Chuyên gia dự báo: Giá vàng có thể lập đỉnh mới, chạm mốc 82 triệu đồng/lượng trước Tết Nguyên đán
Với diễn biến tăng liên tục như hiện nay cộng với tâm lý tích trữ vàng của người dân, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế dự báo, giá vàng có thể sẽ lập đỉnh mới, chạm mốc 82 triệu đồng/lượng trước Tết Nguyên đán.
- 27-12-2023Giá vàng liên tục nhảy múa: Nên bỏ độc quyền kinh doanh để thị trường hạ 'sốt'?
- 27-12-2023Không chỉ vàng SJC, giá vàng nhẫn tròn trơn cũng lập đỉnh mới 64 triệu đồng/lượng
- 27-12-2023Kỳ vọng thời điểm tốt chốt lời, người dân xếp hàng bán vàng
-
Việc can thiệp tỉ giá bằng cách bán ngoại tệ ra thị trường cần cẩn trọng, vì đây là con dao 2 lưỡi trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Việt Nam đang ở xung quanh 3 tháng nhập khẩu - ngưỡng an toàn
Ngày 26/12, giá vàng miếng chính thức vượt 80 triệu đồng/lượng, đổ xô những kỷ lục trước đó. Tính từ đầu năm đến ngày nay, giá vàng miếng SJC tăng 12,6 triệu đồng/lượng. Cụ thể, từ 67,4 triệu (ngày 15/1/2023) lên 80 triệu đồng/lượng vào đầu giờ chiều 26/12. Chỉ tính trong vòng 1 tháng trở lại, giá vàng đã tăng trung bình 10 triệu đồng/lượng.
Lý giải vì sao giá vàng lại tăng phi mã trong nước, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: Có rất nhiều nguyên nhân đẩy giá vàng liên tục xác lập đỉnh mới.
Thứ nhất, hiện tại, nền kinh tế Việt Nam có khởi sắc song vẫn còn nhiều khó khăn khi tăng trưởng GDP chưa đạt mục tiêu, xuất nhập khẩu giảm, số lượng doanh nghiệp phá sản và ngưng hoạt động cao hơn năm ngoái. Trong khi đó, các kênh đầu tư khác biến động không tích cực, từ chứng khoán đến trái phiếu, bất động sản. Ngay cả tiền gửi ngân hàng lãi suất cũng giảm mạnh. Đó là lý do vàng đang trở thành kênh đầu tư hấp dẫn nhất.
Cũng theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, không chỉ có yếu tố trong nước mà giá vàng tăng do cộng hưởng yếu tố bên ngoài như FED dừng tăng lãi suất. Điều này khiến đồng đô la không bị đẩy giá cao. Như vậy, giá vàng có thể tăng nhanh hơn so với giá đô la. Bên cạnh đó, các yếu tố xung đột địa chính trị vẫn còn tiếp diễn. Một loạt các yếu tố bên trong và bên ngoài khiến vàng trở lại một kênh trú ẩn tài chính bền vững hơn các thị trường khác.
"Khi kinh tế biến động, tâm lý của người dân luôn muốn tích trữ vàng. Giá vàng càng tăng càng kích thích tâm lý của người dân mua vàng. Đặc điểm khác của kênh đầu tư vàng, đó là thu hút được số đông người mua, điển hình là người dân lao động. Đây là nhóm khó tiếp cận với đầu tư chứng khoán và cũng chưa đủ tiền để mua bất động sản. Họ chỉ còn có 2 con đường: mua vàng và gửi tiết kiệm. Trong khi, gửi tiết kiệm mang lại lãi suất thấp. Thế nên, người dân lại quay ra tích cóp mua vàng, càng đẩy giá vàng lên cao", ông Hiếu phân tích thêm.
Dự báo về giá vàng trong tời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhận định: "Với tốc độ tăng như hiện tại, giá vàng từ nay đến Tết Nguyên đán có thể tăng thêm 2 triệu đồng/lượng. Đây là mức giá cao nhất trong lịch sử trước đến giờ".
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, giá vàng sẽ có biến động lên xuống. Khi giá quá cao, người dân đổ ra bán vàng, giá sẽ bị đẩy xuống. Khi giá bị đẩy xuống, người ta lại đổ xô vào mua vàng, giá vàng sẽ lại tăng.
Dự báo về giá vàng trong năm 2024, vị chuyên gia này nhận định: Diễn biến tăng hay giảm của kênh đầu tư này phụ thuộc vào tình hình kinh tế vĩ mô và các thị trường tài chính khác. Nếu kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng tốt, các thị trường tài chính khác phục hồi trong đó có chứng khoán, bất động sản và tiền gửi ngân hàng tăng trở lại, giá vàng có thể giữ nguyên hoặc giảm. Ở chiều ngược lại, nền kinh tế còn nhiều khó khăn, các kênh đầu tư còn biến động, lợi nhuận không hấp dẫn, giá vàng có thể tiếp tăng trong năm 2024.
An ninh Tiền tệ