MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

[Gian lận và sụp đổ] Lehman Brothers và vụ gian lận REPO năm 2008

Lehman đã sử dụng nhiều hợp đồng repo thông qua chi nhánh London của mình để tạo ra lượng tiền mặt huy động khổng lồ trên báo cáo tài chính. Ngân hàng đã khai khoản lỗ lên tới 3.9 tỷ USD, nhưng lượng tiền huy động được lên tới 40 tỷ USD (mà thực chất chỉ đạt 2 tỷ USD), nhằm đánh lừa nhà đầu tư về tình hình tài chính thực sự.

Với tính hình dịch Covid vẫn đang diễn ra nghiêm trọng, nhiều ngân hàng trên toàn thế giới đã chịu ảnh hưởng, khi những công ty vay vốn gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, thậm chí có những doanh nghiệp còn lộ ra những gian lận khi vay vốn, dẫn đến nguy cơ khủng hoảng cho toàn ngành, mà mới đây nhất là Hin Leong với khoản vay lên tới 3.3 tỷ USD ở nhiều ngân hàng lớn như HSBC hay bê bối lượng tiền mặt trị giá 2 tỷ EUR bốc hơi của Wirecard.

Cách đây 12 năm, khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu diễn ra, ngành ngân hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn với hàng loạt cái tên phải chịu cảnh phá sản, mà nổi bật nhất là Lehmann Brothers với có lịch sử lên tới 100 năm ở Mỹ, đã kéo theo hàng loạt những tổ chức tài chính nhỏ và vừa khác lâm vào cảnh khốn cùng với gian lận khổng lồ của mình.

Hãy cùng nhắc lại về cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, và sự gian lận đã dẫn đến việc sụp đổ của một trong những ngân hàng lâu đời và có uy tín nhất thế giới.

Như chúng ta đã biết, năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới diễn ra đã đem lại hậu quả cực kỳ nặng nề cho nền kinh tế trên toàn thế giới, với những dư âm còn để lại nhiều năm sau đó. Cuộc khủng khoảng tài chính năm này bắt đầu từ một sản phẩm tài chính gây khá nhiều tranh cãi cho đến ngày nay là MBS. Tuy nhiên sản phẩm này là bắt nguồn và là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng, còn sự diệt vong của Lehman Brothers đến từ một sản phẩm khác với tên gọi repo (repurchase agreement – là một loại hợp đồng mua bán chứng khoán phái sinh, trong đó người bán sẽ cam kết mua lại với mức giá tương đương trong tương lai kèm với một khoản tiền lãi nhất định).

Lehman đã sử dụng nhiều hợp đồng repo thông qua chi nhánh London của mình để tạo ra lượng tiền mặt huy động khổng lồ trên báo cáo tài chính. Ngân hàng đã khai khoản lỗ lên tới 3.9 tỷ USD, nhưng lượng tiền huy động được lên tới 40 tỷ USD (mà thực chất chỉ đạt 2 tỷ USD), nhằm đánh lừa nhà đầu tư về tình hình tài chính thực sự.

[Gian lận và sụp đổ] Lehmann Brothers và vụ gian lận REPO năm 2008 - Ảnh 1.

Hoạt động của các hợp đồg repo được mua bán bởi Lehman Brothers (Ảnh: Yale University)

Bản chất của hợp đồng repo là các hợp đồng đi vay và cho vay có kỳ hạn, nhưng có nhiều đặc điểm thuận lợi hơn với kỳ hạn hợp đồng ngắn và có thể linh hoạt điều chỉnh để đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Để ghi nhận khoản repo là doanh thu, cần đáp ứng được rất nhiều điều kiện khắt khe của các chuẩn mực kế toán; tuy nhiên Lehman lại rất khéo léo "lách" được chúng và biến những khoản repo này trở thành doanh thu của ngân hàng.

Lehman Brothers cũng như nhiều tổ chức tài chính khác trong đã sử dụng repo để đáp ứng các nhu cầu ngắn hạn về tiền mặt. Lehman đã bán các loại chứng khoán của họ cho một số tổ chức khác và mua lại một vài ngày sau đó cùng với một khoản lãi suất nhất định. Bằng việc bán các repo, họ ghi nhận đây là một khoản doanh thu tài chính; đồng thời cùng lúc, họ sử dụng tiền thu được từ việc "bán" repo để thanh toán các khoản nợ ngắn hạn khác của mình. Điều này giúp cho tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp giảm xuống, mặc dù thực chất thì không phải như vậy. Việc vay mượn này làm tổng tài sản và tỷ lệ vay nợ của doanh nghiệp giảm, giúp cho báo cáo tài chính của Lehmann trở nên tốt hơn trong mắt các nhà đầu tư và nhà phân tích.

[Gian lận và sụp đổ] Lehmann Brothers và vụ gian lận REPO năm 2008 - Ảnh 2.

Bằng việc sử dụng repo, tổng tài sản và nợ phải trả của doanh nghiệp đều giảm (Ảnh: David Albrecht)

Tới khi các giao dịch repo này đến hạn, Lehman lại tiếp tục vay nợ ngắn hạn có ký quỹ để trả tiền cho các đối tác đã mua khoản repo của họ; đặc biệt hơn, những khoản repo này thường đáo hạn vào thời điểm công bố báo cáo quý. Do đó, vào thời điểm công bố báo cáo tài chính, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp ở mức tốt hơn nhiều so với thực tế.

[Gian lận và sụp đổ] Lehmann Brothers và vụ gian lận REPO năm 2008 - Ảnh 3.

Tỷ lệ vay nợ của Lehman giảm rất nhiều nhờ việc sử dụng repo (Ảnh: Financial Times)

Với việc khủng hoảng tài chính nổ ra khiến nhiều tổ chức tài chính và ngân hàng phải bán tháo nhiều loại tài sản, dẫn đến việc tính thanh khoản của các tài sản được nắm giữ bởi Lehman giảm mạnh. Repo rõ ràng là một loại giao dịch tài chính có thể giúp cho ngân hàng "xử lý" được rất nhiều vấn đề, và Lehman đã tiếp tục lạm dụng nó một cách thái quá. Đến giữa năm 2008, họ đã sử dụng repo để che giấu tới hơn 50 tỷ USD nợ khỏi bảng cân đối kế toán.

[Gian lận và sụp đổ] Lehmann Brothers và vụ gian lận REPO năm 2008 - Ảnh 4.

Tỷ lệ sử dụng Repo của Lehman đạt đỉnh vào tháng 5/ 2008, với giá trị lên tới 50 tỷ USD (Ảnh: Saurav K. Dutta)

Kết quả cuối cùng, Lehman Brothers không thể tiếp tục trả các khoản nợ ngày một lớn hơn. Tháng 9/ 2008, ngân hàng này mất khả năng thanh toán với các khoản nợ của mình và 2 tuần sau đó thực sự phá sản với những khoản nợ xấu trong lĩnh vực bất động sản và tê liệt hoàn toàn khả năng thanh khoản.

FED – Cục dự trữ Liên bang Mỹ cùng với Chính phủ Mỹ đã quyết định không giải cứu Lehman dù rằng đây là một trong những ngân hàng lớn nhất tại nước này. Có lẽ một trong những nguyên nhân chính là do sự gian lận đến mức quá lớn của ngân hàng này, trong tình cảnh khủng hoảng kinh tế ngày một tồi tệ vào thời điểm đó. Đây là bài học lớn cho việc sử dụng các công cụ tài chính để gian lận cho các ngân hàng sau này, vì sau cùng, với những khoản nợ và thua lỗ quá lớn không thể che giấu, phá sản là điều không thể tránh khỏi.

Phạm Tiến Đạt

Nhịp sống kinh tế

Từ Khóa:
Trở lên trên