MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Lãi suất tiền gửi lập đáy mới

26-12-2023 - 07:10 AM | Tài chính - ngân hàng

Ngày 25-12, Ngân hàng (NH) Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) công bố biểu lãi suất mới gây bất ngờ cho thị trường khi lãi suất huy động kỳ hạn ngắn 1-2 tháng chỉ còn 1,9%/năm, giảm thêm 0,3 điểm % so với trước.

TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn
TS. Đỗ Thiên Anh Tuấn
Giảng viên Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright
9 bài viết

Đây là mức đáy mới của lãi suất huy động. Lãi suất các kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên tại Vietcombank vẫn giữ ở 4,8%/năm.

Ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, trong 4 NH thương mại nhà nước, Vietcombank có lãi suất huy động thấp nhất. Kế đến là Agribank, NH này cũng mạnh tay giảm lãi suất tiền gửi, từ 2,9%/năm xuống 2,2%/năm cho kỳ hạn ngắn 1-2 tháng. Nếu khách hàng gửi tiết kiệm từ 12 tháng trở lên, lãi suất là 5%/năm và cao nhất 5,3%/năm cho kỳ hạn 24 tháng.

VietinBank và BIDV áp dụng biểu lãi suất huy động giống nhau, với mức lãi suất kỳ hạn ngắn 1-2 tháng là 2,3%/năm. Khách hàng gửi kỳ hạn 3-6 tháng được hưởng lãi suất 2,9%/năm. Lãi suất cao nhất tại 2 NH này là 5,3%/năm khi khách gửi từ 24 tháng trở lên.

Lãi suất xuống mức siêu thấp khiến nhiều người gửi tiền băn khoăn không biết chọn kỳ hạn nào cho phù hợp vì tiền lãi các kỳ hạn 6 - 12 tháng trở lên không chênh lệch quá lớn. Ngay một số NH quy mô nhỏ, khoảng 1 năm trước huy động lãi suất 9%-10%/năm, thời điểm này cũng chỉ còn quanh 5%-5,5%/năm.

Vậy lãi suất huy động có thể giảm tiếp? Lãnh đạo một số NH cho biết nguồn vốn huy động từ cuối năm 2022 với lãi suất cao 9%-10%/năm đến nay đã đáo hạn gần hết. Do đó, việc huy động vốn với giá rẻ trong năm nay sẽ giúp lãi suất cho vay trong năm 2024 giảm nhanh hơn.

Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận xét mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu và còn ít dư địa để giảm thêm. Có điều, trong giai đoạn nền kinh tế đang phục hồi, mức lãi suất tiền gửi thấp như hiện nay cần được giữ vững, để kéo mặt bằng lãi suất cho vay giảm thêm.

Theo TS Nguyễn Văn Thuận, Trường ĐH Tài chính - Marketing, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 - 12 tháng, lãi suất từ 5%/năm trở lên là phù hợp, cao hơn định hướng lạm phát của năm sau là 4%-4,5%, bảo đảm sinh lời cho người gửi tiền. Các NH phải duy trì lãi suất tiền gửi cao hơn lạm phát để thu hút người dân gửi tiết kiệm nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế.

VCBS dự báo mặt bằng lãi suất cho vay có thể giảm thêm khoảng 1 - 1,5 điểm % trong năm 2024. Các NH sẽ cân nhắc hạ thêm lãi suất cho vay một số nhóm doanh nghiệp có triển vọng kinh doanh tốt để tái cấu trúc nợ, hỗ trợ khách hàng vượt qua giai đoạn khó khăn.

TS Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên chính sách công tại Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright, nhận định lãi suất tiền gửi đã giảm quá sâu và khó giảm thêm. Vì nếu NH để lãi suất giảm xuống mức âm so với lạm phát sẽ làm xói mòn tiền gửi tiết kiệm, ảnh hưởng không tốt đến phát triển kinh tế. Lãi suất cho vay của năm 2024 sẽ giảm theo mức độ sụt giảm của lãi suất tiết kiệm thời gian gần đây. Thời điểm này, doanh nghiệp nên quyết đoán trong tiếp cận vốn giá rẻ khi kinh tế trong và ngoài nước có dấu hiệu phục hồi. "Chính sách tiền tệ cần được điều hành phù hợp theo hướng cân bằng nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nhu cầu gửi tiết kiệm của người dân. Từ đó, NH Nhà nước sẽ duy trì lãi suất ở mức hợp lý, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, giúp nền kinh tế phát triển" - ông Tuấn đề xuất.

Theo Thái Phương

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên