Ngọc Trinh VTV: "Sai lầm không nằm ở quyết định ra đi mà sai lầm ở cách lựa chọn thái độ khi nhảy việc"
BTV của Trung tâm tin tức VTV24 cho rằng, bản thân những người nhân viên nhận xét là sếp của mình "tồi" phải xét lại quan điểm của mình. Với những người được chọn ở vị trí đứng đầu họ có sứ mệnh của họ, nếu chỉ vì góc nhìn khác nhau mà đánh giá như vậy liệu có hơi cực đoan?
"Nhảy việc" không phải là khái niệm xa lạ với những người lao động trẻ hiện nay. Khi đi làm, ai cũng mong muốn tìm được một công việc phù hợp với khả năng, sở thích, chế độ đãi ngộ tốt và có tương lai thăng tiến. Vì vậy, dù đang có một công việc, nhưng khi cơ hội khác đến, không ít người vẫn phân vân.
Không biết từ bao giờ, "nhảy việc" không còn là một điều quan trọng đến mức chúng ta phải đắn đo, thức trắng đêm để suy nghĩ, cân nhắc. Có thể nói, gần đây những người trẻ dường như bị cuốn vào xu hướng nhảy việc một cách nhanh chóng mà chưa có hiểu biết đúng về những thách thức, cơ hội của quyết định này.
Nhiều người thú thật, khi tìm việc họ chỉ tập trung đến danh tiếng công ty, mức lương chứ không quan tâm đến văn hóa doanh nghiệp. Những bạn trẻ mới ra trường đôi khi còn nhiều "ảo tưởng" về một công việc nhàn hạ với mức lương cao ngất... Chính vì thế, tình trạng "vỡ mộng" sau một thời gian đi làm khá phổ biến.
Bên cạnh đó, môi trường làm việc, đồng nghiệp, cấp trên cũng là những yếu tố rất quan trọng đối với sự gắn bó với công việc của một nhân viên. Ý kiến về vấn đề "nhân tài không rời bỏ công việc, họ chỉ rời bỏ sếp tồi" cũng từng gây bão trên mạng xã hội bởi nói đúng tâm lý của rất nhiều người.
"Nhảy việc" là chuyện bình thường đối với những người có khả năng, đặt kỳ vọng cao trong công việc của bản thân. Tuy nhiên, đó lại là một vấn đề đáng báo động đối với những người trẻ chưa xác định được bản thân mình là ai trên thị trường lao động, chỉ nhảy việc theo trào lưu hay đơn giản vì "mình thích thế".
Quyết định đổi việc vì áp lực công việc? Vì sếp và văn hóa công ty? Nhảy việc vì có cơ hội mới với lương cao, đãi ngộ tốt hơn? Dù vì lý do gì thì bạn cũng cần cân nhắc kỹ càng những cơ hội, thách thức sau đó. Thực tế, rất nhiều người trong chúng ta có xu hướng không hài lòng với những gì mình đang có cho đến khi phải đối mặt với những điều mới mẻ "không như mơ". Rất nhiều người đã hối hận khi nghỉ việc một cách bồng bột, thiếu cân nhắc.
Nhưng cũng không ít người có được những cơ hội mới, bắt đầu một tương lai công việc đầy hứa hẹn khi quyết định nhảy việc. Vậy điều mấu chốt để người trẻ đưa ra quyết định nhảy việc một cách khôn ngoan là gì? Làm thế nào để "nhảy việc" thông minh, không bỏ lỡ những cơ hội vàng cho sự nghiệp của mình?
Bàn về những thách thức và cơ hội đối với người trẻ khi quyết định nhảy việc, Ban biên tập báo điện tử Trí thức trẻ phối hợp với chuyên mục Sống/CafeF.vn sẽ tổ chức buổi giao lưu trực tuyến Bí quyết nhảy việc: "Cuộc sống bế tắc hay cuộc đời nở hoa", tất cả phụ thuộc vào bạn!
Kinh nghiệm của những chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự, chia sẻ của những người trẻ từng nhảy việc nhiều lần hay lựa chọn gắn bó với một công việc trong thời gian dài sẽ giúp các bạn phần nào giải đáp được vấn đề đó. Buổi giao lưu trực tuyến sẽ diễn ra vào lúc 14h, thứ 6 ngày 23/11 với sự tham dự của các khách mời:
- Bà Nguyễn Phương Mai, Giám đốc điều hành dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao Navigos Search.
- Bà Dương Ngọc Trinh, BTV tại Trung tâm tin tức VTV24.
- Ông Nguyễn Ngọc Long, Blogger truyền thông xã hội.
- Ông Nguyễn Hùng, người trẻ từng nhảy việc nhiều lần, hiện đang là Founder/CEO của MEG Creative.
Các câu hỏi của độc giả và trả lời của khách mời sẽ được đăng tải trực tiếp trên Báo điện tử Trí thức trẻ, chuyên mục Sống/CafeF.vn và Fanpage của CafeF/CafeF Sống.
Trân trọng!
Lên trên