Giải ngân vốn ngân sách đạt gần 83% kế hoạch
Theo báo cáo của Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính, căn cứ theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đã phân bổ kế hoạch vốn năm 2016 thành 3 đợt với tổng số vốn NSNN bố trí là 252.199,5 tỷ đồng, đạt 98,92% kế hoạch Quốc hội đã thông qua.
- 24-12-2016Tiếp tục đôn đốc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công
- 15-12-2016Kho bạc Nhà nước đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
- 07-12-2016Giải ngân vốn đầu tư công tại các dự án giao thông: Vì sao chậm tiến độ?
Về vốn trái phiếu Chính phủ, kế hoạch vốn đã được phân bổ là gần 47.493 tỷ đồng, đạt 79,1% kế hoạch. Trong đó các bộ, ngành được phân bổ 23.091 tỷ đồng, các địa phương được phân bổ 24.401 tỷ đồng.
Trong năm 2016, Bộ Tài chính mà trực tiếp là Vụ Đầu tư đã phối hợp với các bộ, ngành và Kho bạc Nhà nước để xử lý và nhập thông tin về kế hoạch vốn trên hệ thống TABMIS; rà soát giải ngân số vốn ứng trước ngân sách Trung ương chưa thu hồi của các địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tác động của các cơ chế chính sách liên quan đến tiến độ giải ngân.
Kết quả, ước tính thanh toán vốn NSNN 12 tháng năm 2016 là 209.094 tỷ đồng, đạt 82,9% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Các bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân vốn NSNN đạt 83,5% cao hơn với tỷ lệ 82% của các địa phương.
Vốn trái phiếu Chính phủ ước thanh toán 12 tháng là 31.800 tỷ đồng, đạt 67% kế hoạch, trong đó Trung ương đạt 54% và địa phương đạt 79%.
Đánh giá về công tác giải ngân vốn, ông Lê Tuấn Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính cho biết: Thực hiện Nghị quyết số 60/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016, các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương đôn đốc, chỉ đạo các chủ đầu tư tập trung thực hiện và thanh toán kế hoạch vốn. Do đó, tỷ lệ giải ngân đến cuối năm đã có chiều hướng tích cực hơn, tuy nhiên con số này vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2015.
Phân tích nguyên nhân, ông Tuấn Anh cho hay: Sự vướng mắc, thiếu đồng nhất giữa các văn bản hướng dẫn Luật khiến các đơn vị gặp khó khăn trong quá trình thực hiện, ảnh hưởng trực tiếp đến việc hoàn thiện các thủ tục đầu tư dự án, đặc biệt là các dự án khởi công mới.
Bên cạnh đó, với các Chương trình Mục tiêu quốc gia, tới tháng 8, 9 mới có 2 chương trình được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tiến hành giao kế hoạch vốn song lại thiếu các quy định về cơ chế đặc thù, hướng dẫn cụ thể nên nhiều địa phương vẫn chưa hoàn thiện thủ tục.
Ngoài ra, việc giao vốn nước ngoài chưa phù hợp do một số dự án không có khả năng giải ngân đã được giao vốn khá lớn, trong khi một số dự án có khả năng thực hiện và thanh toán tỷ lệ cao nhưng chưa được giao đủ vốn so với khả năng thực hiện.
Việc triển khai của các chủ đầu tư cũng còn một số vấn đề tồn tại như: Công tác hoàn thiện thủ tục đầu tư của các dự án còn chậm so với quy định; công tác đấu thầu, thi công công trình, nghiệm thu khối lượng thanh toán chưa thực hiện ngay từ đầu năm nên việc giải ngân cho dự án còn chậm; chưa giải quyết dứt điểm vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng,...
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách thuộc phạm vi chức năng nhiệm vụ cũng như đánh giá tác động của các cơ chế, chính sách đã ban hành. Đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát và sửa đổi, bổ sung điều chỉnh các cơ chế chính sách còn bất cập, vướng mắc để công tác phân bổ và giải ngân vốn được thực hiện hiệu quả hơn.
Báo hải quan