Giãn nợ, giãn thuế cho DN: Chính sách còn xa với thực tiễn
Giãn nợ 3 tháng thì không giải quyết được việc gì. Giãn thuế nhưng DN chưa nhận được tiền của khách hàng để nộp thuế VAT.
- 24-01-2018Khó khoanh nợ, giãn nợ cho Tập đoàn Mai Linh
- 19-01-2018Mai Linh nói gì trước việc xin giãn nợ 180 tỉ đồng?
- 03-07-2017Bộ Tài chính đề xuất không giãn nợ dự án Đạm Ninh Bình
Nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Hải Phòng đã thực hiện nhiều giải pháp như: Giảm lãi vay, cơ cấu lại nợ, mở những gói vay mới với lãi suất ưu đãi...
Tuy nhiên, theo đại diện các doanh nghiệp, những gói hỗ trợ ngắn hạn, mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của doanh nghiệp, trong khi ảnh hưởng của dịch Covid-19 đến các doanh nghiệp rất sâu và kéo dài. Mặt khác, do một số vướng mắc, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi này.
Thành phố Hải Phòng hiện có hơn 20.000 doanh nghiệp, phần lớn là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tính đến hết quý II/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, khoảng một nửa trong số này gặp nhiều khó khăn, đứng trước nguy cơ phá sản.
Các doanh nghiệp may mặc bị ảnh hưởng nặng do dịch Covid-19 và dự kiến sẽ còn bị ảnh hưởng kéo dài.
Nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn Hải Phòng đã chủ động triển khai có hiệu quả giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Một số tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho hơn 1.200 khách hàng với dư nợ gần 2.000 tỉ đồng, miễn giảm lãi vay cho hơn 2.000 khách hàng với mức lãi suất giảm từ 0,2 đến 2% so với trước đây; cho gần 2.000 khách hàng vay mới áp dụng lãi suất ưu đãi.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp cho biết không tiếp cận được các gói tín dụng ưu đãi, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã hoặc đang có khả năng phải dừng hoạt động, trong khi kho bãi đi thuê, không có tài sản đảm bảo, không chứng minh được thiệt hại do dịch bệnh cũng như nguồn tiền trả nợ.
Bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng cho biết: "Nhu cầu doanh nghiệp thường lớn nhưng thường Ngân hàng chính sách chỉ cho vay rất thấp, đạt 25% so với nhu cầu của doanh nghiệp và thủ tục còn phức tạp.
Chúng tôi kiến nghị Ngân hàng Nhà nước tiếp tục hỗ trợ các ngân hàng thương mại cổ phần có thêm nguồn vốn để hỗ trợ được nhiều lượt khách hàng, nhiều lượt doanh nghiệp hơn nữa. Trên thực tế, việc hỗ trợ này chưa đến được nhiều doanh nghiệp".
Bên cạnh đó, những giải pháp hỗ trợ như: Miễn giảm lãi vay, chính sách giãn, hoãn nợ, cho vay ưu đãi... chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, không "thấm tháp" so với khó khăn của doanh nghiệp. Đặc biệt, với tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên thế giới, thời gian ảnh hưởng của dịch đến doanh nghiệp trong nước sẽ kéo dài hơn so với dự kiến.
Các doanh nghiệp cho rằng, ngân hàng nên xem xét kéo dài thời gian cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp đến khi nền kinh tế thực sự phục hồi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các khoản vay trung, dài hạn từ 12 đến 24 tháng...
Bà Đào Thị Kim Ngân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hải Phòng cho rằng, nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được các gói ưu đãi dành cho doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. |
Ông Tạ Quyết Thắng, Tổng giám đốc Công ty TNHH Sơn Trường cho rằng các chính sách hỗ trợ cần sát hơn với thực tế của doanh nghiệp: "Việc giãn nợ của ngân hàng là rất tốt, nhưng nên xem xét từng đơn vị cụ thể để giãn nợ, chứ giãn nợ 1 tháng, 2 tháng, 3 tháng thì không giải quyết được việc gì.
Thứ hai, giãn thuế nhưng chúng tôi đã nhận được tiền của khách hàng đâu mà có tiền nộp thuế VAT. Một loạt danh sách, chúng tôi xuất hóa đơn đỏ mà tiền chưa về ngân hàng thì ngân hàng phải xác nhận cho chúng tôi để ngành thuế giãn nộp thuế".
Trong số 20.000 doanh nghiệp tại Hải Phòng, mức độ tác động, ảnh hưởng do dịch Covid-19 lên các doanh nghiệp là khác nhau. Vì vậy, cần có sự khảo sát, phân khúc để có hỗ trợ phù hợp.
Ông Nguyễn Hữu Đạo - Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Hải Phòng cho rằng, mối quan hệ giữa ngân hàng-doanh nghiệp là mối quan hệ cộng sinh, vì vậy hai bên cần có sự "am hiểu" về nhau để có biện pháp hỗ trợ và lộ trình phù hợp.
Theo ông Nguyễn Hữu Đạo: "Đối với việc giãn, giảm, hoãn lãi suất, đề nghị không rải đều mà phải có sự phân loại. Đối với doanh nghiệp bị ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp phải khác nhau và càng cụ thể thì càng hiệu quả. Đề nghị Ngân hàng hỗ trợ theo lộ trình.
Trong giai đoạn giãn cách, hỗ trợ để các doanh nghiệp cầm cự; sau giãn cách, hỗ trợ để doanh nghiệp phục hồi và khi hết dịch, hỗ trợ để doanh nghiệp tăng tốc. Như vậy, điều chỉnh các mức giãn, giảm sẽ khác nhau và phù hợp cho các doanh nghiệp trong từng giai đoạn vượt qua khó khăn do dịch Covid-19 này".
Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng, thời gian qua, các sở, ngành của thành phố đã tích cực phối hợp cùng với các ngân hàng, tổ chức tín dụng, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn do doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Tuy nhiên, các ban ngành của thành phố vẫn nhận được nhiều ý kiến về những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận các gói ưu đãi này.
Ông Nguyễn Văn Thành cho rằng, thời gian tới, sự kết nối ngân hàng – doanh nghiệp cần kịp thời và bám sát thực tiễn hơn nữa: "Các doanh nghiệp cơ bản đều mong muốn nhận được những gói hỗ trợ trực tiếp về lãi suất; còn giãn hoãn về nợ thì nếu phục hồi kinh tế tính từ cuối quý 2 đến cuối quý 4 thì các doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục thực hiện trả nợ tín dụng, nộp tiền thuế theo quy định.
Doanh nghiệp cũng không hưởng ứng lắm với chính sách này. Mong muốn Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ban ngành Trung ương tham mưu cho Chính phủ có chính sách cụ thể hơn nữa".
Tại hội nghị kết nối giữa ngân hàng với doanh nghiệp được tổ chức tại Hải Phòng gần đây, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, căn cứ những kiến nghị của doanh nghiệp và người dân, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ điều chỉnh chính sách hỗ trợ khách hàng cho phù hợp với thực tiễn và bối cảnh tình hình dịch bệnh./.
VOV