Giảm hơn 5%, VN-Index vừa có tuần giao dịch đáng quên nhất trong gần 6 tháng
Dù diễn biến thị trường chung tuần qua không thực sự thuận lợi nhưng vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng đáng chú ý từ giao dịch khối ngoại cũng như các quỹ ETFs.
Tuần giao dịch 5-9/7 diễn ra không thực sự tích cực với TTCK Việt Nam khi áp lực bán tăng mạnh sau nửa đầu năm đầy thăng hoa. Kết thúc phiên giao dịch 9/7, chỉ số VN-Index dừng tại 1.374,68 điểm, tương ứng mức giảm 5,15% so với tuần trước đó. Đây cũng là tuần giao dịch giảm mạnh nhất của VN-Index kể từ tháng 1/2021 tới nay. Mức giảm trên cũng khiến vốn hóa sàn HoSE "bay hơi" 273.000 tỷ đồng, tương ứng 11,8 tỷ USD trong tuần qua.
Có nhiều yếu tố khiến thị trường giảm sâu trong tuần qua. Đầu tiên là diễn biến dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành, đặc biệt tại TP.HCM khiến đầu tàu kinh tế này phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7. Việc thực hiện giãn cách xã hội sẽ giúp kiểm soát tốt hơn tình hình dịch bệnh nhưng bù lại cũng ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế và điều này đã khiến giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Một yếu tố khác khiến khiến áp lực bán tăng mạnh trong tuần qua là việc thị trường đã tăng khá "nóng" với chuỗi 5 tháng tăng điểm liên tiếp từ tháng 2 tới tháng 6. P/E VN-Index những phiên giao dịch vừa qua có lúc lên 19,2, thấp hơn các quốc gia trong khu vực nhưng là mức tương đối cao so với các thị trường cận biên (Frontier Markets). Định giá của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt nhóm thép, ngân hàng, chứng khoán đã ở mức khá cao dẫn tới áp lực chốt lời gia tăng.
Bên cạnh đó, những lo ngại về lạm phát có thể gia tăng trong giai đoạn cuối năm, hay việc các NHTW trên Thế giới sớm thu hẹp quy mô kích thích kinh tế hơn so với dự báo cũng là những yếu tố ảnh hưởng tới xu hướng thị trường.
VN-Index có tuần giảm mạnh nhất trong gần nửa năm
Trong tọa đàm gần đây, ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư VNDirect nhận định, giá cổ phiếu hiện tại đang chạy trước mức tăng trưởng của lợi nhuận. Do đó, dự báo thời gian tới, giá cổ phiếu sẽ có xu hướng đảo chiều giảm nhẹ. Thị trường tới đây sẽ trở nên phân hóa khi các ngành có lợi thế phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng cả về giá cổ phiếu; ngược lại, những ngành không có tính đột phá thì giá cổ phiếu sẽ đi ngang để "chờ" lợi nhuận.
Báo cáo chiến lược của các CTCK 6 tháng cuối năm cũng có cái nhìn khá thận trọng về xu hướng thị trường sau nhịp tăng "phi mã" nửa đầu năm. CTCK Mirae Asset cho rằng định giá của thị trường hiện tại đã không còn rẻ; tuy nhiên, vẫn chưa phải là đắt. Mirae Asset kỳ vọng thị trường sẽ sớm điều chỉnh vào đầu tháng 7 và nhịp điều chỉnh này có thể đưa VN-Index về ngưỡng 1.200 điểm.
Điểm sáng giao dịch khối ngoại và các quỹ ETFs
Dù diễn biến thị trường chung tuần qua không thực sự thuận lợi nhưng vẫn xuất hiện nhiều điểm sáng đáng chú ý từ giao dịch khối ngoại cũng như các quỹ ETFs.
Trái với hoạt động chốt lời mạnh từ nhà đầu tư trong nước, khối ngoại đã trở lại mua ròng hơn 2.600 tỷ đồng trên HoSE. Trong tuần trước đó, khối ngoại cũng mua ròng đột biến gần 3.300 tỷ đồng. Đây là động thái tích cực của khối ngoại khi mà trước đó trong nửa đầu năm 2021, khối ngoại đã bán ròng khoảng 30.000 tỷ đồng trên HoSE, gần gấp đôi lượng bán ròng trong cả năm 2020.
Sự trở lại của khối ngoại thời gian gần đây (ngoại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến NVL) có sự đóng góp không nhỏ từ các quỹ ETFs, đặc biệt quỹ Fubon FTSE Vietnam ETF từ Đài Loan (Trung Quốc) khi đã mua ròng hơn 40 triệu USD cổ phiếu Việt Nam (khoảng 930 tỷ đồng) trong 4 phiên giao dịch gần nhất.
Dù mới thành lập nhưng tính tới ngày 8/7, quy mô danh mục Fubon FTSE Vietnam ETF đã lên tới gần 12 tỷ Đài Tệ, tương ứng gần 10.000 tỷ đồng và trở thành một trong những quỹ ngoại có quy mô lớn nhất TTCK Việt Nam.
Bên cạnh đó, Vaneck Vectors Vietnam ETF (VNM ETF) sau nhiều tháng không có biến động về dòng vốn đã hút ròng hơn 5 triệu USD trong tuần qua. Với việc phân bổ 65% vào thị trường Việt Nam, ước tính VNM ETF đã mua ròng khoảng 75 tỷ đồng cổ phiếu Việt Nam.
Bộ đôi quỹ ETF do Dragon Capital quản lý là DCVFM VNDiamond ETF; DCVFM VN30 ETF cũng hút ròng lần lượt 200 tỷ đồng và 115 tỷ đồng.
Dữ liệu thống kê cho thấy xu hướng thị trường thường đồng pha với dòng vốn ETFs. Việc các quỹ ETFs vẫn liên tiếp hút tiền và giải ngân vào thị trường thời gian gần đây sẽ là yếu tố hỗ trợ không nhỏ trong bối cảnh thị trường đang rơi vào vùng trũng thông tin.