Giải quyết tình trạng “có tiền mà không tiêu được'
Xác định rõ những nguyên nhân cản trở giải ngân đầu tư công sẽ góp phần tìm ra giải pháp khắc phục. Ảnh minh họa.
Để giải quyết tình trạng “có tiền mà không tiêu được” của đầu tư công cần đổi mới và đồng bộ nhiều giải pháp.
- 28-08-2022Đưa kinh tế cửa khẩu thành điểm đột phá về kinh tế của Lào Cai
- 28-08-2022TP Hồ Chí Minh: Chuẩn bị vận hành thử nghiệm tàu metro Bến Thành - Suối Tiên
- 28-08-2022Ngành nào thu hút nhiều dòng vốn FDI nhất trong 8 tháng đầu năm 2022?
Tìm hướng giải ngân đầu tư công
Có tiền mà không tiêu được - đó là cách ví von khi nói về giải ngân đầu tư công. Đầu tư công là đầu tư của Nhà nước, là hoạt động đầu tư sử dụng nguồn vốn do Nhà nước quản lý và thường tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội như điện, đường, trường, trạm, nhất là ở các khu vực khó khăn, các công trình có ý nghĩa an sinh xã hội cao.
Năm 2022, nguồn vốn dành cho đầu tư công là rất lớn vào khoảng 542 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng theo tính toán của Bộ Tài chính, đến hết tháng 8, giải ngân đầu tư công mới đạt được 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong đó, có tới 27 bộ, ngành, tổ chức và 3 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%. Vấn đề đặt ra lúc này là phải thúc đẩy tiến độ giải ngân nguồn vốn quan trọng này.
Đến hết tháng 8, giải ngân đầu tư công mới đạt được 35,49% kế hoạch và đạt 39,15% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Ảnh minh họa.
Dự án Bệnh viện Ung bướu TP Cần Thơ đầu tư bằng nguồn vốn vay ODA và vốn đối ứng của địa phương. Tháng 7, hiệp định vay vốn đã hết hiêụ lực nhưng dự án mới đạt khoảng 20% khối lượng tổng thầu EPC. Để tái khởi động dự án, địa phương đề xuất trung ương đàm phán để sớm ký mới hiệp định cho dự án này.
Tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 của TP Cần Thơ là hơn 7.510 tỷ đồng nhưng hiện mới chỉ giải ngân được 31%, thấp hơn mức trung bình cả nước và chưa đạt mục tiêu đề ra. Để cải thiện tình hình, Cần Thơ đang thực hiện điều chuyển vốn giữa các dự án.
Ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ cho hay: "Điều chỉnh vốn từ dự án khó, không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân khó khăn sang những dự án có khả năng giải ngân được và tiếp tục khởi công các dự án đã hoàn thành pháp lý".
Ngoài động tác điều chuyển vốn giữa các dự án trên địa bàn, TP Cần Thơ cũng đã có văn bản gửi Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch đầu tư, xin điều chỉnh giảm vốn đầu tư công năm nay với số tiền giảm là 1.450 tỷ đồng, tức là trả lại trung ương 1.450 tỷ đồng.
Chính phủ quyết liệt thúc đẩy đầu tư công
Tiến độ giải ngân chậm, có địa phương thậm chí đã xin trả lại vốn đầu tư công. Trước tình hình đó, Chính phủ đã triển khai một loạt các biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm.
Giữa tháng 8, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 6 Tổ công tác để tiếp tục kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.
6 tổ công tác này do 4 Phó Thủ tướng và 2 Bộ trưởng dẫn đầu tập trung làm việc, kiểm tra tại 41 bộ, cơ quan Trung ương và 18 địa phương. Đây là những nơi có kết quả giải ngân đến hết tháng 7 ở mức dưới mức trung bình của cả nước, tức dưới 34,47%.
Thực tế kiểm tra của các đoàn công tác cho thấy một số nguyên nhân phổ biến dẫn tới chậm trễ trong giải ngân đầu tư công như: giá nguyên nhiên vật liệu tăng, giải phóng mặt bằng chậm, hay trách nhiệm của người đứng đầu chưa được phát huy đầy đủ.
Đổi mới giải ngân vốn đầu tư công
Xác định rõ những nguyên nhân cản trở giải ngân đầu tư công sẽ góp phần tìm ra giải pháp khắc phục. Ngoài ra, kinh nghiệm tại các địa phương đang thực hiện tốt cũng cần được tham khảo và nhân rộng.
Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lào Cai được đầu tư bằng nguồn ngân sách nhà nước. Sau hơn nửa năm triển khai, dự án đã đạt tiến độ có thể giải ngân 40% và có thể hoàn thành trước kế hoạch 3 tháng. Đây là kết quả của công tác chuẩn bị đầu tư tốt như giải phóng mặt bằng, bố trí nguồn vốn.
Ông Trương Văn Bảy - Đại diện nhà thầu xây dựng Bệnh viện đa khoa tỉnh Lào Cai cho hay: "Nếu kết hợp nhịp nhàng giữa ban quản lý dự án và các hạng mục liên kết thì chúng tôi có thể đẩy nhanh tiến độ thêm".
Đại diện cơ quan quản lý các dự án đầu tư công của Lào Cai cho rằng, để đảm bảo tiến độ giải ngân đầu tư công, việc công khai, minh bạch trong đấu thầu, lựa chọn nhà thầu là yếu tố có vai trò quan trọng.
"Đưa ra các tiêu chí để lựa chọn nhà thầu có thế mạnh để đảm bảo chất lượng tiến độ", ông Hoàng Trọng Chuyên - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và Công nghiệp tỉnh Lào Cai cho hay.
Lào Cai và Yên Bái là hai địa phương nằm ở nhóm có mức giải ngân đầu tư công 8 tháng đầu cao so với mức trung bình của cả nước.
Cả hệ thống chính trị vào cuộc, đổi mới về tư duy, quyết liệt trong điều hành… những yếu tố này đã góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ở hai địa phương.
"Đẩy nhanh công tác nghiệm thu thanh toán, chúng ta không chờ cứ hàng tháng mới làm. Khi có khối lượng thì đẩy nhanh thời gian nghiệm thu thanh toán lên sẽ góp phần đẩy nhanh việc giải ngân", ông Nguyễn Trọng Hài - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho hay.
Ông Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: "Vấn đề chuẩn bị đầu tư thì đẩy nhanh các thủ tục thẩm định, phê duyệt. Ngoài ra, chúng tôi còn thường xuyên giao bản để rà soát các dự án chậm để điều chuyển vốn cho các dự án có tiến độ tốt".
Với tiến độ hiện tại, Yên Bái và Lào Cai cam kết sẽ hoàn thành 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công trong kỳ giải ngân năm nay.
Nguồn vốn đầu tư công năm nay là rất lớn, nhiều hơn năm ngoái khoảng 110 nghìn tỷ đồng nên để hoàn thành mục tiêu giải ngân, ngoài sự quyết liệt của Chính phủ, cần sự nỗ lực ở cấp ngành, địa phương. Có như vậy mới tránh tình trạng "có tiền mà không tiêu được"; sử dụng hiệu quả vốn đầu tư công, qua đó góp phần kích cầu, thu hút thêm nguồn lực đầu tư xã hội, tạo thêm nhiều việc làm... đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng kinh tế .
VTV