MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giãn cách xã hội, ngân hàng làm gì để giữ hoạt động thông suốt?

31-08-2021 - 09:21 AM | Tài chính - ngân hàng

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Ngân hàng là một trong những ngành thiết yếu vẫn tiếp tục mở cửa, hoạt động ở tại các tỉnh, thành đang thực hiện Chỉ thị 16. Việc mở cửa, hoạt động và giữ cho lưu thông tiền tệ thông suốt để phục vụ cho nền kinh tế của họ là không hề dễ dàng.

Phía sau những giao dịch trực tiếp thông suốt

Một ngày sau khi TP Hồ Chí Minh áp dụng chính sách siết chặt thêm 2 tuần hơn nữa, theo Chỉ thị 16 kể từ 23/8, trên trang mạng xã hội cá nhân, một lãnh đạo chi nhánh của một trong số các ngân hàng Big4 hoan hỉ chia sẻ: "Đã có khách hàng đầu tiên đến thực hiện giao dịch. Họ rất hào hứng vì được phục vụ, đáp ứng nhu cầu dịch vụ nhanh, gọn như mong đợi!"

Thực tế, trong mùa dịch, rất nhiều hoạt động, nhu cầu giao dịch ngân hàng của doanh nghiệp, người dân vẫn không chậm lại, bao gồm cả giao dịch tại điểm vật lý, trực tiếp lẫn trực tuyến. Đơn cử, nhiều chủ doanh nghiệp cho biết, trong những ngày mà TP HCM hạn chế tối đa lượng người ra đường, các doanh nghiệp tùy ngành sẽ bị hạn chế tỷ lệ nhân sự được cấp giấy phép di chuyển, lưu thông, thì một trong những đối tượng được ưu tiên đăng ký giấy lưu thông là nhóm kế toán, thủ quỹ. Không có họ thì không thể đến ngân hàng thực hiện các giao dịch cần "ký sống", hoặc rút tiền mặt chi trả cho các khoản chi phí doanh nghiệp cần tiền mặt – dù rằng rất nhiều khoản lớn đã trực tuyến. Tương tự người dân cũng cần đến ngân hàng rút, gửi, đổi, vay tiền…

Để đáp ứng cho nhu cầu này, nhiều ngân hàng đã thực hiện "3 tại chỗ" dù không thuộc nhóm bắt buộc. Cái khó của ngân hàng khi làm "3 tại chỗ", không như doanh nghiệp có thể tập trung nhân lực tại một cụm nhà máy, điểm sản xuất, công ty…, họ phải thực hiện phân bổ ở hàng chục phòng giao dịch, chi nhánh rải rác ở mọi địa bàn. Trong đó, mỗi ekip phải đầy đủ các bộ phận như giao dịch viên, kiểm soát, ngân quỹ, bảo vệ. Và hầu như nhân sự ở bộ phận nào trong ekip nêu trên cũng vẫn phải chịu nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh do phải tiếp xúc với khách hàng. Vì vậy, mỗi nhân viên đều phải vừa nỗ lực vừa thực thi 5K đảm bảo an toàn cho chính mình và khách hàng, vừa là những mắt xích trong hệ thống duy trì hoạt động đáp ứng đủ nhu cầu "thiết yếu" về giao dịch tài chính của doanh nghiệp, người dân.

Tại HDBank, để có phương án chủ động về nhân sự, ứng phó với mọi kịch bản có thể xảy ra, không để đứt gãy ở bất kỳ "mắt xích" nào, ngân hàng đã xây dựng Đội Xung Kích, lập danh sách những chiến sỹ "tuyến đầu" tự nguyện để đi công tác bất cứ đâu, bổ sung cho lực lượng bị F1, nhà khu phong tỏa, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các đơn vị kinh doanh trong tình huống thiếu nhân sự do dịch…

Ông Phạm Quốc Thanh,Tổng Giám đốc HDBank cho biết, ngân hàng đã thành lập Ban BCP (Business Continuity Plan - Ban Kế hoạch Duy trì hoạt động kinh doanh) với thành phần là các lãnh đạo chủ chốt, liên quan, có quy định về cấp độ tiếp nhận thông tin, xử lý, ra quyết định theo sự phân cấp, phân tầng đủ đảm bảo thông tin tiếp nhận, chỉ đạo, xử lý đa chiều và hiệu quả, sao cho các phòng giao dịch, chi nhánh, trung tâm tại địa bàn, vùng, khu vực… luôn có được ngay phương án và quyết định ứng phó nhanh với các tình huống phòng, chống Covid-19. Trên cơ sở đó để lập tức xử lý theo đúng quy định phòng chống dịch của Bộ Y tế và địa phương, đồng thời, xác định hướng xử lý kế tiếp nhằm để đảm bảo kế hoạch kinh doanh liên tục, tiếp tục được vận hành ngay tại phòng giao dịch, chi nhánh, trung tâm tại địa bàn đó.

Có thể nói bên cạnh tuyến đầu là đội ngũ các y bác sĩ, nhân viên y tế, quân đội, tình nguyện viên…, thì mỗi một nhân viên ngân hàng cũng là những chiến sỹ tuyến đầu chống dịch – đã đảm bảo thông suốt huyết mạch tiền tệ.

Giao dịch trực tuyến lên ngôi phục vụ cho mọi nhu cầu chi tiêu dù nhỏ nhất

Để có "3 tại chỗ" đảm bảo an toàn và vận hành thông suốt, dĩ nhiên phải có hoạt động, chỉ đạo từ "đầu não". Không thể đi từng nơi, đến mọi điểm giao dịch đang "vùng đỏ, xanh, cam"… mỗi ngân hàng đều ứng dụng công nghệ trong vận hành. Song song đó là đưa công nghệ vào quản trị hoạt động, triển khai work from home (làm việc tại nhà), thực thi "ai ở đâu yên đó" nhưng nhu cầu giao dịch tài chính của nền kinh tế, được thực hiện từ mỗi bộ phận trong ngân hàng, vẫn phải được vận hành thông suốt.

"Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi sang các hình thức thanh toán không tiền mặt, bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Lào và Việt Nam nhận định. Kết quả từ khảo sát của Visa cho thấy ngân hàng số đang nhận được sự ủng hộ đông đảo từ người tiêu dùng Việt Nam với phần lớn trong số họ (77%) biết đến ngân hàng số và có tới 31% người tiêu dùng sử dụng các dịch vụ này. Động lực thúc đẩy việc áp dụng các hình thức này xuất phát từ sự tiện lợi, người tiêu dùng có thể thực hiện giao dịch bất kỳ lúc nào mà không cần phải đến ngân hàng. Trong đó, dịch vụ thanh toán hóa đơn được người tiêu dùng Việt Nam ưa thích nhất (72%) và tiếp đến là chuyển tiền cho gia đình, bạn bè (67%).

Tổng Giám đốc HDBank cũng cho biết, hai năm đại dịch COVID-19 từ 2020 đến nay đúng vào thời điểm HDBank đẩy mạnh số hóa trong mọi mặt hoạt động của ngân hàng, từ các quy trình giao dịch, vận hành, nhân sự, đánh giá,… và do diễn tiến dịch bệnh, HDBank càng đẩy mạnh số hóa nhanh, đa dạng hơn nữa.

"Nhờ đó, hoạt động nội bộ lẫn bên ngoài với việc cung ứng, duy trì các sản phẩm dịch vụ trên nền tảng số đều đảm bảo thông suốt, không cần tiếp xúc, không bị ảnh hưởng bởi giãn cách tại các địa phương áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16", ông Thanh nói.

Còn theo ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB, để giảm áp lực cũng như giảm thiểu sự rủi ro lây nhiễm cho đội ngũ CBNV và khách hàng, ngân hàng này cũng đã tập trung phát triển các sản phẩm dịch vụ online, khuyến khích khách hàng thực hiện các giao dịch online thay vì đến quầy, miễn phí các dịch vụ như chuyển tiền trong và ngoài hệ thống, miễn phí thường niên, tiến tới sẽ cố gắng thúc đẩy giao dịch online tới 80%, chỉ những giấy tờ cần thiết thì khách hàng mới cần đến quầy giao dịch.

Đánh giá về hoạt động của ngành ngân hàng những tháng đầu năm, NHNN khẳng định mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoạt động thanh toán trong nền kinh tế vẫn diễn ra an toàn, hiệu quả, thông suốt. Khuôn khổ pháp lý và chính sách trong hoạt động thanh toán tiếp tục được hoàn thiện nhằm tạo điều kiện thuận lợi ứng dụng công nghệ mới, hiện đại để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Hạ tầng kỹ thuật và công nghệ phục vụ TTKDTM, nhất là thanh toán điện tử, tiếp tục được chú trọng đầu tư, mở rộng.

Được biết, trong định hướng điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới, NHNN đang tiếp tục triển khai các giải pháp để tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng của người dân, góp phần thúc đẩy TTKDTM và tài chính toàn diện như thí điểm Fintech, Mobilmoney, chuyển đổi số ngân hàng…Điều này sẽ giúp ngành ngân hàng tiếp tục phục vụ tốt nhất cho nhu cầu thanh toán trực tuyến và góp phần hỗ trợ người dân, doanh nghiệp đối phó với dịch bệnh, góp phần đảm bảo an sinh xã hội và đời sống nhân dân.

Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng mạnh

Theo NHNN, hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt trong những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đạt mức tăng trưởng khá.

Số liệu mới nhất cho thấy, đến cuối tháng 4/2021 cả nước có trên 79 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán triển khai thanh toán qua Internet và 44 tổ chức thanh toán qua điện thoại di động. Trong 4 tháng đầu năm 2021, thanh toán điện tử qua Internet, điện thoại di động, QR Code đạt được kết quả đáng ghi nhận, thu hút số lượng lớn khách hàng sử dụng. So với cùng kỳ 4 tháng đầu năm 2020, giao dịch qua kênh Internet tăng tương ứng 65,9% về số lượng; 31,2% về giá trị; giao dịch qua kênh điện thoại di động tăng tương ứng 86,3% về số lượng; 123,1% về giá trị; giao dịch qua kênh QR Code tăng tương ứng 95,7% về số lượng; 181,5% về giá trị. Bên cạnh đó là các chương trình miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán vẫn tiếp tục được NHNN và các TCTD triển khai.



Mai Tâm

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên