MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải mãi sức hút vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” - nơi Novaland, Sovico, Hòa Phát và cả TH True Milk muốn xây loạt dự án lớn

06-03-2024 - 08:55 AM | Bất động sản

Giải mãi sức hút vùng đất “hoa vàng trên cỏ xanh” - nơi Novaland, Sovico, Hòa Phát và cả TH True Milk muốn xây loạt dự án lớn

Sở hữu chiều dài bờ biển gần 189km với nhiều thắng cảnh đẹp nhất nhì cả nước, Phú Yên không chỉ là điểm đến du lịch hấp dẫn mà còn là khu trung tâm công nghiệp, cảng biển quan trọng của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Phú Yên là tỉnh ven biển ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ có diện tích hơn 5.000km2, dân số gần một triệu người (năm 2022). Tỉnh có chiều dài bờ biển gần 189km, với nhiều thắng cảnh đẹp như Gành Đá Đĩa, Đầm Cù Mông, Vịnh Xuân Đài, Đầm Ô Loan, Vịnh Vũng Rô, Mũi Đại Lãnh…cùng với tài nguyên năng lượng và các cảng biển nước sâu kết nối thuận lợi nhất của vùng Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia thông qua 2 trục Quốc lộ 25 và 29 nối với Gia Lai và Đắk Lắk.

Sau 35 năm tái lập, kinh tế của Phú Yên đã có bước phát triển mạnh mẽ, tăng trưởng vượt bậc, lọt top 10 các tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhất cả nước. Quy mô nền kinh tế GRDP năm 2023 cao gấp hơn 2 lần so với năm 2010. Tăng trưởng GRDP năm 2023 đạt 9,16%, xếp thứ 10/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Bên cạnh đó, Phú Yên còn là nơi hội tụ điểm sáng về hạ tầng giao thông trong việc kết nối hệ thống đường bộ và nâng cấp sân bay. Cụ thể, ở phía Nam đã thông hầm Đèo Cả, ở phía Bắc đã mở cửa hầm đèo Cù Mông, phá thế "ốc đảo" và mở lối thông thương, rút ngắn thời gian di chuyển. Sân bay Tuy Hòa cũng có đề án mở rộng, nâng cấp thành cảng hàng không quốc tế với công suất 5 triệu lượt khách/năm và kết nối thêm các đường bay quốc tế. Giao thông huyết mạnh thông suốt đã mở rộng cánh cửa giao thương giữa Phú Yên với khu vực và thế giới.

Đặc biệt, sau khi xây dựng và hoàn thiện dự án Tuyến hành lang ven biển Tuy An – Tuy Hòa (trục giao thông chính kết nối giao thông liên vùng) càng tạo điều kiện thuận lợi trong việc khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên biển và vùng ven biển Nam Trung Bộ nói chung, tỉnh Phú Yên nói riêng.

Với những lợi thế hiện có, tầm nhìn đến năm 2050, Phú Yên được quy hoạch sẽ là một trung tâm kinh tế biển của vùng Duyên hải Trung Bộ; có hệ thống đô thị thông minh, xanh, bền vững, bản sắc, trong đó những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống của vùng và cả nước.

Như vậy, Phú Yên đủ sức để kéo những "con đại bàng" về làm tổ. Đặc biệt, trọng điểm sẽ là Khu kinh tế Nam Phú Yên – được xem là hạt nhân tăng trưởng, tạo cú huých bứt phá cho nền kinh tế toàn tỉnh. Chỉ cần Khu kinh tế Nam Phú Yên có một dự án đủ mạnh về công nghiệp sẽ tạo nên một lực hút cực lớn cho toàn khu kinh tế, mang đến rất nhiều cơ hội để chào đón các nhà đầu tư.

Lợi thế về giao thông cũng giúp Khu kinh tế Nam Phú Yên trở thành điểm dừng chân lý tưởng khi sân bay Tuy Hòa nằm ngay trong thành phố, tuyến Quốc lộ 1A kết nối với Nha Trang, Quy Nhơn thông suốt, ga tàu hỏa nằm giữa trung tâm thành phố. Cơ sở hạ tầng tại đây cũng đã được đầu tư xây dựng tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, như: Hầm đường bộ Đèo Cả, tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, tuyến đường ven biển, các đường liên khu vực trong khu kinh tế...

Ngoài ra, theo đồ án đã được điều chỉnh, Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 định hướng có 3 tính chất chức năng. Thứ nhất là khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực với trọng tâm phát triển các ngành như: Công nghiệp công nghệ cao, các ngành công nghiệp gắn với cảng biển, tập trung thu hút các ngành công nghiệp luyện kim, lọc hóa dầu, năng lượng ...; du lịch sinh thái; đô thị dịch vụ thương mại - du lịch sông, biển gắn với việc khai thác sân bay Tuy Hòa và hệ thống cảng biển. Phát triển kinh tế biển truyền thống gắn kết chặt chẽ phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh, quốc phòng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thứ hai, là một trong các đầu mối về giao thông vận tải, giao thương và giao lưu quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung và Tây nguyên; cửa ngõ kết nối ra biển Đông của Tây nguyên và các nước ASEAN.

Thứ ba, là Khu kinh tế tổng hợp có hạ tầng hiện đại làm động lực phát triển cho vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Có liên kết hỗ trợ và chia sẻ với Khu kinh tế Vân Phong và các vùng phụ cận.

Bên cạnh đó, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung đã xác định tầm nhìn, định hướng phát triển không gian khu kinh tế: Cấu trúc một vành đai công nghiệp phía tây và dải dịch vụ phía đông; Hai hành lang xanh ven sông Đà Rằng và sông Bàn Thạch.

Việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên đến năm 2040 có ý nghĩa vô cùng lớn vì đây sẽ là công cụ cực kỳ quan trọng để tỉnh Phú Yên tổ chức quản lý, kiểm soát các hoạt động đầu tư phát triển của Khu kinh tế Nam Phú Yên và là nền tảng thúc đẩy phát triển khu kinh tế này theo hướng năng động, đột phát và hiệu quả, bền vững trong giai đoạn mới.

Cho đến nay, Khu kinh tế Phú Yên vẫn đang phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, đáp ứng nhu cầu đầu tư phát triển theo xu thế mới, được ví như "một thỏi nam châm" hút những nhà đầu tư chiến lược, đem lại giá trị gia tăng cao cho tỉnh, góp phần to lớn đưa Phú Yên trở thành tỉnh có nền kinh tế đa dạng và thịnh vượng.

Điều này càng minh chứng thông qua tại Hội nghị công bố Quy hoạch và Xúc tiến đầu tư tỉnh Phú Yên năm 2024 diễn ra mới đây , UBND tỉnh đã công bố Quyết định phê duyệt Danh mục 70 dự án kêu gọi đầu tư trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2024-2030 trên 7 lĩnh vực: Công nghiệp và hạ tầng khu, cụm công nghiệp; logictics; đô thị, nhà ở xã hội; thương mại, dịch vụ, du lịch; nông nghiệp; giáo dục, văn hóa, xã hội; công nghệ thông tin và khoa học công nghiệp. Trong số đó, Khu kinh tế Nam Phú Yên chiếm đến 33/70 dự án kêu gọi đầu tư.


photo-1709541173685

Phú Yên là một trong số ít địa phương sở hữu nhiều tiềm năng đa dạng về phát triển kinh tế tổng hợp như du lịch, dịch vụ, năng lượng tái tạo, nông nghiệp công nghệ cao, lẫn công nghiệp.

Đồng thời, UBND tỉnh đã trao quyết định Chủ trương đầu tư và Quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư 14 nhà đầu tư của 14 dự án với tổng số vốn đăng ký gần 10.500 tỷ đồng và 5 Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư với tổng số vốn dự kiến 128.800 tỷ đồng.

Riêng Tập đoàn Hòa Phát đã ký biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu đầu tư đến 3 dự án tại Khu Kinh tế Nam Phú Yên với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 120.000 tỷ đồng. Các dự án bao gồm: Cảng Bãi Gốc; Đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Hòa Tâm; và Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại Khu công nghiệp Hòa Tâm. Thông qua 3 đại dự án này, Hòa Phát kỳ vọng sẽ giải quyết việc làm cho 20.000 lao động tại Phú Yên, đóng góp ngân sách cho địa phương mỗi năm khoảng 10.000 tỷ đồng.

Trước đó, năm 2023, Tập đoàn Hòa Phát cũng từng "tham vọng" đề xuất đầu tư các dự án tại Khu kinh tế Nam Phú Yên gồm: dự án kinh doanh hạ tầng KCN Hòa Tâm, dự án Cảng Bãi Gốc, Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm và dự án Khu thương mại - Dịch vụ. Riêng dự án Khu thương mại - Dịch vụ triển khai đồng bộ với đầu tư dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm và các dự án thứ cấp khác. Tổng mức đầu tư đối với 4 dự án nói trên dự kiến khoảng 120.000 tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).

Dự án Khu liên hợp Gang thép Hòa Phát tại tỉnh Phú Yên có quy mô vốn đầu tư tương đương với Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được Tập đoàn Hoà Phát triển khai tại Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi (85.000 tỷ). Quy mô diện tích dự án Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại KCN Hòa Tâm là 498ha.

Dự án Cảng Bãi Gốc có diện tích 220 ha, có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí và tiếp nhận cỡ tàu có trọng tải đến 50.000 tấn, và định hướng có bến chuyên dùng tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000 tấn. KCN Hòa Tâm có quy mô diện tích là 1.080 ha.

Ngoài Hòa Phát, 4 doanh nghiệp khác được tỉnh Phú Yên trao quyết định Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư CTCP Tập đoàn N&G với dự án Đầu tư và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Công Nghệ cao. Công ty TNHH Công nghệ thực phẩm Phú Yên (Tập đoàn TH) với dự án Tiếp tục đầu tư Cụm nhà máy thực phẩm sạch Phú Yên. CTCP Nông nghiệp Công nghệ cao Trung An với dự án Nhà máy xử lý chất thải sinh hoạt và phát điện. CTCP Tập đoàn Vietravel với dự án Phối hợp, hỗ trợ, hợp tác phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ.

Có thể thấy rằng, thời gian qua thị trường bất động sản Phú Yên đang trở nên sôi động khi các tập đoàn lớn cũng nhanh chân giành quỹ đất đẹp. Không chỉ thu hút đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng, khu công nghiệp, các nhà máy lớn, tại Phú Yên còn hiện hữu các dự án du lịch nghỉ dưỡng nổi tiếng, có thể kể đến như Tổ hợp nghỉ dưỡng vịnh Vũng Rô của Tập đoàn Rose Rock Group, Khu du lịch Long Hải của Công ty Cổ phần Đại Thuận và Tập đoàn Hoya (Hàn Quốc), dự án Khu du lịch Hòn Ngọc Bãi Tràm do Công ty TNHH Bãi Tràm Estates (100% vốn đầu tư nước ngoài).

Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên từng cho biết một số nhà đầu tư có tên tuổi như Tập đoàn Hưng Thịnh, Novaland, Vinaconex, VinaCapital... đã có những đề xuất triển khai các dự án quy mô lớn tại tỉnh. Phú Yên đang được thu hút 46 dự án về du lịch nghỉ dưỡng và 43.000 tỷ tổng vốn đăng ký đầu tư.

Đơn cử, Tập đoàn TH True Milk cũng có kế hoạch xây dựng dự án sân golf, khu biệt thự sinh thái, resort rộng hơn 1.000ha. Tập đoàn Hưng Thịnh cũng có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Phú Yên và trình bày phương án quy hoạch Tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng cao cấp vịnh Vũng Rô quy mô hơn 1.040ha.

Novaland cũng đã có báo cáo phương án quy hoạch phân khu 1/2.000 Khu vực Bãi Từ Nham, Vịnh Xuân Đài với lãnh đạo tỉnh Phú Yên. Mục tiêu chính của đồ án là phát triển khu du lịch vịnh Xuân Đài trở thành khu du lịch trong hệ thống du lịch của vùng Duyên Hải Nam Trung Bộ; thu hút đồng thời khách quốc tế và khách nội địa, khách du lịch cao cấp và khách du lịch đại trà.

Trong khi đó, Công ty Cổ phần Sovico đề xuất đầu tư 3 dự án khá lớn tại tỉnh này, gồm dự án mở rộng Cảng Hàng không Tuy Hòa; xây dựng khu đô thị tri thức diện tích 54ha và khu đô thị ven biển khoảng 13,5ha tại TP Tuy Hòa. Theo Sovico, Phú Yên nói chung, TP Tuy Hòa nói riêng có nhiều tiềm năng, lợi thế để triển khai các dự án bất động sản du lịch. Đây cũng là thị trường mới nổi, còn dư địa phát triển nên ngày càng thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược, do đó Công ty Cổ phần Sovico cũng không thể đứng ngoài cuộc chơi.

Tập đoàn Evarland cũng cho biết sẽ triển khai hai dự án bất động sản là tổ hợp nghỉ dưỡng Xuân Đài Bay và Tổ hợp nghỉ dưỡng Crystal Holidays Marina Phú Yên tại khu vực phường Xuân Đài, TX Sông Cầu. Đây là hai dự án về du lịch nghỉ dưỡng 5-6* tiêu chuẩn quốc tế có quy mô 37ha, tổng vốn đầu tư gần 2.200 tỷ đồng, nằm trong quần thể đô thị du lịch, dịch vụ hơn 500ha tại phía nam của tỉnh.

Có thể nói, dù phát triển muộn hơn Đà Nẵng, Quảng Nam (Hội An), Khánh Hòa (Nha Trang) nhưng Phú Yên đã và đang cho thấy những lợi thế không hề kém cạnh, thậm chí có phần vượt trội về dư địa tăng trưởng và sức hút các doanh nghiệp lớn. Phú Yên đang đứng trước thời cơ lớn xác lập vị thế của riêng mình trên bản đồ bất động sản duyên hải miền Trung.

Lê Na

Đời sống Pháp luật

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên