sự (Mai & CO) do ông Mai Hữu Tín làm Chủ tịch HĐQT đã trở thành "vị cứu tinh" của SGP sau khi mua lại toàn bộ số cổ phần (và nợ) của Daio Paper, với tỷ lệ sở hữu 42,3%, tương đương 416 tỷ đồng mệnh giá. Đến năm 2015, Giấy Sài Gòn cơ bản đi vào hoạt động ổn định, doanh thu đạt hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm và dự kiến có lợi nhuận sau một giai đoạn dài khó khăn. Thậm chí, ông Tín tự tin rằng SGP đã có thể cạnh tranh ngang hàng với các doanh nghiệp FDI như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật.

Tại Gỗ Trường Thành (TTF), cú sốc hàng tồn và khoản phải thu năm 2016, cùng những hệ luỵ đã thách thức rất nhiều nhà đầu tư tham gia giải cứu, trước khi nhóm ông Tín vào cuộc. Trong đó, quyết định chi 1.800 tỷ thâu tóm 49,9% vốn TTF vào tháng 5, đến tháng 11/2016 Tân Liên Phát (công ty con VinGroup) đã lần lượt bán ra cổ phiếu nắm giữ. Cùng tham gia công cuộc cứu thương hiệu gỗ vang bóng một thời vào cuối năm 2017, SAM Holdings đến tháng 4/2018 cũng vội vàng rút chân…

Chỉ còn một người ở lại, Xây dựng U&I của ông Tín, sau này cùng với Sứ Thiên Thanh, ông Tín tự tin khẳng định đang đưa thương hiệu "Gỗ Trường Thành" trở thành công ty nội thất số một Đông Nam Á dưới thương hiệu mới Total Furniture.

Vào cuối tháng 6, TTF chính thức ra thông báo ông Võ Trường Thành và ông Võ Văn Diệp Tuấn đã thực hiện hoàn tất việc chuyển giao tài sản theo thỏa thuận khắc phục hậu quả với TTF. Như vậy, sau 3 năm ban lãnh đạo mới do ông Mai Hữu Tín đứng đầu tiếp nhận TTF, đến nay những vấn đề liên quan lùm xùm 2016 cơ bản dứt điểm. Một vấn đề tồn đọng khác, năm 2020 TTF cũng đã lên kế hoạch phát hành 57,94 triệu cổ phần cho DongABank nhằm hoán đổi hơn 123 tỷ đồng nợ vay đã quá hạn từ năm 2016.

Luỹ kế 9 tháng, Công ty đạt doanh thu thuần gần 807 tỷ đồng, tăng 91%, lãi ròng trên 66 tỷ đồng, tương đương thực hiện được 94% mục tiêu cả năm. Trên thị trường, cổ phiếu TTF tăng khá mạnh có lúc vượt mức 8.000 đồng/cp.

Giải cứu thành công từ Giấy Sài Gòn đến Gỗ Trường Thành (TTF), ông Mai Hữu tín đúc kết: Mấu chốt nằm tại bộ gene - văn hoá chung của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên