Giải pháp nào “thu hút” FDI chất lượng cao
4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam thu hút gần 8,88 tỷ USD vốn FDI, bằng 82,1% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, vốn thực hiện khoảng 5,85 tỷ USD, giảm 1,2%.
- 06-05-2023Thu nhập của nhóm người giàu nhất ở TP.HCM và Hà Nội đã thay đổi ra sao trong 10 năm qua?
- 06-05-2023Tỉnh được Đài Loan (Trung Quốc) đầu tư nhiều nhất tại Việt Nam
Mặc dù, Việt Nam còn nhiều tiềm năng - dư địa thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng các chuyên gia khẳng định “phải khơi thông một số điểm nghẽn, để không chỉ thu hút nhiều hơn, mà vốn FDI chảy vào Việt Nam phải là nguồn chất lượng,hiệu quả, bền vững”.
Hiện, các doanh nghiệp tại Singapore đang đầu tư gần 2,2 tỷ USD, chiếm gần 25% tổng vốn FDI tại Việt Nam; xếp thứ hai là các thương hiệu doanh nghiệp từ Nhật Bản với hơn 22% tỉ lệ vốn đầu tư, tương đương gần 2 tỷ USD.
Tín hiệu tích cực tiếp tục được gửi đến từ khối doanh nghiệp Châu Âu khi ông Lưu Hải Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) khẳng định, có tới 30% doanh nghiệp Eurocham có dự cảm tích cực về khả năng phát triển tại thị trường Việt Nam, đặc biệt kể từ sau hoạt động sản xuất kinh doanh quý 1:
"Ở VN, những động lực tăng trưởng chính của nền KT VN đang giữ được mức độ khá là tích cực, hay những thay đổi tích cực trong khung chính sách của VN thời gian vừa qua. Đặc biệt là nỗ lực và các cam kết về cải cách, cam kết về đầu tư công trong năm tới… Đấy là động lực khiến cho khối doanh nghiệp Châu Âu có phần tự tin hơn trong 2023".
Thu hút đầu tư FDI cần hướng đến dự án đầu tư có chất lượng.
Đồng tình quan điểm, “lực hấp dẫn mạnh mẽ nhất tới từ nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định”, chuyên gia Trần Toàn Thắng – Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích - chỉ rõ những “điểm nghẽn” cần được khơi thông-cải thiện để Việt Nam tiếp tục hút vốn FDI:
"Chúng ta cần nhìn nhận, tư nhân họ đầu tư theo kỳ vọng đầu tư - tức là nó phụ thuộc vào triển vọng KT kể cả bên ngoài và bên trong. Vai trò của Nhà nước là phải gửi được tín hiệu các vấn đề của nền KT ngày càng tốt lên. Thời gian vừa rồi vai trò này đã được Nhà nước làm được - đã gửi được tín hiệu các công trình hạ tầng, kết nối lớn giữa các tỉnh, các vùng KT sẽ được thực hiện. Đây là điều rất tốt. Tuy nhiên, còn những điểm nghẽn, đó là câu chuyện về vốn tín dụng, về thị trường trái phiếu".
Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, những cơ chế, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ các chủ thể của hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trong cả ngắn hạn, dài hạn, và đây là nền tảng để Việt Nam tiếp tục thu hút đầu tư. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng:
"Để thu hút đầu tư việc đầu tiên làm phải là hạ tầng kết nối, hạ tầng đô thị, hạ tầng công nghiệp phải xử lý rất tốt. Hạ tầng công nghiệp là các khu công nghiệp. Và nếu cải cách thị trường trong nước càng tốt thì khả năng thu hút đầu tư nước ngoài càng cao. Theo logic nếu mở cửa hội nhập càng tốt, càng thu hút được đầu tư chất lượng cao. Các nhà đầu tư nước ngoài vào nhiều mà lại là loại đầu tư chất lượng cao, thì sẽ tạo ra áp lực để buộc phải cải cách mạnh hơn nữa".
Đáng nói, trong bối cảnh phát triển xanh, phát triển bền vững, yêu cầu không chỉ là làm cách nào thu hút vốn FDI nhiều hơn, mà làm cách nào để vốn ngoại “nhập” vào Việt Nam phải thật chất lượng, theo xu thế bền vững toàn cầu? Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đào Ngọc Tiến – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương nhìn nhận:
"Muốn nghĩ đến thu hút đầu tư, đặc biệt thu hút EU, họ hướng nhiều về phát triển kinh tế số và tăng trưởng xanh, chúng ta cần những chính sách cụ thể để thu hút FDI Châu Âu vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, cũng cần thu hút đầu tư từ Châu Á, bởi vì sau Covid, chuỗi cung ứng đã thay đổi rất nhiều và các nước hiện đang hướng đến rút ngắn chuỗi cung ứng, tìm kiếm các chuỗi cung ứng gần hơn".
“Kinh tế xanh, bền vững” là xu hướng phát triển toàn cầu. Việt Nam là thành viên tích cực trong hầu hết các Hiệp định thương mại lớn, với những chính sách ràng buộc chặt chẽ, hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe… đòi hỏi không chỉ tư duy quản lý, điều hành, hoạch định chính sách của Việt Nam phải tốt, mà là sự phối hợp mọi khâu đầu-cuối trong chuỗi cung ứng - từ nguyên liệu đầu vào, cách thức sản xuất, cung ứng, phân phối sản phẩm… của mọi thành phần kinh tế phải đảm bảo uy tín thương hiệu tốt nhất – từ Việt Nam.
Đây là những vấn đề quan trọng quyết định Việt Nam tiếp tục thu hút vốn FDI tới mức nào, thu hút vốn FDI chất lượng cao nhiều hay ít, ở tất cả các lĩnh vực.
VOV