MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giảm lãi suất điều hành không còn là 'từ khoá'

20-10-2023 - 07:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn lớn. Ảnh: SBV

Dư địa giảm lãi suất điều hành không còn lớn. Ảnh: SBV

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, giảm lãi suất điều hành không còn là động thái có quá nhiều ý nghĩa trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng thấp, FED được dự báo tiếp tục tăng lãi suất thêm 1 lần vào cuối năm nay khiến áp lực tỷ giá nặng nề hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Chuyên gia tài chính
305 bài viết
  • Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Theo báo cáo công bố mới đây, Bộ phận nghiên cứu Toàn cầu Ngân hàng HSBC đã loại bỏ dự đoán trước đó về một đợt cắt giảm lãi suất điều hành cuối cùng 0,5% của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam. Nguyên nhân phần lớn là do áp lực từ tỷ giá và lạm phát.

Theo HSBC, trong khi lạm phát tháng 9 được kiềm chế ở mức 3,7%, dưới mức trần 4,5%, thì việc lạm phát liên tục nhích lên làm dấy lên mối lo ngại.

"Chúng tôi đã điều chỉnh dự báo lạm phát hàng quý và nâng nhẹ dự báo lạm phát bình quân lên 3,4% (trước đó là 3,2%) cho năm 2023. Vì vậy, chúng tôi không còn kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ cắt giảm lãi suất trong năm nay", báo cáo nhấn mạnh

HSBC kỳ vọng NHNN sẽ giữ lãi suất chính sách ổn định ở mức 4,5% cho đến cuối năm 2024, trừ khi có các cú sốc từ bên ngoài.

Ở chiều ngược lại, HSBC cũng không cho rằng vấn đề tương tự tháng 10 năm ngoái lại xảy ra, khi đợt tăng liên tục của tỷ giá USD/VND buộc NHNN phải mạnh tay tăng lãi suất. Nguyên nhân là do các điều kiện kinh tế vĩ mô của VND đã được cải thiện như, thặng dư tài khoản vãng lai của Việt Nam gần như đã quay trở lại mức đỉnh trước đó là gần 5% GDP, nhờ thặng dư thương mại mạnh mẽ, lượng kiều hối dồi dào và doanh thu du lịch tăng.

Tương tự, nhiều tổ chức quốc tế khác cũng có quan điểm thận trọng khi dự báo về việc cắt giảm lãi suất điều hành. Ngân hàng Thế giới (WB) đánh giá chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng được cho là phù hợp với bối cảnh kinh tế Việt Nam, song việc tiếp tục cắt giảm lãi suất sẽ làm gia tăng chênh lệch lãi suất với các thị trường trên toàn cầu, có khả năng gây áp lực đến tỷ giá.

Ông Jochen Schmittmann, đại diện thường trú Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cũng khuyến nghị, NHNN cần hết sức cân nhắc trong việc hạ lãi suất bởi dư địa gần như đã không còn.

"Lãi suất liên ngân hàng của Việt Nam đã gần bằng 0%, thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế phát triển. Do đó, chuyên gia IMF cho rằng nếu tiếp tục hạ lãi suất điều hành sẽ gây ra tác động đáng kể với tỷ giá", đại diện IMF nhận định.

Giảm lãi suất điều hành không còn là "từ khoá"

Giảm lãi suất điều hành không còn là 'từ khoá' - Ảnh 1.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính, ngân hàng.

Trao đổi với Nhadautu.vn về dư địa giảm lãi suất điều hành, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia Tài chính ngân hàng cho rằng, với mức lãi suất tái cấp vốn hiện nay ở mức 4,5%/năm và lãi suất tái chiết khấu là 3%/năm thì dư địa giảm lãi suất điều hành vẫn còn. Tuy nhiên, "lãi suất điều hành" dường như không còn là chỉ số quan trọng, không còn là "từ khoá" với thị trường tiền tệ thời điểm hiện tại.

Theo đó, ông Hiếu cho rằng, lãi suất qua đêm ở mức thấp trong bối cảnh lãi suất của FED duy trì ở mức cao và có khả năng tiếp tục tăng vào cuối năm nay mới là chỉ số đáng lưu ý.

Cụ thể, lãi suất liên ngân hàng qua đêm của VND ngày 16/10 ở mức 0,71% - mức này đã tăng so với vài phiên trước đó chỉ ở mức 0,35%. Trong khí đó lãi suất qua đêm của FED là 5,5%, chênh lệch gần 5% - điều này ảnh hưởng lớn đến tỷ giá - đẩy giá trị của tiền đồng xuống thấp.

Trong bối cảnh USD Index (DXY) dao động trong khoảng 106-107 và tiếp tục trong xu hướng tăng, mà chúng ta cứ giảm lãi suất thì đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá, khiến khoảng cách USD và VND bị nới rộng, gây bất lợi cho tỷ giá theo xu hướng tăng giá trị USD, giảm giá trị VND. Do vậy, thực tế không còn dư địa để lãi suất liên ngân hàng tiếp tục giảm.

Phân tích ở một động thái khác, khi NHNN liên tục phát hành tín phiếu để tăng lãi suất liên ngân hàng, "đỡ" tỷ giá, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, đây là động thái dễ hiểu, khi VND dư thừa, NHNN phát hành tín phiếu để hút bớt lượng tiền dư thừa trong lưu thông, nhằm trung hoà lượng tiền tệ, giảm thiểu nguy cơ đầu cơ USD (đẩy giá USD lên), giảm tác động tiêu cực lên tỷ giá.

Ông Hiếu khuyến nghị, duy trì lãi suất liên ngân hàng qua đêm VND ở mức 0,75-1% là thù hợp. Điều này sẽ giúp thu hẹp chênh lệch lãi suất giữa VND và USD. Đặc biệt trong bối cảnh lạm phát Mỹ vẫn tăng, có thể FED sẽ tiếp tục chính sách tiền tệ thắt chặt. 60-70% các dự báo cho rằng FED sẽ tăng thêm 0,25% lãi suất vào cuối năm nay. Đây là thông tin đáng lưu ý với cơ quan điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam. Khi tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2023 đang rất thấp (tính đến 29/9 là 6,92% so với cuối năm 2022), lại có thêm áp lực tỷ giá sẽ khiến NHNN phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong chính sách tiền tệ tiếp tục nới lỏng hay thắt chặt.

Từ thực tiễn tư vấn doanh nghiệp, ông Hiếu cho rằng, thực tế lãi suất chưa phải là vấn đề then chốt nhất. "NHNN đã 4 lần giảm lãi suất điều hành nhưng tăng trưởng tín dụng vẫn thấp. Điều này xuất phát phần lớn từ sức khoẻ doanh nghiệp giảm sút, sản phẩm không có đầu ra nên giảm lãi suất chưa phải mũi tên trúng đích", ông Hiếu nói.

NHNN đang đứng trước 2 vấn đề, 1 là thúc đẩy tăng trưởng tín dụng nhưng vế kia là kiểm soát phát sinh thêm nợ xấu. Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu đề xuất, vấn đề này cần sự can thiệp của các quỹ bảo lãnh tín dụng, cần "bàn tay" của nhà nước, đòi hỏi sự phối hợp thực sự giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá, để ngân hàng "mạnh tay" cho vay, giúp vừa kiểm soát được nợ xấu, mà vẫn đẩy được tín dụng ra.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố kết quả đấu thầu thị trường mở trong phiên 17/10. Theo đó, cơ quan này tiếp tục chào bán tín phiếu 28 ngày theo cơ chế đấu thầu lãi suất. Kết quả có 6/8 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 17.950 tỷ đồng, lãi suất trúng thầu duy trì ở mức 1%.

Đây là phiên phát hành tín phiếu thứ 19 liên tiếp của nhà điều hành với tổng quy mô lũy kế đạt gần 243.645 tỷ đồng. Mặc dù có xu hướng giảm song khối lượng tín phiếu trúng thầu phiên hôm nay vẫn cao hơn 40% so với mức bình quân 19 phiên vừa qua. Đây cũng là phiên thứ 4 liên tiếp NHNN duy trì lượng tín phiếu phát hành trên mức 10.000 tỷ đồng.

Phản ứng sau chuỗi hút ròng mạnh của NHNN, lãi suất liên ngân hàng đã bật tăng trở lại sau khi lao dốc mạnh vào tuần trước. Lãi suất qua đêm đã tăng từ 0,35% lên 0,71%.


Theo N. Thoan

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên