Giảm 7 đầu mối trực thuộc, Bộ Công Thương sẽ giảm 1,5% số cán bộ, công chức
Bộ Công thương vừa công bố đề xuất phương án cơ cấu tổ chức bộ máy nhiệm kỳ 2016-2022. Trên tinh thần tinh giản bộ máy, giảm các vụ, cục quản lý, số đơn vị trực thuộc bộ sẽ giảm từ 35 đơn vị hiện nay xuống còn 28 đơn vị (giảm 7 đơn vị so với cơ cấu cũ).
- 23-11-2016Bộ Công thương giảm 7 đơn vị: cấp trưởng, cấp phó đi đâu?
- 23-11-2016Bộ Công Thương đang được tổ chức như thế nào?
- 23-11-2016Bộ Công Thương thừa vụ trưởng, cục trưởng, dôi dư cấp phó
Động thái rất quyết liệt này của Bộ Công Thương nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, cải cách hành chính, tiết giảm chi phí, đi cùng với tinh giản bộ máy là nâng cao tinh thần trách nhiệm phục vụ của công chức, viên chức. Về vấn đề này, ông Trần Quang Huy- Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công thương) đã có cuộc trao đổi với chúng tôi.
- Rút từ 35 cục, vụ hiện nay xuống còn 28 đơn vị sẽ tác động thế nào đến các vị trí hiện đang giữ các chức danh trưởng, phó ở các đơn vị? Bộ Công Thương đã tính toán thế nào về việc này, có bao nhiêu chức danh như trên sẽ phải sắp xếp lại, và hướng điều chuyển thế nào?
- Theo dự kiến, số lượng đầu mối của bộ sẽ giảm đi 7 đơn vị, do đó sẽ dôi dư 7 vị trí cấp trưởng. Tuy nhiên, các vị trí lãnh đạo cấp trưởng này có thể được xem xét, điều động giữ chức vụ cấp trưởng của đơn vị khác để thay thế cho Lãnh đạo cấp trưởng nghỉ hưu (nếu đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện) hoặc bố trí công tác tại các đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ. Bộ Công Thương cũng dự kiến một số phương án sắp xếp lại đội ngũ lãnh đạo dôi dư căn cứ vào các tiêu chí như: Chức vụ Lãnh đạo cấp Vụ và tương đương; ngạch công chức; trình độ đào tạo; kinh nghiệm công tác; độ tuổi... Đối với các vị trí lãnh đạo dôi dư sau khi sáp nhập sẽ được: Bổ nhiệm giữ các chức vụ lãnh đạo trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ (hiện tại, một số đơn vị sự nghiệp còn thiếu lãnh đạo cấp phó so với quy định, hoặc có lãnh đạo cấp trưởng chuẩn bị nghỉ hưu); Là nguồn bổ sung, thay thế những công chức lãnh đạo chuyển công tác, nghỉ hưu hoặc cử làm Tham tán tại các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài; Bổ nhiệm, cử giữ các chức vụ lãnh đạo, người đại diện tại các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty đối với lãnh đạo có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm công tác đáp ứng được yêu cầu điều hành doanh nghiệp. Phương án cuối cùng là giải quyết tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP.
- Rút gọn bộ máy tổ chức, nhưng đầu việc và chức năng, nhiệm vụ của Bộ vẫn không thay đổi nhiều, thậm chí có những Cục/Vụ còn được tách để thành lập mới như Tổng cục Quản lý thị trường, Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, Cục Phòng vệ thương mại… Vậy thực chất có giảm biên chế không? Dự tính giảm biên chế của bộ là bao nhiêu?
- Việc tinh giản biên chế là chủ trương chung của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế yêu cầu lộ trình đến năm 2021 số lượng biên chế tinh giản là 10% (trung bình mỗi năm tinh giản 1,5%). Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2218/QĐ-TTg ngày 10.12.2015 về Kế hoạch của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW.
Trên tinh thần đó, Bộ Nội vụ cũng đã giao chỉ tiêu biên chế năm 2017 của Bộ Công Thương, theo đó số lượng biên chế năm 2017 giảm so với năm 2016 (khoảng 1,5%). Bộ Công Thương sẽ sắp xếp để đảm bảo số lượng biên chế theo chỉ tiêu Bộ Nội vụ giao.
- Bộ có tính sẽ dư thừa cán bộ không, nhưng như giải thích ở trên thì tinh thần giải quyết số lãnh đạo “dư thừa” này là sẽ không đưa ai ra khỏi bộ máy, mà điều động về các đơn vị khác?
- Khi thực hiện cơ cấu lại bộ máy, Bộ Công Thương đã tính tới khả năng dư thừa công chức, viên chức và người lao động (bao gồm cả các công chức lãnh đạo tại các đơn vị sáp nhập). Bên cạnh việc ưu tiên hỗ trợ tìm việc làm mới trong đơn vị khác, có những trường hợp năng lực, trình độ yếu kém, sức khỏe không đảm bảo sẽ được đưa ra khỏi bộ máy theo đúng quy định của Nhà nước (Nghị định 108/2014/NĐ-CP).
- Theo đề xuất thì cơ cấu tổ chức mới của Bộ Công Thương sẽ không còn Vụ Thi đua khen thưởng, tuy nhiên theo nghị định của Chính phủ, thì Vụ Thi đua khen thưởng vẫn có trong cơ cấu bộ máy các bộ, ngành. Bộ Công Thương bỏ đi có là sai quy định không?
- Nghị định số 122/2005/NĐ-CP ngày 4.10.2005 của Chính phủ quy định tổ chức làm công tác thi đua, khen thưởng quy định thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ban Thi đua - Khen thưởng ở cơ quan thuộc Chính phủ có số lượng biên chế hành chính, sự nghiệp trên 1.500 cán bộ, công chức, viên chức và có tổ chức theo hệ thống ngành dọc đặt tại địa phương.
Tuy nhiên, hiện tại có một số Bộ, ngành cũng không thành lập Vụ Thi đua - Khen thưởng. Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính phủ là cơ cấu lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ (giảm số lượng đầu mối) trong dự thảo Nghị định, Bộ Công Thương vận dụng sáp nhập Vụ Thi đua - Khen thưởng vào Văn phòng Bộ. Việc này Bộ Công Thương sẽ xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan thẩm định để phù hợp với các quy định hiện hành (đảm bảo không vi phạm luật) trước khi trình Chính phủ ban hành.
Hiện Bộ Công Thương đang chờ sau khi Chính phủ ban hành Nghị định mới quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức, Bộ sẽ thực hiện sắp xếp lại nhân sự theo tổ chức bộ máy mới. Dự kiến việc phân bổ nhân sự nêu trên sẽ hoàn thành trong đầu quý I/2017.
Lao động