Gian lận thuế GTGT – Bài 2: Lật tẩy chiêu bài “ve sầu thoát xác”
Không chỉ gây thất thu cho ngân sách, hành vi gian lận tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) đã tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó trong môi trường kinh doanh…
- 10-07-2022Địa phương đón dòng vốn FDI dẫn đầu cả nước có chiến lược thu hút đầu tư như thế nào?
- 02-07-2022Những ngành nào đang thu hút dòng vốn FDI nhiều nhất cả nước?
- 01-07-2022Địa phương lần đầu tiên lọt top 10 tỉnh, thành thu hút dòng vốn FDI lớn nhất cả nước có tiềm năng gì?
Hoạt động nghiệp vụ tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh minh họa
Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách Nhà nước, có vai trò đặc biệt quan trọng trong duy trì hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh của quốc gia và là công cụ thiết yếu để điều tiết kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Những năm gần đây, cùng với hội nhập quốc tế, bùng phát doanh nghiệp khởi nghiệp, hành vi gian lận thuế cũng gia tăng, diễn ra ngày càng phức tạp, thủ đoạn ngày càng tinh vi.
Vì thế, để thu đúng, thu đủ tiền thuế cho Nhà nước đòi hỏi phải có những giải pháp đồng bộ và quyết liệt. Gian lận thuế không phải bây giờ mới có mà đã xuất hiện từ rất lâu. Không phải chỉ ở Việt Nam mà hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có. Xã hội phát triển thì muôn nẻo đường gian lận thuế cũng phát triển song hành.
Có thể nói, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, số tiền thuế GTGT được hoàn nhanh, giúp doanh nghiệp có được dòng tiền, quay vòng vốn nhanh, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thông thoáng của chính sách, nhiều đối tượng cố tình vi phạm pháp luật thuế, đặc biệt là tình trạng thành lập doanh nghiệp “ma” mua bán hóa đơn lòng vòng; kê khai, nâng khống hàng hóa xuất khẩu để được hoàn thuế GTGT , gây thất thu cho ngân sách nhà nước. Không chỉ gây thất thu cho ngân sách, hành vi gian lận tiền hoàn thuế GTGT đã tạo ra sự bất công giữa các doanh nghiệp, sự méo mó trong môi trường kinh doanh.
Năm 2021, ở TP HCM và Đồng Nai có 2 doanh nghiệp bị cơ quan thuế ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng với số tiền từ hơn chục tỷ đồng đến gần 400 tỷ đồng. Cụ thể, qua 2 trường hợp của Công ty TNHH Quốc tế Hoàng Nam Anh ở Đồng Nai và Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thu Duc House ) ở TP HCM bị cơ quan thuế ra quyết định thu hồi tiền hoàn thuế giá trị gia tăng đã cho thấy đường dây mua bán của các doanh nghiệp này rất tinh vi, phức tạp.
Theo Tổng cục Hải quan, riêng trường hợp của Thu Duc House, có đến 70 doanh nghiệp liên quan. Các doanh nghiệp này chuyển tiền với số lượng rất lớn, hàng ngàn tỷ đồng qua nhiều ngân hàng khác nhau, mua bán lòng vòng, nâng giá hàng hóa để được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Theo một số chuyên gia kinh tế, đây là phương thức, thủ đoạn thường gặp để chiếm đoạt tiền hoàn thuế VAT. Họ thành lập nhiều doanh nghiệp để mua bán hóa đơn, có trường hợp qua vài chục doanh nghiệp, cho đến khi hóa đơn được hợp pháp hóa, bằng cách mua bán hàng hóa thật, xuất hóa đơn thật. Chiêu này được doanh nghiệp gọi là “ve sầu thoát xác”. Đến khâu cuối thì các doanh nghiệp “ma” mất dấu, trong khi đó cán bộ thuế thường chỉ có thể kiểm tra hóa đơn ở khâu mua, bán gần nhất.
Xã hội phát triển thì muôn nẻo đường gian lận thuế cũng phát triển song hành. Ảnh minh họa
Thực tế thời gian qua ở một số địa phương cho thấy, các đối tượng phối hợp dàn dựng, tạo bút toán pháp lý qua mặt sự kiểm tra, kiểm soát của ngành chức năng để trục lợi tiền hoàn thuế GTGT hết sức tinh vi và bài bản. Vụ án do đối tượng Hoàng Thị Hậu (50 tuổi) tại huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh cầm đầu được đưa ra xét xử năm 2021 là một điển hình.
Mặc dù sinh sống trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh, song để hợp thức hóa hồ sơ hoàn thuế GTGT, Hoàng Thị Hậu đã móc nối mượn hàng của các chủ hàng, chủ xe tại huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An, sau đó đứng tên Công ty Hào Hùng do đối tượng này và một số đối tượng khác câu kết thành lập để làm thủ tục mở tờ khai hàng hóa xuất khẩu qua các cửa khẩu. Để được hoàn thuế số lượng hàng hóa mượn nói trên, từ tháng 10/2013 đến tháng 6/2015, Hoàng Thị Hậu đã thông qua Trần Thị Sâm để mua 242 số hóa đơn GTGT (tổng giá trị tiền hàng ghi trong hóa đơn là 235,5 tỷ đồng, thuế GTGT 23,5 tỷ đồng) của 9 công ty có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh.
Trong số 242 số hóa đơn nói trên, Hoàng Thị Hậu đã sử dụng 180 hóa đơn để lập khống hồ sơ hoàn thuế chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước số tiền 15,85 tỷ đồng (trong 9 kỳ hoàn thuế từ tháng 7/2013 đến tháng 2/2015), hành vi này của Hoàng Thị Hậu đã bị cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh khởi tố tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 62 số hóa đơn GTGT còn lại với tổng giá trị tiền hàng là 77 tỷ đồng, thuế GTGT 7,7 tỷ đồng, Hoàng Thị Hậu đã dùng để kê khai, khấu trừ thuế trong thời gian từ tháng 3/2015 đến tháng 6/2015, chưa sử dụng để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Với việc sử dụng 62 số hóa đơn này, Hoàng Thị Hậu bị khởi tố tội “mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NSNN”.
Trong một diễn biến khác, năm 2019, Cơ quan Công an tỉnh Bình Định đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và thực thi lệnh bắt tạm giam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với ông Nguyễn Thành Vỹ - Giám đốc Công ty TNHH TM-DVTH Tân Phát Đạt, có trụ sở giao dịch ở 805/17 Trần Hưng Đạo, phường Lê Hồng Phong, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Qua điều tra, Công an tỉnh Bình Định xác định, Công ty Tân Phát Đạt mua bán hóa đơn GTGT để chiếm đoạt hơn 29 tỷ đồng tiền hoàn thuế của Nhà nước. Cụ thể, từ tháng 1/2011 đến tháng 1/2014, doanh nghiệp này lập thủ tục và được Chi cục thuế TP. Quy Nhơn giải quyết hoàn thuế GTGT 9 lần với tổng số tiền gần 62,4 tỷ đồng.
Để có chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Công ty Tân Phát Đạt đã chuyển tiền cho bên bán hàng là Công ty TNHH TM-DV viễn thông Linh San ở quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng, sau đó, nhân viên phía đối tác rút tiền mặt rồi nộp lại vào tài khoản của Công ty Tân Phát Đạt để doanh nghiệp này chuyển tiếp cho đối tác. Cứ thế hai bên chuyển qua, nộp lại nhiều ngày liên tục, bằng chiêu thức này, Công ty Tân Phát Đạt có được chứng từ chứng minh đã thanh toán cho đối tác qua ngân hàng với tổng số tiền 327 tỷ đồng.
Để hợp pháp hoá hồ sơ hoàn thuế GTGT, Công ty Tân Phát Đạt đã vẽ ra chứng từ, tài liệu khống giá trị hàng hóa tồn kho, lập khống hồ sơ vay mượn gần 291 tỷ đồng của 12 cá nhân để mua hóa đơn GTGT, trong đó có người cho mượn đến 80 tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả xác minh của cơ quan công an cho thấy, trong số 12 trường hợp nêu trên có 5 trường hợp không đúng họ tên và địa chỉ, 2 trường hợp không có hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng minh nhân dân, đặc biệt một số người được xác minh khẳng định không hề cho Công ty Tân Phát Đạt vay, mượn tiền.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, luật sư Nguyễn Trọng Hiệp – Giám đốc Công ty Luật HPVN cho rằng, Bộ Tài Chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư và Bộ Công an cần có quy chế phối hợp rà soát chặt chẽ, phát hiện những doanh nghiệp “ma” có dấu hiệu vi phạm.
"Việc thành lập doanh nghiệp hiện nay rất đơn giản nhưng chúng ta thiếu chế tài để xử lý nghiêm khắc đối với doanh nghiệp “ma” nhằm mua bán hóa đơn nên doanh nghiệp lợi dụng chính sách thông thoáng, khe hở của pháp luật để trục lợi" - luật sư Nguyễn Trọng Hiệp nói.
Còn nữa…
Diễn đàn Doanh nghiệp