Tín dụng tăng nhanh dù lãi suất cho vay giảm chậm
Tính đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8. Các ngân hàng ở thành phố đã cho vay gần 470.000 tỷ đồng.
- 14-10-2023HSBC, WB, IMF nhận định thế nào về khả năng NHNN giảm lãi suất điều hành trong thời gian tới?
- 12-10-2023Dư địa giảm lãi suất ngày càng hạn hẹp
- 12-10-2023Lãi suất liên ngân hàng giảm sâu, NHNN tăng quy mô tín phiếu phát hành lên 20.000 tỷ trong phiên 12/10
Liên tiếp tăng trưởng
Ngày 15/10, ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM - cho biết, tín dụng trên địa bàn thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực.
“Đến cuối tháng 9, tổng dư nợ tín dụng ở TPHCM đạt hơn 3,3 triệu tỷ đồng, tăng 0,72% so với tháng 8. Đây là tháng thứ hai liên tiếp, tín dụng trên địa bàn thành phố tăng trưởng với tốc độ khá, tiếp tục củng cố xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng còn lại của năm và trong năm 2024” - ông Lệnh nhìn nhận.
Về lý do tín dụng tăng trưởng, ông Lệnh cho rằng việc ổn định kinh tế vĩ mô và chuyển biến tích cực từ tăng trưởng kinh tế nói chung và thành phố nói riêng, với một số nhóm ngành lĩnh vực sản xuất thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, dịch vụ, xuất khẩu và đầu tư tăng trưởng, tiếp tục là yếu tố môi trường kinh tế thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Trong đó, những tín hiệu tích cực từ các đơn hàng được ký kết tăng, lao động và việc làm cải thiện, nhu cầu lao động tăng, những hoạt động phục vụ Tết cổ truyền đang bắt đầu… có tác động tích cực đến hoạt động kinh tế.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, thành phố đã tổ chức 25 hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, thông qua đó thực hiện ký kết vay vốn và giải ngân gói tín dụng ưu đãi, với kết quả đạt gần 470.000 tỷ đồng, bằng 103,5% gói tín dụng ưu đãi được các tổ chức tín dụng trên địa bàn đăng ký từ đầu năm. Đồng thời thông qua chương trình tiếp tục thực hiện gói hỗ trợ 2% lãi suất của Chính phủ; thực hiện cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp; chương trình cho vay 5 nhóm ngành lĩnh vực ưu tiên; cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và chương trình kích cầu đầu tư của UBND thành phố.
Lãi vay còn cao
Hiện nay, nhiều ngân hàng đã liên tục triển khai gói tín dụng ưu đãi, giảm lãi suất cho vay cả khách hàng mới và khách hàng hiện hữu nhằm kích cầu tín dụng.
Cụ thể: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), trong 9 tháng năm 2023 đã có 5 lần điều chỉnh giảm sàn lãi suất cho vay, với mức giảm từ 1,2 - 1,6%/năm và triển khai 28 gói tín dụng ưu đãi lãi suất cho khách hàng, tổng quy mô đạt 610.000 tỷ đồng, mức hỗ trợ lãi suất lên đến 2,5%/năm.
Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hiện có 3 gói vay ưu đãi đang triển khai với tổng quy mô lên đến 13.000 tỷ đồng, lãi suất từ 5%/năm. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) giảm lãi suất cho vay cho khách hàng cá nhân hiện hữu lên đến 2,6%/năm. Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) dành đến 5.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi với lãi suất từ 6,5%/năm...
Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp, lãi suất cho vay giảm chưa tương xứng với lãi suất huy động. Ông Nguyễn Ngọc Luận - nhà sáng lập cà phê nông sản Meet More - cho biết, các doanh nghiệp hầu như không tiếp cận được vốn vay vì mức vay từ 8 - 9% vẫn còn quá cao.
“Theo tôi, chính sách giảm lãi suất vay giảm chưa nhiều so với thời kỳ thịnh vượng. Lúc này là thời kỳ “đau ốm”, khó khăn nhất của doanh nghiệp khi cầu suy giảm, doanh nghiệp gần như không có đơn hàng, không có đầu ra, rất cần được ngân hàng hỗ trợ nhiều hơn” - ông Luận nêu ý kiến.
Dự báo xu hướng lãi suất quý cuối năm, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định lãi suất cho vay sẽ khó giảm sâu tương ứng với lãi suất huy động vì còn phải đảm bảo cho sự an toàn của toàn hệ thống. Do đó, mặt bằng lãi suất từ nay đến cuối năm sẽ giảm thêm khoảng 0,5 điểm %, không thể giảm sâu hơn.
Tiền Phong
Sự kiện: Xu hướng dòng tiền cuối năm
Xem tất cả >>- Chuyên gia dự báo: Giá vàng có thể lập đỉnh mới, chạm mốc 82 triệu đồng/lượng trước Tết Nguyên đán
- Lãi suất tiết kiệm dò đáy, giá vàng lên đỉnh, dòng tiền về đâu?
- Lãi suất tiền gửi lập đáy mới
- Giá USD tăng cao, doanh nghiệp vừa chạy nước rút cuối năm vừa lo gánh lỗ
- Lãi suất tiết kiệm 'chạm đáy', cho vay vẫn cao