MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam: Công dân, doanh nghiệp và chính phủ Việt Nam vừa là động lực, vừa là người hưởng thành quả của kinh tế số!

Việt Nam đã chuyển từ nước thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình cách đây gần một thập kỷ (từ năm 2010) nhưng từ đó đến nay vẫn mắc kẹt và chưa thể phát triển thành nước có thu nhập trung bình cao.

Phát biểu tại Diễn đàn quốc gia phát triển doanh nghiệp công nghệ Việt Nam 2019 lần đầu tiên được tổ chức ngày 9/5/2019 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam đã đề xuất kiến nghị để Doanh nghiệp công nghệ giúp Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Mở đầu bài phát biểu, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, thực chất, "bẫy" thu nhập trung bình là một sự chuyển giao khi một nước có mức thu nhập trung bình không còn cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Các tiêu chuẩn hàng hóa sử dụng nhiều lao động, lương tương đối cao lên nhưng lại chưa thể cạnh tranh ở những hoạt động có giá trị gia tăng cao hơn trên một quy mô lớn, do năng suất lao động vẫn còn khá thấp.

Để vượt qua giai đoạn này, ông Eric nói: "Những nước có thu nhập trung bình cao hơn và thu nhập cao tránh được "bẫy" hay "chuyển đổi thành công" là do năng suất nói chung tăng nhanh và bền vững". Ông lấy dẫn chứng là những nền kinh tế đã "hóa rồng, hóa hổ" của châu Á như Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc…

Các quốc gia này đã tiến hành chuyển đổi từ việc tích lũy và tái phân bổ (từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ) các nguồn vật lực, nhân lực và lao động thành các sáng kiến thúc đẩy tiến trình công nghệ. Các tiến trình này sau đó sẽ làm tăng năng suất các nguồn lực và tạo động lực gia tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP). Đó chính là sự chuyển đổi tăng trưởng theo đầu tư sang tăng trưởng trên cơ sở đổi mới sáng tạo. Việt Nam cần phải sẵn sàng với nền kinh tế số để tăng năng suất lao động.

Cách mạng công nghiệp 4.0, về cả tốc độ và quy mô, sẽ tiếp tục tác động lên tương lai của quá trình sản xuất toàn cầu và gia tăng phát triển kỹ thuật sản xuất, mô hình kinh doanh và chuỗi giá trị mới, bao gồm cả việc kết hợp giữa hệ thống sản suất.

Ông Eric nhấn mạnh: "Công dân Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam và chính phủ Việt Nam vừa là động lực, vừa là người hưởng thành quả của kinh tế số"!

Công dân Việt Nam sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn đến nhiều loại hàng hóa và dịch vụ truyền thống cũng như các loại hàng hóa và dịch vụ số mới xuất hiện. Họ sẽ có thêm sự lựa chọn đối với các dịch vụ xã hội và thích ứng với môi trường, có thêm nghề nghiệp số hóa và tăng thêm quyền hạn cho xã hội.

Doanh nghiệp sẽ mở rộng các cơ hội và tiếp cận với thị trường, tiếp cận tri thức thông qua hệ thống tuyển dụng và sử dụng lao động số. Kinh tế số cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu khách hàng rõ hơn và nâng cao các sản phẩm đổi mới sáng tạo thông qua thiết kế số.

Với hoạt động của chính phủ, hiệu quả trong việc thực hiện dịch vụ công sẽ được cải thiện, kỹ năng của lực lượng lao động thông qua giáo dục số được nâng cấp, đẩy mạnh sự giàu có bền vững, đồng đều và có tính thích nghi.

Chuyên gia đưa ra kiến nghị, Việt Nam cần đầu tư nhiều hơn vào giáo dục chất lượng cao thông qua dạy nghề, đào tạo đại học và sau đại họ, củng cố tạo ra hệ sinh thái startup thuận lợi tiềm năng cho doanh nghiệp phát triển, theo đuổi sáng kiến chính phủ điện tử và tập trung kiểm soát rủi ro công nghệ.

Thái Trang

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên