MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mã sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc Trung Quốc

“Trung Quốc hiện đang có mạng lưới đường sắt cao tốc (HSR) dài nhất thế giới với 25.000 km, chiếm hơn 65% độ dài toàn hệ thống trên thế giới, đã hoàn thành gần 2 tỷ chuyến đi trong năm 2017...”, theo số liệu thống kê của Worldatlas.

Năm 2004, Quốc Vụ Viện Trung Quốc thông qua kế hoạch trung và dài hạn về phát triển đường sắt. Trong những năm tiếp theo, Chính phủ nước này đã đổ vào đó một lượng tiền khổng lồ và đến năm 2008, tuyến đường sắt liên tỉnh Bắc Kinh – Thiên Tân chính thức đi vào hoạt động, Trung Quốc bước vào kỷ nguyên phát triển của HSR.

Trải qua 10 năm, Trung Quốc đã vượt qua Nhật Bản – quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này để dẫn đầu thế giới cả về tốc độ di chuyển của phương tiện lẫn tổng chiều dài hệ thống đường sắt.

Để thúc đẩy kế hoạch phát triển HSR, Trung Quốc bắt đầu từ việc mua tàu và công nghệ đường sắt từ các công ty nước ngoài của Nhật Bản, Đức, Pháp và Canada. Dựa trên cơ sở kỹ thuật và kinh nghiệm của các nước này trong lĩnh vực HSR, năm 2007, Trung Quốc tự phát triển công nghệ HSR của chính mình.

Ngày 1/8/2008, chuyến tàu cao tốc đầu tiên đi vào hoạt động, chỉ 1 tuần trước lễ khai mạc Olympics Bắc Kinh. Ngay năm sau đó, Trung Quốc quyết định mang công nghệ của mình xuất khẩu ra thế giới.

Theo Liên minh đường sắt quốc tế, hiện tại trên thế giới có khoảng 1.600 triệu hành khách di chuyển bằng tàu cao tốc mỗi năm, trong đó Trung Quốc chiếm khoảng 800 triệu người. Mục tiêu của quốc gia này là mở rộng mạng lưới HSR toàn quốc lên đến 30.000 km tính đến năm 2020 và con số này đến 2025 là 38.000km.

Tại sao HSR ở Trung Quốc có thể phát triển một cách thần kỳ như vậy trong thập kỷ qua? Dưới đây là 8 lý do giải thích phần nào cho sự phát triển đó.

1. Nhu cầu lớn.

Trung Quốc có nhiều thành phố lớn đang phát triển sôi động, mật độ dân số nhiều nơi rất lớn (14 thành phố trên 5 triệu dân), thu nhập cá nhân cũng ngày càng tăng.

Một ví dụ điển hình về tác động của yếu tố dân cư đến sự phát triển HSR ở Trung Quốc là tuyến HSR giữa Thượng Hải và Bắc Kinh với khoảng 300 triệu dân sống dọc theo tuyến đường.

Đi vào hoạt động từ giữa năm 2011, nó đã giúp rút ngắn thời gian di chuyển 1318km xuống chỉ còn chưa tới 5 giờ đồng hồ, kết nối nhiều thành phố lớn như Thiên Tân, Nam Kinh, Tế Nam,... và mang về lợi nhuận chỉ sau 3 năm vận hành. Trong năm 2015, doanh thu của tuyến HSR này ước tính khoảng 23 tỷ Nhân dân tệ với 6,6 tỷ là lợi nhuận ròng.

Giải mã sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc Trung Quốc - Ảnh 1.

2. Nguồn đầu tư khổng lồ

Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã quật ngã nền kinh tế Mỹ và các nước châu Âu, dẫn tới hệ lụy nhiều quốc gia phải thực hiện các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trung Quốc đã tận dụng cơ hội đó để tạo ra sự khác biệt bằng việc đầu tư mạnh vào xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm kích thích nền kinh tế và tạo việc làm.

Tháng 11 năm đó, Chính phủ nước này thông qua gói đầu tư 4.000 tỷ NDT (khoảng 586 tỷ USD), trong đó phần lớn là vào phát triển HSR. Chỉ trong vòng 1 năm, khoản đầu tư vào dự án này đã tăng vọt từ 49 tỷ USD lên 88 tỷ USD và duy trì mức 100 tỷ USD/năm từ năm 2010.

Con số đầu tư tiếp theo là 809 tỷ NDT, 823.8 tỷ NDT và 800 tỷ NDT trong 3 năm 2014, 2015 và 2016. Lợi nhuận thu được từ ngành này cũng được tái đầu tư. Bên cạnh đó, việc phân bổ lao động hợp lý và sản xuất hàng loạt cũng góp phần làm giảm chi phí, giúp Trung Quốc gia tăng lợi thế để phát triển HSR.

3. Chủ nghĩa tư bản nhà nước

Tư tưởng chính trị của những nhà lãnh đạo ở Trung Quốc cũng là 1 yếu tố quan trọng giúp việc triển khai dự án một cách nhanh chóng và với quy mô rộng lớn. Cựu Bộ trưởng đường sắt Trung Quốc từ 2003 đến 2011 Lưu Chí Quân đã giúp thu mua đất với chi phí thấp, góp phần rất lớn trong việc xây dựng nền công nghiệp đường sắt phát triển thần kỳ.

Để phát triển công nghệ HSR của riêng mình, cùng với sự hỗ trợ nước ngoài, Trung Quốc đã huy động các nguồn lực từ 25 trường đại học hàng đầu, 11 viện khoa học, 51 phòng thí nghiệm quốc gia, 500 công ty và 40 viện nghiên cứu chính phủ với sự tham gia của hơn 10000 kỹ sư, nhà nghiên cứu và kỹ thuật viên.

4. Nền tảng khoa học vững chắc

Khoa học công nghệ là chìa khóa quyết định của tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc có một nền tảng khoa học công nghệ vững chắc đến từ sự tiếp thu nhanh chóng những công nghệ mới. Đây là quốc gia có nhiều cử nhân tốt nghiệp về khoa học kỹ thuật nhất trên thế giới.

Theo tạp chí Nature, Trung Quốc hiện đứng thứ hai trên thế giới về số lượng công bố khoa học chất lượng cao. Nature cũng chỉ ra rằng 40 trong top 100 viện nghiên cứu có nhiều sản phẩm nghiên cứu đầu ra mang tính cải tiến nhất thế giới là đến từ Trung Quốc. Nước này cũng đang dẫn đầu thế giới về những ngành công nghiệp như năng lượng mặt trời, công nghệ Internet, nghiên cứu lượng tử,...

Giải mã sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc Trung Quốc - Ảnh 2.

Hệ thống trạm năng lượng mặt trời nổi tại tỉnh An Huy.


5. Sự tiếp thu nhanh chóng công nghệ nước ngoài

Trung Quốc bắt đầu đưa ra kế hoạch xây dựng HSR năm 2004. Trong vòng 3 năm, nước này đã nắm bắt được công nghệ cốt lõi để chế tạo tàu cao tốc. Các kỹ sư Trung Quốc học hỏi và mua lại công nghệ nước ngoài, sau đó kết hợp chúng với những cải tiến và chế tạo của riêng mình. Chính vì vậy, chất lượng công nghệ HSR của Trung Quốc hiện đang là đối thủ cạnh tranh đáng gờm của nhiều quốc gia, thậm chí còn có phần vượt trội hơn.

6. Thuận lợi của người đến sau

Với vị thế của người đến sau, Trung Quốc đã hưởng lợi từ những công nghệ của những quốc gia tiên phong. Trung Quốc có thể học và kết hợp những công nghệ mới nhất sẵn có trong thị trường mở, đồng thời tránh những lỗi mà những nước đi trước đã mắc phải, từ đó sẽ giúp tiết kiệm chi phí và thời gian.

Các nước phương Tây đã cần đến 40 năm để cải tiến tốc độ của tàu cao tốc từ 200 km/h lên 300 km/h trong khi con số đó của Trung Quốc chỉ là 5 năm.

Giải mã sự phát triển thần kỳ của đường sắt cao tốc Trung Quốc - Ảnh 3.

7. Lực lượng lao động có tính kỷ luật cao.

Mặc dù công việc khó khăn, thậm chí đôi khi phải hi sinh lợi ích bản thân, những công nhân đường sắt Trung Quốc vẫn luôn tự hào về công việc của mình. Trong xã hội Trung Quốc, khả năng chịu đựng vất vả được coi như một đức tính lâu đời.

Công nhân làm việc chăm chỉ cũng có liên hệ với chi phí sản xuất. Theo ước tính từ một số phân tích của World Bank tại Bắc Kinh, chi phí đơn vị của cơ sở hạ tầng HSR ở Trung Quốc là khoảng 17-21 triệu USD/km, trong khi ở châu Âu là 25-39 triệu USD/km.

8. Chính sách "vươn ra thế giới"

Năm 2009, Trung Quốc quyết định mang ngành công nghiệp HSR ra ngoài biên giới quốc gia. Ngày 1/2/2015, tiêu chuẩn ngành đường sắt Trung Quốc ra đời, đưa ra một tiêu chuẩn công nghệ để các công ty đường sắt có thể xuất khẩu sản phẩm của mình ra nước ngoài. Trung Quốc có một nguồn dự trữ tài chính rất lớn và cũng đã thiết lập nhiều công cụ tài chính mới để hỗ trợ việc xuất ngoại cũng như cải tiến ngành HSR.

Nói tóm lại, thế mạnh của ngành HSR Trung Quốc nằm ở giá cả sản phẩm tương đối rẻ, chất lượng tốt và thời gian hoàn thành dự án khá nhanh.


Thùy Linh

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên