MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc du lịch bán hết nhà cửa, xoay đủ nghề vượt qua đại dịch

Giám đốc du lịch bán hết nhà cửa, xoay đủ nghề vượt qua đại dịch

Bán căn nhà thứ nhất được 5 tỷ đồng, vài ngày tiền sang túi người khác hết, lại phải bán tiếp căn nhà thứ 2 để xoay sở... Giám đốc công ty du lịch chuyên thị trường Mỹ xoay sở tìm ngách đi riêng để đứng vững trước đại dịch.

Bán 2 căn nhà để duy trì

Ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh, nhất là những công ty chuyên làm thị trường du lịch nước ngoài lại càng ảnh hưởng nặng nề hơn khi chi phí sản phẩm lớn.

Câu chuyện phải bán đến 2 căn nhà để duy trì mọi thứ của ông Phùng Gia Tuấn – Giám đốc Công ty CP Khám phá Mỹ (American Discovery) chia sẻ với PV Infonet cho thấy  sự xoay sở chật vật của doanh nghiệp trong dịch bệnh.

Giám đốc du lịch bán hết nhà cửa, xoay đủ nghề vượt qua đại dịch - Ảnh 1.

Sau khi dịch bệnh ảnh hưởng đến thị trường du lịch Mỹ, ông Tuấn ‘nhảy’ vào thị trường nội địa bằng việc tổ chức các tour Caravan – tự lái xe.


Là công ty chuyên về thị trường du lịch ngoại, chủ yếu là thị trường Mỹ, châu Mỹ, Canada, ông Tuấn cho hay, ông không nghĩ dịch bệnh kéo dài và khó khăn đến vậy, tất cả đều không có sự chủ động nào, khi dịch đến đều rơi vào tình trạng bỡ ngỡ và nghĩ đơn giản dịch bệnh này cũng sẽ giống như các đại dịch khác, chỉ vài tháng là thay đổi.

Vì thế, khi dịch đến, không chỉ công ty mà nhiều đơn vị khác cũng chấp nhận nó và nghĩ đơn giản... nhưng đến giờ phút này thì không thể nghĩ như vậy được rồi!.

Ông Tuấn kể, nhiều doanh nghiệp du lịch chọn cách ‘ngủ đông’ nhưng ông lại không chọn phương án đó. Ông vẫn duy trì hoạt động công ty du lịch, vẫn trả lương cho nhân viên.

“Nhưng đến khi đợt dịch tái bùng phát lần thứ 4, nhiều nhân viên xin tạm nghỉ vì họ thấy chúng tôi cũng quá vất vả duy trì để anh em có việc làm qua hơn 1 năm từ khi xảy ra dịch bệnh mà doanh thu không có.

Tôi đã phải bán 2 căn nhà của mình để duy trì nhiều thứ; trong đó có khoảng 60-70% chi phí cho khoản trả lại tiền cho khách hàng”, ông Tuấn buồn rầu kể.

Vị giám đốc này cho hay, Công ty chuyên thị trường Mỹ, bán tour theo hình thức booking cả năm, nên tại thời điểm xảy ra dịch Covid-19 vào tháng 3/2020, công ty đã triển khai nhận khách đến tháng 9 trong năm đó.

Giám đốc du lịch bán hết nhà cửa, xoay đủ nghề vượt qua đại dịch - Ảnh 2.

Giám đốc Công ty CP Khám phá Mỹ Phùng Gia Tuấn.


“Có những khách đã vào cọc, làm visa gần như đã xong, chỉ còn chờ ngày lên đường... nên tất cả dịch vụ đều đã được triển khai, khách đã đóng tiền thì dịch xảy ra, mọi hoạt động bị hoãn lại. Khi ấy, có khách hàng chấp nhận hoãn, nhưng có khách hàng không chấp nhận và cho rằng khi dịch xảy ra thì rủi ro công ty du lịch phải chịu nên khăng khăng đòi tiền, buộc chúng tôi phải hoàn tiền cho khách.


Tiền của chúng tôi đọng hết ở các dịch vụ đã đặt, không còn cách nào khác là phải bán nhà. Lúc tôi bán căn nhà đầu tiên được khoảng 5 tỷ đồng, chỉ trong 1-2 ngày là tiền sang túi người khác hết. Tôi không thể tưởng tượng nổi và cũng chưa bao giờ nghĩ mình giỏi tiêu tiền như vậy”, ông Tuấn chia sẻ.

Chưa hết, ông Tuấn còn đầu tư cả xe ở bên Mỹ để phục vụ cho việc chủ động về vận tải, dịch vụ cho khách hàng của mình cũng như bán dịch vụ Land tour cho các công ty khác. Cuối năm 2019, ông Tuấn đã cùng bạn bè ở Mỹ đầu tư mua mấy chiếc ô tô để phục khách, mua xong thì xe ‘đắp chiếu’ suốt 2 năm nay, trong khi tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đều hàng tháng.

“Trong các sản phẩm du lịch, cái gì khó nhất mọi người chê thì tôi ‘nhảy’ vào, thị trường Mỹ là thị trường khó không phải ai cũng có thể “nhảy” vào làm được. Vì thế, tôi nghĩ rằng, khi thị trường khó thì đó là cách để mình đi con đường tốt hơn người khác. Giai đoạn 2018 – 2019, thị trường Mỹ bùng nổ, công ty cũng có vốn liếng, xoay dòng tiền để “giật gấu vá vai”, hy vọng đầu tư đa ngành, đa nghề...

Nhưng có ai nghĩ, đổ bê tông móng nhà chưa khô thì mái đã bị sập mất rồi...”, ông Tuấn chia sẻ thêm.

Và thế là, ông Tuấn buộc phải thay đổi từ mảng du lịch quốc tế sang mảng du lịch nội địa trong nước. Tuy nhiên, vì không phải ‘món’ sở trường, nên khó có thể cạnh tranh hoặc làm tốt hơn những công ty chuyên làm nội địa.

“Vì thế, thay vì việc ‘nhảy’ vào thị trường nội địa, cạnh tranh với các công ty du lịch khác, chúng tôi đi theo ‘ngách’ khác, đó là làm các tour Caravan – tự lái xe. Mục đích để không bị đụng chạm, cạnh tranh nhiều với các doanh nghiệp lữ hành nội địa, cũng là trải nghiệm mới cho du  khách Việt, hơn nữa trong bối cảnh dịch bệnh thì tour Caravan sẽ an toàn hơn so với loại hình du lịch truyền thống”, ông Tuấn nói.

Việc chuyển hướng sang tour Caravan đã được ông Tuấn cùng các công ty du lịch khác thực hiện hơn một năm nay theo kiểu anh em tự làm, tự phát nhằm chuẩn bị cho kế hoạch dài hơi. Tháng 3/2021, mới thành lập Công ty Caravan Việt Nam để sau này sẽ triển khai thành sản phẩm du lịch – một sản phẩm ngách mới, phục vụ cho ngành du lịch, chứ không chỉ phục vụ trong tình hình dịch, là cơ hội để bắt tay với cuộc chơi mới.

Liên tục ‘nảy’ ý tưởng, đam mê chưa bao giờ tắt

Ông Tuấn cho biết, ở thời điểm mọi thứ vẫn đang tốt, ông đã gắn bó với anh em, khách hàng chuyên làm cafe, hàng năm cũng thường tổ chức xúc tiến thương mại tại nước ngoài cho các hiệp hội, các công ty có nhu cầu xuất khẩu, giới thiệu sản phẩm đi nước ngoài.

Vì thế, khi dịch bệnh tái diễn, sau thời gian giãn cách, ông Tuấn đã lang thang khắp Tây Nguyên vài tháng trời để vừa tìm hiểu, vừa học cách trồng cafe, rang xay, chế biến ướt, chế biến khô như thế nào.... Thậm chí, ông học cả cách cupping – nếm thử cafe để có thể hiểu, bổ sung thêm kiến thức chuyên môn về cafe.

Giám đốc du lịch bán hết nhà cửa, xoay đủ nghề vượt qua đại dịch - Ảnh 3.
Vài tháng lang thang khắp Tây Nguyên, ông Tuấn vừa tìm hiểu, vừa học cách trồng cafe, rang xay... và quyết định góp vốn sản xuất cafe du lịch cùng bạn bè.

“Thế rồi, tôi đã ‘say’ theo cafe, tôi đã quyết định cùng tham gia cổ đông với một số anh em ở Sài Gòn, Buôn Mê Thuột... là những người có chuyên môn sâu để sản xuất chuỗi sản phẩm cafe du lịch như cafe hạt rang xay, cafe nhân, cafe phin giấy, cafe hòa tan, cafe xuất khẩu... mang tên Adventure coffee”, ông Tuấn nói.

Theo ông Tuấn, cafe phin giấy là sản phẩm được sử dụng trong hoạt động Caravan để khách hàng được trải nghiệm và là cơ hội để giới thiệu sản phẩm, đánh giá gu thị trường, gu sản phẩm của khách hàng. Hiện sản phẩm cafe vẫn đang được tặng khách hàng, bạn bè để có thêm nhiều góp ý, đánh giá sản phẩm. Công việc sản xuất các sản phẩm cafe du lịch đã và đang được ông Tuấn cùng bạn bè xúc tiến tại phía Nam, theo kế hoạch đang dần mở rộng ra phía Bắc.

Ông Tuấn hy vọng, các sản phẩm cafe du lịch sẽ là sản phẩm gia tăng giá trị cho các công ty du lịch khi tổ chức các tour đi nước ngoài hoặc các vùng không có cafe Việt Nam. Khi sản phẩm được thị trường tiếp nhận và phù hợp với khẩu vị nhiều người, sản phẩm sẽ được bán ra thị trường.

Trong suốt cuộc trò chuyện với vị Giám đốc này, nhiệt huyết là thứ có thể cảm nhận được từ ông. Liên tục các ý tưởng được ‘nảy’ ra trong đầu ông khi tình hình dịch bệnh chưa giảm. Một ý tưởng với nhiều thách thức mới toanh, chưa bao giờ cáng đáng, ấy là ông quyết định đi học và mở thêm công ty về lĩnh vực xuất nhập khẩu.

Tháng 10/2020, công ty xuất nhập khẩu chính thức hoạt động cho đến nay, dù bắt đầu với những đơn hàng chưa lớn... nhưng với những va vấp đã và đang trải qua, ông hy vọng sau này sẽ là những cơ hội cho mình.

“Với các lĩnh vực đang đầu tư như xuất nhập khẩu, dù hiện tại chưa có lợi nhuận nhưng tôi không ngại và không ‘nản’ bởi khi hết dịch, mọi thứ quay trở lại thì tôi sẽ có thêm ngành nghề, lĩnh vực, chuyên môn sẽ chạy song hành cùng với lĩnh vực du lịch. Có thể đó sẽ là cơ hội bứt phá, là cơ hội để tôi tìm lại những gì đã mất nếu may mắn”, ông Tuấn nói.

Sóng gió xảy ra liên tục, nhưng vẫn không làm ông Tuấn nản lòng mà ông vẫn miệt mài bám trụ, thậm chí còn đam mê hơn khi liên tục nghĩ ra nhiều ý tưởng cho du lịch. Ông Tuấn đã phối hợp và đang triển khai dự án DX100 – một chương trình đào tạo miễn phí về chuyển đổi số cho doanh nghiệp du lịch, lữ hành để các doanh nghiệp du lịch có cái nhìn khác về digital marketing hay việc thay đổi chuyển đổi số cho quản lý du lịch trong tương lai.

Hiện dự án đã thu hút được hàng chục doanh nghiệp tham gia, ông Tuấn cho rằng, sau dịch mọi thứ liên quan đến thói quen tiêu dùng của  khách hàng, của thị trường cũng như hoạt động trong du lịch cũng sẽ khác. Do đó, vì đam mê, ông mới kéo anh em, có những người đã không còn làm du lịch, đã chuyển sang lĩnh vực khác. Đây là cách để những ai còn tâm huyết với nghề cùng kỳ vọng vào sự thay đổi này sẽ là cơ hội để anh em du lịch cùng thay đổi....


Theo Minh Thư

Infonet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên