Giám đốc AI của Microsoft gây tranh cãi: Lấy nội dung trên web để đào tạo AI là "bình thường"
Giám đốc AI của Microsoft, Mustafa Suleyman, gây tranh cãi khi cho rằng nội dung trên web mở là "phần mềm miễn phí" và có thể sao chép tự do.
- 04-07-2024Có đường dây lừa đảo qua mạng chiếm đoạt đến 1.800 tỷ đồng, tổ chức rất tinh vi, chuyên nghiệp
- 04-07-2024Cập nhật ứng dụng VNeID ngay, có 4 điểm mới người dân cần biết!
- 04-07-2024Điện thoại di động bắt đầu hết thời vì cuộc cách mạng AI?
Mustafa Suleyman giám đốc AI của Microsoft cho rằng khi bạn xuất bản bất kỳ nội dung nào trên web mở, nó trở thành "công cụ miễn phí" mà bất kỳ ai cũng có thể sao chép và sử dụng.
Khi được Andrew Ross Sorkin của CNBC hỏi liệu "các công ty AI có thực sự ăn cắp tài sản trí tuệ của thế giới hay không", Suleyman trả lời: "Tôi nghĩ rằng đối với nội dung đã có sẵn trên web mở, bất kỳ ai cũng có thể sao chép, tái tạo với nó, sản xuất lại với nó. Điều đó đã trở thành công cụ mở miễn phí".
Ông Suleyman cho biết, trừ khi những tổ chức hay các nhà xuất bản có thông báo chính thức rằng không được sao chép nội dung văn bản cho mục đích cá nhân thì việc sử dụng những nội dung đó mà không xin phép để đào tạo AI mới được cho là bất hợp pháp.
(Ảnh: Theo The National)
Hiện tại, Microsoft đang phải đối mặt với nhiều vụ kiện cáo buộc rằng họ và OpenAI đã ăn cắp nội dung có bản quyền trên mạng để huấn luyện các mô hình AI.
Tuy nhiên, quan điểm này của ông Suleyman đã vấp phải sự phản đối từ giới luật sư và chuyên gia bản quyền. Luật pháp Hoa Kỳ quy định rõ ràng rằng mọi tác phẩm ngay từ khi được tạo ra đã tự động được bảo hộ bản quyền mà không cần đăng ký. Việc đăng tải nội dung lên internet không đồng nghĩa với việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với tác phẩm đó.
Tờ Verge bình luận: "Mặc dù không phải là luật sư nhưng bất kỳ ai cũng biết rằng, ngay khi bạn tạo ra một tác phẩm, nó tự động được bảo vệ bản quyền ở Mỹ. Bạn không cần đăng ký và không mất quyền chỉ vì đăng lên web. Thực tế, việc từ bỏ quyền này khó đến mức các luật sư phải tạo ra các giấy phép đặc biệt để giúp đỡ!"
Khái niệm "sử dụng hợp lý" cũng không phải là một "quy ước xã hội" như lời ông Suleyman, mà là một cơ sở pháp lý được tòa án xem xét dựa trên nhiều yếu tố như mục đích sử dụng, bản chất tác phẩm, số lượng sao chép và tác động đến chủ sở hữu bản quyền.
Chính vì điều này nên nhiều tờ báo lớn của Mỹ trong đó có The New York Times, New York Daily News, Chicago Tribune... đang đấu tranh gay gắt để đòi quyền lợi dành cho mình. Riêng The New York Times đã chi 1 triệu USD để kiện Microsoft về vấn đề này.
Tuy nhiên trong bối cảnh đó, ông Mustafa Suleyman vẫn có những phát biểu đầy thách thức. "Chúng ta là gì, nếu không phải là một bộ máy sản xuất tri thức và trí tuệ?", ông nói.
VTV