MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất giảm: Liệu kênh tiền gửi tiết kiệm còn hấp dẫn?

17-10-2023 - 13:42 PM | Tài chính - ngân hàng

Ước tính có khoảng nửa triệu tỷ đồng tiền gửi tiết kiệm được hưởng lãi suất cao hồi cuối năm 2022 và đầu năm nay sắp đáo hạn. Trong bối cảnh lãi suất huy động của ngân hàng liên tiếp giảm sâu và kéo dài như hiện nay, liệu có xảy ra làn sóng dịch chuyển dòng tiền từ tiết kiệm sang lĩnh vực khác?

"Tính ra nếu giờ tái tục, lãi suất tiền gửi giảm tới khoảng 4 điểm % nên tôi chưa quyết định có gửi tiếp hay không?"

"Lãi suất có giảm nhưng với tôi kênh gửi tiền ngân hàng vẫn là khoản đầu tư an toàn, kinh tế quá khó khăn, nhất là sau thời gian vừa rồi khi mà đi đầu tư rất dễ thua lỗ".

"Tôi vẫn gửi tiết kiệm với kỳ hạn ngắn để nghe ngóng thị trường".

Theo khảo sát của phóng viên, tại gần 30 ngân hàng trong hệ thống, lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 – 6,5%/năm. So với thời điểm đầu năm 2023, lãi suất huy động cao nhất phổ biến ở mức từ 9 - 10%/năm, thậm chí có ngân hàng còn niêm yết tới 12%/năm thì nay, hàng loạt ngân hàng đã nhập cuộc đua giảm lãi suất tiết kiệm.

Lãi suất giảm: Liệu kênh tiền gửi tiết kiệm còn hấp dẫn? - Ảnh 1.

Lãi suất gửi tiết kiệm đang dao động quanh mức 4,5 – 6,5%/năm - Ảnh minh họa: Vnbusiness

Về lý thuyết, khi lãi suất tiền gửi đi xuống sẽ làm giảm tính hấp dẫn của kênh tiền gửi tiết kiệm. Dòng tiền sẽ chuyển sang tìm các kênh đầu tư khác như chứng khoán, bất động sản, vàng… để mong tìm lợi suất tốt hơn.

Tuy nhiên, chuyên gia tài chính – ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nêu thực tế: "Thông thường, lãi suất giảm thì huy động không còn hấp dẫn. Đấy là về mặt nguyên tắc, song thực tế tuỳ thuộc nhiều yếu tố như: lạm phát hay tính hấp dẫn ổn định so với các kênh đầu tư khác gồm vàng, chứng khoán, bất động sản, hay ngoại tệ tại thời điểm đó. Hiện có thể thấy, tiền gửi vẫn có sự ổn định bởi chứng khoán đang có nhiều biến động, bất động sản chưa thực sự khởi sắc, vàng có sự tăng giá nhưng lại không mang tính ổn định, và chênh lệch khá cao so với thế giới; ngoại tệ có khả năng tăng nhưng không có sự bảo đảm".

Cùng chung nhận định, TS Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính, Học viện Tài chính cho rằng, nếu so với lạm phát hiện nay, lãi suất tiền gửi vẫn ở mức hấp dẫn. Do đó, việc dịch chuyển ít hay nhiều còn phụ thuộc độ am hiểu và "khẩu vị" rủi ro của nhà đầu tư: "Lạm phát hiện cũng vẫn còn khá thấp, chỉ khoảng 3%, trong khi tiền gửi ngân hàng 1 năm thấp nhất cũng trên 5%. Nếu xét về lạm phát thì lãi suất ngân hàng vẫn còn độ hấp dẫn. Còn có hấp dẫn với các kênh đầu tư khác không thì còn tuỳ những tính toán, dự báo của mỗi người. Thế nhưng thời gian qua, chúng ta thấy vẫn rất nhiều người gửi tiết kiệm vì dù sao đó cũng là kênh an toàn".

Theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, lượng tiền gửi của người dân vào hệ thống ngân hàng tính đến hết tháng 7/2023 đạt hơn 6,3 triệu tỷ đồng - mức cao kỷ lục - tăng thêm 6.707 tỷ đồng so với tháng trước và tăng 8,93% so với cuối năm 2022.

Chỉ ra thực tế từ những con số, TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính tiền tệ Quốc gia cho biết: "Số liệu thống kê cho thấy, tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng. Bởi thứ nhất dù lãi suất giảm nhưng mức lãi suất này vẫn còn ở mức tương đối tốt. Thứ 2 là nhà đầu tư vẫn cần phải đa dạng hoá giỏ hàng, mỗi chỗ vẫn đầu tư một ít, một phần. Mặc dù vậy, những kênh đầu tư khác nói chung hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn".

Như vậy, lượng tiền gửi của dân cư từng tháng liên tục cao hơn so với tháng trước. Diễn biến này được duy trì trong suốt một năm qua, bất chấp mặt bằng lãi suất huy động liên tục giảm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh tình hình xung đột tại Israel đang diễn biến phức tạp, theo ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích khối khách hàng cá nhân của Chứng khoán Yuanta cho rằng, bên cạnh tiền gửi tiết kiệm, nhiều khả năng dòng tiền cũng sẽ phân bổ vào kênh đầu tư hàng hoá.

"Khả năng cao là lượng tiền gửi ở kênh tiết kiệm vẫn chưa bị rút hẳn. Nói cách khác, đây là một trong những kênh chiếm tỷ trọng cao thu hút dòng tiền, một lượng đáo hạn sắp tới. Vẫn có một phần tiền ở lại kênh tiết kiệm. Và ở giai đoạn hiện nay, có thể mức độ tâp trung sẽ không còn nhiều bởi có sự phân tán bởi kênh đầu tư hàng hoá. Bởi những căng thẳng địa chính trị đang tạo nên một làn sóng mới cho diễn biến giá dầu, giá vàng. Thì tôi cho rằng, khả năng cao dòng tiền cũng sẽ phân bổ vào kênh này", ông Minh phân tích.

Đa dạng hóa các kênh đầu tư, dịch chuyển dòng tiền từ lĩnh vực có tỷ lệ sinh lời thấp sang tỷ lệ sinh lời cao là điều tất yếu. Tuy nhiên, mỗi nhà đầu tư có "khẩu vị" rủi ro khác nhau. Đặc biệt trong bối cảnh nhiều biến động hiện nay, kênh tiết kiệm vẫn là một trong những kênh được nhiều nhà đầu tư lựa chọn bởi tính ổn định.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng khuyến cáo các nhà đầu tư cần trang bị những kiến thức tài chính, kinh tế nhất định, đảm bảo sự cân đối giữa mức sinh lời và nguy cơ rủi ro của từng kênh đầu tư và tuân thủ nghiêm ngặt chiến lược rủi ro, "khẩu vị" rủi ro khi đầu tư.

Theo Như Ngọc - Anh Thư

VOV

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên