Giám đốc Lazada Express: Hạ tầng phục vụ dịch vụ chuyển phát yếu ở cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không
Tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam diễn ra hôm nay (26/3), ông Vũ Đức Thịnh, Giám đốc Lazada Express đã chỉ ra các trở ngại về cơ sở hạ tầng cũng như các đặc thù giao thông Việt Nam ảnh hưởng đến hoạt động của dịch vụ chuyển phát.
- 26-03-2019Đại diện VNPost: Tất cả các nhà chuyển phát đang phải "bơi" ra để phục vụ thương mại điện tử
- 26-03-2019Báo cáo của HSBC chỉ ra 8 lý do khiến Việt Nam là một trong những nơi tuyệt vời nhất cho người nước ngoài sống ở châu Á
- 26-03-2019Cải cách tiền lương: Phải chịu "đau" tinh giản, phải chọn đúng người đúng việc!
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang có độ mở rất lớn, hoạt động xuất nhập khẩu diễn ra vô cùng sôi động, kéo theo nhu cầu vận chuyển hàng hóa gia tăng nhanh chóng.
Theo báo cáo của Hiệp hội Hậu cần Việt Nam (VLA), ngành logistics Việt Nam đang được lợi rất lớn từ việc tận dụng các FTA và hoạt động xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, dự báo tăng trưởng chỉ ở mức 20% mỗi năm, một phần bị ảnh hưởng bởi hệ thống dịch vụ chuyển phát vẫn chưa thực sự hoàn thiện.
Ông Vũ Đức Thịnh cho rằng, trở ngại thứ nhất là hai trung tâm kinh tế của Việt Nam là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có khoảng cách quá lớn, hơn 2.000 km, trong khi cơ sở hạ tầng phục vụ dịch vụ chuyển phát yếu ở cả đường bộ, đường sắt và đường hàng không.
Đường cao tốc Bắc Nam đến hiện tại mới chỉ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng. Đường sắt thì công nghệ quá cũ và chậm. Việt Nam có tất cả 4 hãng hàng không, nhưng không có một hãng hàng không nào có máy bay chở hàng. Vì vậy hàng hóa khó có thể được vận chuyển một cách nhanh chóng, đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng.
Thứ hai là hệ thống giao thông đô thị Việt Nam còn yếu kém. Tình trạng tắc nghẽn giao thông do thói quen sử dụng phương tiện cá nhân của người dân ngày càng gia tăng và lượng người sử dụng phương tiện giao thông công cộng không đáng kể. Mà một khi đường đã tắc thì sẽ sinh ra lệnh cấm xe tải (kể cả xe tải nhỏ, xe van) trong khung giờ cao điểm.
Đường hẹp và bị lấn chiếm nhiều thì gần như ở mọi tuyến đường đều có lệnh cấm đỗ xe, nếu cấm đỗ thì rất khó để các nhà vận chuyển bốc dỡ hàng. Tất cả những điều trên đều gây khó khăn khiến các công ty vận chuyển khó có thể hoạt động được hiệu quả.
Ông Thịnh cũng nhận xét: "Quy định, chính sách luôn chậm hơn so với sự phát triển của thị trường".
Hơn nữa, người Việt Nam luôn thích hàng hóa phải "ngon, bổ, rẻ" nên cả người mua và người bán đều rất nhạy cảm với giá, và đặc biệt là nhạy cảm với chi phí vận chuyển. Người dân vẫn chủ yếu thanh toán bằng tiền mặt chứ chưa quen với việc thanh toán điện tử, dẫn đến nhiều trường hợp hủy đơn, không nhận hàng. Điều này cản trở rất lớn đối sự phát triển của dịch vụ chuyển phát hàng hóa, đẩy các doanh nghiệp vào thế khó.
Việt Nam hiện nay vẫn thiếu phương tiện chuyên chở các loại hàng hóa đặc thù, chủ yếu bây giờ người dân vẫn dùng xe máy, mặc dù theo luật, không được phép chở hàng hóa cồng kềnh khi đi xe máy. Xe ba bánh thì đã bị cấm từ năm 2008.