MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giao đồ ăn trực tuyến, "miếng bánh" không dễ ăn

16-07-2018 - 09:25 AM | Doanh nghiệp

Dự báo năm 2020, thị trường đặt đồ ăn trực tuyến tại Việt Nam sẽ trị giá tới 38 triệu USD. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh thị trường này không phải là điều đơn giản.

"Miếng bánh" nhiều kẻ tranh

Qua số liệu thống kê của một số tổ chức, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam hiện đang rất tiềm năng. Theo thống kê từ Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam, năm 2017 mới chỉ có 30% số người dân thành thị sử dụng các dịch vụ đặt món trực tuyến tại Hà Nội và TP.HCM nhưng trong 6 tháng đầu năm 2018 đã lên tới hơn 70%. Như vậy chỉ trong một năm, lượng người dùng dịch vụ này đã tăng tới 40%, một tốc độ quá nhanh, mặc dù mới chỉ giới hạn ở khu vực thành thị, nơi tập trung lượng dân văn phòng lớn.

Thêm vào đó, theo báo cáo của Euromonitor cho biết, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam giá trị khoảng 33 triệu USD vào năm nay và dự báo sẽ đạt hơn 38 triệu USD vào năm 2020.

Như vậy, từ thói quen người dùng thay đổi, mọi người cần giao hàng nhanh cho thực phẩm, để giữ cho chúng nóng sốt, cộng với dự báo thị trường tiềm năng, sự cạnh tranh trong dịch vụ đặt món trực tuyến chắc chắn sẽ không hề đơn giản.

Tại Việt Nam, sau cuộc "bán mình" cho đối thủ vào cuối năm 2015 của Foodpanda, thị trường đặt món trực tuyến ở Việt Nam còn hai tên tuổi được nhiều người biết đến là Delivery Now (tức Foody) và Vietnammm. Một số cái tên khác được cho rằng chiếm thị phần còn khá nhỏ như Eat.vn và Chonmon.vn. Chính khảo sát của Havas Riverorchid cũng xác nhận, Delivery Now là cái tên đầu tiên được người dùng nhắm đến khi hỏi về dịch vụ đặt món ăn tại TP HCM.

Bên cạnh đó, còn hai cái tên ngoại là Grab và Go-Jek cũng đang nhăm nhe vào thị trường này. Cụ thể, hiện Grab đã bắt đầu thí điểm ứng dụng GrabFood tại 5 quận tại TP.HCM. Theo đơn vị này, hiện Grab đang có 500 đối tác là các nhà hàng, quán ăn ở 5 khu vực này, hình thức thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng. Số liệu mới nhất cho biết, GrabFood đã mở rộng từ 2 quốc gia lên 6 quốc gia chỉ trong quý II/2018, với tổng doanh thu tăng gấp 9 lần trong 12 tháng qua. Còn Go-Jek, ứng dụng đến từ Indonesia sắp thâm nhập vào thị trường Việt Nam, rất có thể sẽ mang theo ứng dụng Go-Food, một ứng dụng trong hệ sinh thái của họ.

Khắc nghiệt của thị trường

Với tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặt món trực tuyến rõ ràng là thị trường có tiềm năng rất lớn. Nhưng đây hoàn toàn không phải bài toán dễ vì kinh doanh giao nhận thực phẩm tươi sống, trong đó có đồ ăn có biên độ lợi nhuận thấp do yêu cầu cao về các khâu bảo quản, giao hàng tận tay người dùng. Chưa kể đến chi phí không hề nhỏ đầu tư cho nguồn nhân lực giao hàng.

Theo giám đốc một công ty vừa khởi nghiệp trong lĩnh vực giao nhận, việc giao nhận món ăn cần phải đầu tư một số lượng lớn nhân viên mới có thể “phủ sóng” toàn bộ các điểm giao nhận trên toàn thành phố (Hà Nội, TPHCM), đồng thời, phải tổ chức nhóm giao nhận chuyên cho món ăn chứ không thể sử dụng đội ngũ giao nhận các mặt hàng như quần áo, túi xách hay phụ kiện điện thoại.

Foodpanda.vn cũng đã xây dựng riêng một đội ngũ giao nhận, khoảng 100 người cho khu vực Hà Nội và TP.HCM. Nhưng do doanh thu chủ yếu đến từ hoa hồng các đơn hàng nên Foodpanda.vn phải chấp nhận “về chung một nhà” với Vietnammm.com.

Trong một dịp trả lời báo giới về việc cung cấp dịch vụ giao nhận món ăn, ông Đặng Hoàng Minh, người sáng lập Foody.vn thừa nhận thị trường đặt món trực tuyến tại Việt Nam vẫn đang vướng mắc ở khâu giao nhận. “Foody.vn vẫn đang thử nghiệm với một số nhà hàng, quán ăn nhằm thăm dò khả năng phát triển thị trường.

Đến khi số lượng đơn đặt hàng trên DeliveryNow.vn trở nên lớn hơn, chúng tôi sẽ liên kết với các công ty giao nhận”, ông cho biết.

Có thể thấy lợi thế của Grab hiện nay là sở hữu một lực lượng đông đảo đội ngũ nhân viên giao hàng sẵn có, tiềm lực kinh tế lớn cùng kinh nghiệm khi đã triển khai dịch vụ này tại Jakarta (Indonesia) vào năm 2016, thử nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) vào năm 2017.

GrabFood cũng có những điểm yếu nhất định. Hiện khá nhiều món ăn trong danh mục của dịch vụ không hợp tác trực tiếp với đơn vị chế biến. Tài xế chỉ đơn giản là người đến quán ăn để mua hộ theo yêu cầu người dùng. Do đó, không phải tài xế nào cũng hào hứng với việc mua hộ đồ ăn vì họ phải chi tiền trước và hoàn toàn có rủi ro về việc người dùng không nhận món.

Euromonitor cho rằng, tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường đặt món trực tuyến là 11% mỗi năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng ở quy mô toàn cầu tương đối cao hơn. Research and Markets dự báo thị trường giao thức ăn và thực phẩm mang đi toàn cầu tăng trưởng 15,25% giai đoạn 2016-2021. Technavio dự báo thị trường giao thực phẩm trực tuyến theo yêu cầu sẽ tăng đến 32% trong giai đoạn 2017-2021.

Dù mức độ tăng trưởng ở Việt Nam không quá cao nhưng với nhiều diễn biến "nóng sốt", thị trường đặt món trực tuyến được dự báo sẽ là địa hạt của cuộc chiến mới.

Theo Nguyễn Long

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên