Giải mã thế “độc quyền lưỡng cực” Boeing vs Airbus: Cần 173 tỷ USD để gia nhập thị trường, 20 tỷ USD để ra một mẫu máy bay, nhân lực “tìm đỏ mắt” vẫn không đủ
Đã hơn ba thập kỷ, thị trường máy bay thương mại bị độc chiếm bởi 2 thương hiệu: Boeing và Airbus. Tại sao vẫn chưa có một “kẻ thứ ba” nào thật sự tham gia thị trường có doanh thu đến 838 tỷ USD?
- 19-01-2023Máy bay 'Made in China' sẽ sớm phá vỡ thế độc quyền của Boeing và Airbus
- 13-07-2022"Vết nhơ" của dòng 737 Max đã được Boeing gột rửa: Ethiopian Airlines nhận chiếc máy bay đầu tiên sau vụ tai nạn thảm khốc
- 25-05-2022Máy bay ‘Made in China’ C919 sắp cất cánh: Giá rẻ hơn Boeing, Airbus 10 – 20 triệu USD, chỉ đuôi và cánh được làm trong nước
Sự vươn lên của hai gã khổng lồ
William E. Boeing thành lập Aero Products Company tại Washington vào năm 1916, cung cấp máy bay quân sự cho Thế chiến thứ nhất và tham gia vận chuyển thư từ thương mại. Đến năm 1928, Boeing dần tập trung vào vận tải hàng không, mua lại nhiều xưởng xuất máy bay bao gồm Avion, Chance Vought, Sikorsky Aviation, Stearman Aircraft, Pratt & Whitney và Hamilton Metalplane.
Năm 1931, Boeing sáp nhập bốn hãng hàng không để thành lập Hãng United Airlines, trở thành một thế lực trên thị trường trong giai đoạn 1960 – 1970 khi mua lại Vertol, nhà sản xuất máy bay trực thăng lớn nhất vào thời điểm đó.
Sau đó, Boeing đa dạng mô hình kinh doanh sang du hành vũ trụ, hàng hải, nông nghiệp, sản xuất năng lượng, dần dần có được vị thế độc quyền trong ngành tại Hoa Kỳ.
Lo ngại sự bành trướng của Boeing, Tập đoàn hàng không vũ trụ đa quốc gia châu Âu (sau này là Airbus) được thành lập vào năm 1970 dưới sự hỗ trợ của các nước lớn như Đức, Pháp, Anh và Tây Ban Nha.
Để mở rộng thị trường, Boeing hợp tác với các tổ chức của Nga, Ukraine, Anh, Na Uy vào năm 1995 để tạo ra Sea Launch, sáp nhập với McDonnell Douglas vào năm 1997… Đến năm 2001, Boeing chuyển trụ sở công ty từ Seattle đến Chicago và đến năm 2018, hãng mở nhà máy đầu tiên ở châu Âu tại Sheffield cùng với quan hệ đối tác nghiên cứu với Đại học Sheffield.
Airbus gây xôn xao thị trường với hai mẫu máy bay A300 và A320, nhanh chóng thuyết phục được những hãng hàng không trong khu vực với không gian hành khách và thể tích chở hàng tốt hơn các mẫu Boeing bấy giờ, thành lập thế "độc quyền lưỡng cực" với đối trọng tại Mỹ.
Vị thế thống trị
Một sự thật mà ai cũng biết, Boeing và Airbus đã và đang là hai thương hiệu thống trị cả thị trường máy bay thương mại. Trong thời kỳ đỉnh điểm từ 2007 đến 2016, bộ đôi này đã liên tục phá kỷ lục khi Airbus nhận được 9985 đơn đặt hàng mới và giao thành công 5644 máy bay còn Boeing nhận 8978 đơn đặt hàng mới và giao 5718 chiếc.
Kể từ khi gầy dựng được tên tuổi, Boeing và Airbus đã thống trị thị trường hàng không thương mại trong gần ba thập kỷ. Mặc dù theo thời gian, Boeing và Airbus đều phải đối mặt với các vấn đề hoạt động, nhưng hai gã khổng lồ này đang cùng nhau chiếm hơn 90% thị trường máy bay thương mại toàn cầu.
Với quy mô và "phần thưởng" khổng lồ, trong hàng chục năm trời, rất nhiều doanh nghiệp đã ra đời với mong muốn đánh đổ thế "lưỡng cực" trên, nhưng cho đến nay vẫn thất bại. Lý do vì sao?
- Quy mô không đảm bảo: Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), ngành hàng không toàn cầu dự kiến sẽ tạo ra doanh thu 838 tỷ USD vào năm 2021, tương đối nhỏ so với các ngành khác, chẳng hạn như công nghệ (5,2 nghìn tỷ USD) hoặc chăm sóc sức khỏe (11,9 nghìn tỷ USD).
Với sự thống trị của mình, Airbus và Boeing đã không để lại nhiều thị phần cho các thương hiệu mới nổi, nhiều thương hiệu mong muốn cạnh tranh trong ngành như Embraer và Bombardier mãi vẫn chưa tạo được dấu ấn.
Trong khi đó, các hãng máy bay ATR, Mitsubishi, và Comac phải tạo ra thị trường riêng của mình với những mẫu máy bay nhỏ hơn và không cạnh tranh trực tiếp với Airbus và Boeing để mong tồn tại.
- Rào cản gia nhập: Chi phí phát triển một máy bay thương mại mới rất cao, ước tính từ 10 tỷ USD đến 20 tỷ USD, bao gồm chi phí nghiên cứu và phát triển, sản xuất và thử nghiệm. Trong khi đó, chi phí mua các mẫu máy bay thông dụng chỉ từ 100 triệu USD đến 200 triệu USD, chẳng hạn như mẫu Airbus A320 giá 98 triệu USD hay mẫu Boeing 737 MAX 9 chỉ gần 129 triệu USD vào năm 2022.
Để gia nhập ngành hàng không, vào năm 2020, IATA ước tính tổng chi phí sẽ rơi vào mức 173 tỷ USD, bao gồm toàn bộ chi phí sản xuất ban đầu, bảo dưỡng và cơ sở vật chất. Tuy nhiên, tiền vẫn là chưa đủ khi các vị trí hệ trọng của hàng không luôn thiếu nhân lực, đặt biệt là các kỹ sư và chuyên gia bảo dưỡng.
- Uy tín không đảm bảo: An toàn là ưu tiên hàng đầu đối với thị trường, và lịch sử lâu đời của hãng hàng không là rất quan trọng. Theo Aviation Safety Network, đã có 40 vụ tai nạn và 556 trường hợp tử vong trong ngành hàng không thương mại vào năm 2019, làm dấy lên lo ngại về các hãng chưa có tên tuổi trong ngành.
Theo khảo sát của TripAdvisor, 55% khách du lịch khẳng định lòng trung thành với một hãng hàng không cụ thể, cụ thể là Airbus hoặc Boeing.
Có thể thấy thế trận lưỡng cực trên đã thành công ngăn cản hầu hết thương hiệu mới gia nhập, nhưng các chuyên gia cho rằng nó đồng thời làm mất tính sáng tạo trên thị trường. Ở mặt khác, Airbus-Boeing vẫn cạnh tranh rất gay gắt, giúp hạ giá thành sản xuất, nâng cao công nghệ và thiết kế.
Nói tóm lại, vị thế độc quyền giữa Airbus và Boeing là một vấn đề cực kỳ phức tạp, mang lại cả ưu điểm và nhược điểm cho thị trường toàn cầu. Khi hàng không tiếp tục phát triển, thế trận độc quyền này sẽ thao túng toàn bộ tương lai ngành hàng không thương mại tương lai.
Nhịp sống thị trường