MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc ILO Việt Nam: 3 điểm đáng lưu ý để tránh Covid-19 gây khủng hoảng trầm trọng và niềm tin lớn với Việt Nam

Trả lời báo chí hôm 14/4, TS. Lee Chang Hee, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam đánh giá cao những gói chính sách kích thích kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân được Chính phủ Việt Nam đưa ra.

Theo ông Lee Chang Hee, gói hỗ trợ thông qua Nghị quyết mới của Chính phủ nhìn chung phù hợp với những khuyến nghị ILO đã đưa ra ở cấp độ toàn cầu đối với các phản ứng chính sách trên diện rộng và đồng bộ để đối phó với COVID-19. Cụ thể là kích thích nền kinh tế và việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, việc làm và thu nhập, và bảo vệ người lao động tại nơi làm việc.

Khung chính sách đó sẽ giúp tăng cường khả năng hồi phục hậu COVID-19 bằng việc giảm thiểu những tác động tiêu cực lên con người cũng như tiềm năng phát triển kinh tế của tương lai.

Người đứng đầu ILO Việt Nam cũng đưa ra 3 điểm đáng lưu ý.

Thứ nhất, trong tình hình hiện tại, doanh nghiệp nhiều khả năng sẽ phải cho thêm nhiều người lao động nghỉ việc. Do vậy, nếu không có biện pháp kiềm chế, điều này sẽ làm trầm trọng cuộc khủng hoảng xã hội, dẫn tới hút cả hệ thống đi xuống.

"Điều quan trọng cần làm là tập trung duy trì việc làm, bằng cách hướng những hỗ trợ của Chính phủ tới những doanh nghiệp có thực hiện các biện pháp để giữ người lao động và bảo vệ sức khỏe của người lao động bằng các hình thức phân công công việc đảm bảo sức khỏe. Chẳng hạn như việc đổi ca hàng ngày có thể vừa giúp giữ người lao động vừa thực hiện giãn cách xã hội", ông nói.

Theo ông, đây là cách thức chia sẻ công việc trong thời kỳ khó khăn. Làm như vậy cũng sẽ giúp làm chậm lại và giảm thiểu cú sốc từ khủng hoảng việc làm. Ông cho rằng để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức đối thoại xã hội giữa doanh nghiệp và người lao động, và giữa cả hai bên với Chính phủ để tìm được hướng điều chỉnh dần dần đối với việc làm, số giờ làm việc và tiền lương, dựa trên cơ sở đồng thuận.

Đối thoại xã hội có thể tạo ra niềm tin và sự tín nhiệm vào chính sách và các biện pháp mà Chính phủ và doanh nghiệp thực hiện nhằm giảm thiểu khả năng dẫn tới bất ổn xã hội. Điều đó sẽ giúp nền kinh tế hồi phục khi COVID-19 được khống chế - ông lưu ý.

Thứ hai, cần giảm thiểu tác động của các biện pháp kiềm chế dịch bệnh tới các doanh nghiệp siêu nhỏ, hộ kinh doanh gia đình, nông hộ và khu vực nông nghiệp - nông thôn. Đây chính là những loại hình kinh tế đã giúp Việt Nam vượt qua thời kỳ chiến tranh và các cuộc khủng hoảng kinh tế trong quá khứ. Tuy nhiên, đại dịch hiện tại và các biện pháp giãn cách xã hội đang ảnh hưởng lớn tới khả năng khu vực kinh tế này đối phó với cú sốc kinh tế xã hội.

Trong trường hợp sụt giảm mạnh nhu cầu của thế giới đối với hàng hóa và dịch vụ của Việt Nam, hoặc chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gẫy, thì chính hàng triệu doanh nghiệp siêu nhỏ, đơn vị kinh doanh hộ gia đình và khu vực nông nghiệp - nông thôn mang lại sự hỗ trợ thay thế. Vì vậy ông Lee cho rằng cần tạo điều kiện để họ phát huy vai trò của mình trong giai đoạn quan trọng này, với sự hỗ trợ của Chính phủ.

Thứ ba, bảo trợ xã hội cần được tiếp tục đóng vai trò ưu tiên trong các gói hỗ trợ kích thích, bao gồm cả các gói hỗ trợ trong tương lai, để củng cố các biện pháp đã được thực hiện nhằm bảo vệ người dân và sinh kế của họ.

"Giờ chính là lúc chúng ta cần có cách tiếp cận cân bằng để đối phó với cuộc khủng hoảng kép này. Về phương diện sức khỏe cộng đồng, Việt Nam đã thể hiện là một trong những nước đi đầu trên thế giới. Đã đến lúc chứng tỏ rằng Việt Nam cũng xuất sắc như vậy trong giải quyết các thách thức về kinh tế, xã hội, và thị trường lao động. Tôi có niềm tin lớn rằng Việt Nam sẽ làm được", TS. Lee Chang Hee nhận định.

Giám đốc ILO Việt Nam: 3 điểm đáng lưu ý để tránh Covid-19 gây khủng hoảng trầm trọng và niềm tin lớn với Việt Nam - Ảnh 1.

N.Dương

Nhịp sống kinh tế

Trở lên trên