MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như 'thần dược': Đâu là giới hạn?

26-12-2020 - 21:21 PM | Sống

Ảnh: Ngôi sao truyền hình Kim Kadershian quảng cáo một loại chế phẩm bổ sung giúp đẹp tóc. Nguồn: The New York Times

Ảnh: Ngôi sao truyền hình Kim Kadershian quảng cáo một loại chế phẩm bổ sung giúp đẹp tóc. Nguồn: The New York Times

Đối với những người khỏe mạnh có một chế độ ăn đầy đủ sẽ không cần dùng đến chế phẩm bổ sung. Các sản phẩm này nằm giữa ranh giới của khoa học và marketing nên cũng không lạ khi có nhiều quan niệm sai lầm về lợi ích của chúng.

Khi khát khao được sống khoẻ mạnh của con người được kết hợp với các chiến lược truyền thông ồ ạt luôn tràn ngập hình ảnh các cơ thể cường tráng cùng nụ cười tươi rói, các chế phẩm bổ sung nhanh chóng trở thành mặt hàng bán chạy.

 Trong bài này, chúng ta sẽ đề cập đến một loạt hiểu lầm, lời đồn và sự thật về việc sử dụng mù quáng các chế phẩm bổ sung, vitamin và khoáng chất.

Theo chương trình Khảo sát nghiên cứu sức khỏe và dinh dưỡng Hoa Kỳ năm 2011–2012, có đến 52% người trưởng thành ở Mỹ đã từng sử dụng chế phẩm bổ sung và khoảng 1/3 (chiếm 31%) đã sử dụng vitamin tổng hợp.

Ngành công nghiệp chế phẩm bổ sung phát triển rất mạnh mẽ. Năm 2016, chỉ riêng lĩnh vực này trên toàn cầu ước tính đạt doanh thu khoảng 132,8 tỷ USD. Đến năm 2022, các chuyên gia dự đoán rằng con số này sẽ tăng lên hơn 220 tỷ USD.

Đối với một số đối tượng nhất định, việc sử dụng chế phẩm bổ sung là cần thiết. Theo Trung Tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cần bổ sung axit folic. Tương tự, những người sống ở vùng có khí hậu lạnh, đặc biệt trong những tháng có ít ánh nắng mặt trời cần bổ sung vitamin D.

Nếu bác sĩ chỉ định dùng bất cứ chế phẩm bổ sung nào, hãy làm theo lời khuyên của họ.

Tuy nhiên, đối với những người khỏe mạnh có một chế độ ăn đầy đủ sẽ không cần dùng đến chế phẩm bổ sung. Các sản phẩm này nằm giữa ranh giới của khoa học và marketing nên cũng không lạ khi có nhiều quan niệm sai lầm về lợi ích của chúng.

Dưới đây là những quan niệm sai lầm thường gặp.

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 1.

Dùng quá nhiều vitamin C có thể gây đau dạ dày. Nguồn: iw

Không phải "càng nhiều càng có lợi"

Với vitamin, dùng nhiều chưa chắc đã tốt. Trong thực tế, điều này đôi khi lại nguy hiểm. Vì chế phẩm bổ sung vitamin và khoáng chất có thể bán không cần kê đơn nên mọi người thường nghĩ chúng an toàn ở bất kỳ liều lượng nào. Nhưng một số vitamin dùng với liều cao có thể cản trở hệ thống điều hòa tinh vi của cơ thể.

Ví dụ, theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, dùng quá nhiều vitamin C có thể cản trở khả năng hấp thụ đồng – một kim loại cần thiết cho cơ thể, hoặc gây tiêu chảy và đau dạ dày.

Dùng quá nhiều phốt pho có thể ức chế sự hấp thụ canxi. Những loại vitamin mà cơ thể không thể loại bỏ với số lượng lớn như A, D, K sẽ dễ gây ngộ độc khi dùng quá liều. Dùng quá nhiều vitamin D trong thời gian dài có thể khiến canxi tích tụ trong cơ thể gây tăng canxi máu. Tăng canxi máu lại có thể làm yếu xương, gây hại cho tim và thận.

Không phải cứ "tự nhiên" là an toàn

Đáng buồn khi thuật ngữ "nguồn gốc tự nhiên" lại trở thành khá vô nghĩa trong việc xem xét mức độ an toàn hoặc hiệu quả của chế phẩm bổ sung. Một ví dụ điển hình, xyanua- một chất cực độc lại có nguồn gốc tự nhiên từ cây dương xỉ.

Một số hợp chất tự nhiên từ thực vật có dược tính nhưng không chỉ có vậy. Ví dụ, rễ cây bồ công anh là một loại thuốc nhuận tràng, trong khi lá của nó là một loại thuốc lợi tiểu.

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến sự pha loãng tinh chất: Có bao nhiêu phần trăm tinh chất trong sản phẩm cuối cùng? Đôi khi, nó chỉ còn một lượng nhỏ dạng vết, hoặc dịch chiết có độ cô đặc cao.

Không nên sử dụng chế phẩm bổ sung chung với thuốc

Như đã đề cập, do các chế phẩm bổ sung không cần kê đơn và được ghi nhãn "nguồn gốc tự nhiên" nên dễ gây hiểu lầm rằng chúng không có tương tác với thuốc.

Tuy nhiên, nhiều chế phẩm bổ sung lại chứa các thành phần có thể tương tác với các loại thuốc, do đó chúng có thể làm tăng hoặc giảm các tác dụng của thuốc.

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 2.

Nguồn: Boldsky

Theo một Đánh giá tổng quan năm 2012, các nhà nghiên cứu đã điều tra về tương tác và chống chỉ định thuốc liên quan đến các loại thảo mộc và chế phẩm bổ sung. Họ tìm thấy tối thiểu 1.491 sự tương tác khác nhau giữa thảo dược, chế phẩm bổ sung và thuốc.

Đặc biệt, các chế phẩm bổ sung có chứa magiê, sắt, canxi, cây họ Ban và cây bạch quả có nhiều tương tác nhất.

Đa số người dùng lại thường không nói với bác sĩ của họ biết rằng họ có đang sử dụng thảo dược hoặc chế phẩm bổ sung, dẫn đến các nguy cơ tiềm ẩn.

Giải mã tin "Vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ hệ tim mạch"?

Có quan niệm cho rằng vitamin và khoáng chất giúp bảo vệ hệ tim mạch.

Tuy nhiên, một nghiên cứu Tổng quan hệ thống được xuất bản vào năm 2018 không tìm thấy những lợi ích này. Các tác giả kết luận rằng:

"Nhìn chung, dữ liệu về các chế phẩm bổ sung thường dùng (vitamin tổng hợp, vitamin D, canxi, và vitamin C) không cho thấy bất kỳ lợi ích nhất quán nào trong việc phòng ngừa bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ, cũng như lợi ích về giảm tử vong do tất các nguyên nhân".

Mặc dù tìm thấy một số bằng chứng cho thấy sử dụng axit folic, hoặc vitamin B kết hợp với axit folic, B6 và B12 có thể giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng nhìn chung các tác dụng này cũng không nhiều.

Giải mã tin "Vitamin C giúp ngăn ngừa cảm lạnh"

Mặc dù có một số bằng chứng trong thực tế chứng minh cho kiến thức phổ thông này, nhưng mức độ mà vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh là rất yếu.

Ví dụ, một Đánh giá tổng quan của Cochrane năm 2013 đã đi sâu tìm hiểu các bằng chứng hiện có. Họ phát hiện việc bổ sung vitamin C không ngăn ngừa được cảm lạnh thông thường trên dân số chung. Tuy nhiên, nó có thể làm giảm mức độ nặng của các triệu chứng và thời gian mắc bệnh. Ngoài ra, vitamin C "có thể hữu ích cho những người luyện tập thể dục với cường độ cao trong thời gian ngắn", chẳng hạn như vận động viên marathon.

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 3.

Mặc dù có một số bằng chứng trong thực tế chứng minh cho kiến thức phổ thông này, nhưng mức độ mà vitamin C có thể ngăn ngừa cảm lạnh là rất yếu.

Vitamin D không giúp ngăn ngừa ung thư

Các nhà khoa học đã thực hiện nhiều nghiên cứu xem vitamin D có thể ngăn ngừa hoặc điều trị ung thư hay không.Mặc dù vậy, vẫn chưa có sự đồng thuận nào.

Vào năm 2018, một nghiên cứu ngẫu nhiên, giả dược có đối chứng bao gồm gần 25.000 người tham gia đã được tiến hành. Các nhà nghiên cứu phát hiện rằng việc bổ sung vitamin D không làm giảm tỷ lệ mắc các bệnh tim mạch hoặc ung thư xâm lấn so với giả dược.

Men vi sinh (probiotics) và prebiotics không phải "thần dược"

Trong những năm gần đây, xuất hiện một loạt các sản phẩm tuyên bố có thể cải thiện sức khỏe đường ruột và vô số các vấn đề khác, đặc biệt là men vi sinh và prebiotics.

Men vi sinh là thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa vi sinh vật, trong khi prebiotics là thực phẩm hoặc chất bổ sung có chứa các hợp chất nhằm thúc đẩy sự phát triển của hệ vi khuẩn đường ruột.

Không nghi ngờ gì về sự quan trọng của vi khuẩn đường ruột đối với sức khỏe. Ngành khoa học về hệ vi sinh vật tuy tương đối non trẻ nhưng đã cho thấy mối liên quan đến nhiều bệnh lý khác nhau như tăng huyết áp, tiểu đường và trầm cảm. Tuy nhiên, lĩnh vực non trẻ này vô cùng phức tạp.

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 4.

(Ảnh minh họa)

Các nhà khoa học đã chứng minh rằng men vi sinh có thể có ích với một số vấn đề về sức khỏe, bao gồm giảm tiêu chảy khi dùng một số loại kháng sinh và làm dịu một số triệu chứng nhất định hội chứng ruột kích thích (IBS). Tuy nhiên, ngoài các trường hợp cụ thể, có rất ít bằng chứng cho thấy men vi sinh hoặc prebiotics có lợi cho sức khỏe.

Tất nhiên, điều này có thể thay đổi khi có thêm nhiều nghiên cứu được tiến hành. Tuy nhiên, hiện nay có nhiều hoạt động tiếp thị về men vi sinh và prebiotics bằng việc sử dụng các thuật ngữ mơ hồ như "sức khỏe đường ruột" và "sức khỏe tiêu hóa".

Trung tâm y học tổng hợp và bổ sung quốc gia (NCCIH) cho biết trong đa số các trường hợp, họ vẫn chưa biết loại men vi sinh nào có ích, loại nào không, phải sử dụng liều lượng bao nhiêu và ở đối tượng nào để có hiệu quả. Các nhà nghiên cứu vẫn đang miệt mài làm việc để tìm ra câu trả lời.

Làm rõ thông tin "các chất chống oxy hóa giúp kéo dài tuổi thọ"

Oxy hóa là phản ứng hóa học xảy ra trong nhiều quá trình của cơ thể con người. Quá trình này tạo ra các gốc tự do rất dễ gây ra phản ứng hóa học, có thể phá hủy tế bào và các thành phần bên trong.

Chất chống oxy hóa là các hợp chất giúp ngăn chặn quá trình oxy hóa.

Nói chung, trái cây và rau củ rất giàu chất chống oxy hóa. Bên cạnh đó, những thực phẩm này rất quan trọng đối với sức khỏe, nên thường có giả định rằng chất chống oxy hóa là một trong những lý do tại sao trái cây và rau củ rất tốt cho chúng ta.

Tuy nhiên, điều này chưa chắc đúng.

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 5.

Nói chung, trái cây và rau củ rất giàu chất chống oxy hóa.

Theo NCCIH, nghiên cứu đã chỉ ra những người ăn nhiều trái cây và rau củ có nguy cơ mắc một số bệnh thấp hơn; tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu nó có liên quan đến lượng chất chống oxy hóa có trong trái cây và rau củ, hay liên quan các thành phần khác, hay các yếu tố trong chế độ ăn và lối sống."

NCCIH cũng lưu ý rằng các nghiên cứu lớn đã đánh giá xem các chế phẩm bổ sung chất chống oxy hóa có thể ngăn ngừa các bệnh mãn tính, như ung thư, bệnh tim mạch và đục thủy tinh thể hay không, nhưng "trong hầu hết các trường hợp, chất chống oxy hóa không làm giảm nguy cơ tiến triển các bệnh này".

Bên cạnh một chế độ ăn uống lành mạnh, nghe có vẻ hợp lý khi bổ sung chất chống oxy hóa có thể ngăn chặn quá trình oxy hóa, hơn nữa còn làm giảm nguy cơ mắc bệnh và tử vong. Tuy nhiên, đối với hầu hết mọi thứ trong y khoa, sự thật phức tạp hơn nhiều.

Ngoài ra, có một số bằng chứng lại cho thấy việc bổ sung chất chống oxy hóa có thể làm giảm tuổi thọ. Để trả lời cho câu hỏi này, Cochrane đã tiến hành một đánh giá tổng quan lớn. Họ kết hợp kết quả của 78 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, với gần 300.000 người tham gia.

Khi phân tích các nghiên cứu có nguy cơ sai lệch thấp nhất, những người dùng chế phẩm bổ sung chất chống oxy hóa có nguy cơ tử vong cao gấp 1,04 lần so với những người không dùng chất bổ sung hoặc dùng giả dược.

Cochrane kết luận rằng "bằng chứng hiện có không ủng hộ việc sử dụng các chế phẩm bổ sung chống oxy hóa cho người dân nói chung và người bệnh nói riêng."

Giải mã hàng loạt tin đồn về trào lưu uống vitamin và chế phẩm bổ sung như thần dược: Đâu là giới hạn? - Ảnh 6.

Các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa rất quan trọng đối với sức khỏe. Mặc dù vậy, một chế độ ăn uống đa dạng, và lành mạnh sẽ cung cấp đủ lượng chất này.

Vậy chúng ta cần lưu ý những gì?

Các vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa rất quan trọng đối với sức khỏe. Mặc dù vậy, một chế độ ăn uống đa dạng, và lành mạnh sẽ cung cấp đủ lượng chất này.

Ngoài vitamin D và axit folic, lợi ích của các chế phẩm bổ sung dường như là rất ít. Mặc dù ngành công nghiệp này đang phát triển mạnh, nhưng hãy luôn cẩn trọng với các tài liệu tiếp thị của các công ty.

Bất kỳ ai có kế hoạch dùng chế phẩm bổ sung trong khi đang có vấn đề về sức khỏe trước đó, nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng.

(Nguồn: Medical News Today)

Người dịch: Nguyễn Hồng Duyên, Nguyễn Thị Hoài Ân, ĐH Y Dược Huế

Hiệu đính: BS. Hà Xuân Nam, Viện nghiên cứu Y khoa Woolcock, Hà Nội; DS. Phạm Trần Thu Trang, Dược sỹ lâm sàng tại Toronto, Canada (Tổ chức Y học cộng đồng)

Y học cộng đồng là dự án thiện nguyện do nhiều bác sĩ trong và ngoài nước chung tay xây dựng với sự hỗ trợ của nhóm CNTT và hơn 200 cộng tác viên.

Website https://yhoccongdong.com/ là nơi tổng hợp và chuyển tải thông tin cơ bản, quan trọng về nhiều loại bệnh, cách điều trị và phòng tránh giúp cộng đồng giữ gìn sức khỏe. Những thông tin này luôn tham khảo tài liệu dành cho bệnh nhân uy tín ở Anh, Nhật, Mỹ để đảm bảo tính xác thực và tính hệ thống.

Theo Nguyễn Hồng Duyên, Nguyễn Thị Hoài Ân, ĐH Y Dược Huế

Doanh nghiệp và Tiếp thị

Trở lên trên