MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giáo sư Đại học Havard dán nhãn “kinh tế học tồi tệ” cho chủ nghĩa Tân tự do

Giáo sư kinh tế của Đại học Havard, Dani Rodrik, đã viết một bài luận dài và sâu sắc về những khiếm khuyết của chủ nghĩa Tân tự do - tư tưởng kinh tế về thị trường và thương mại tự do. Theo ông, chủ nghĩa Tân tự do đồng nghĩa với “kinh tế học tồi tệ”.

"Đóng góp của các nhà kinh tế vào tranh luận xã hội thường nghiêng về một phía, họ ủng hộ thúc đẩy thương mại, tài chính và giảm bớt vai trò của Nhà nước. Đó là lý do vì sao các nhà kinh tế được tiếng là những người cổ vũ cho chủ nghĩa Tân tự do, mặc dù kinh tế học dòng chính còn xa mới ca ngợi laissez-faire (học thuyết về nền kinh tế tự vận hành). Những kinh tế gia nhiệt tình thái quá với thị trường tự do không trung thành với nguyên tắc của họ", vị giáo sư nổi tiếng của Đại học Havard nhận xét.

Chủ nghĩa Tân tự do gặp phải nhiều thách thức trong thời gian gần đây.

Chủ nghĩa Tân tự do gặp phải nhiều thách thức trong thời gian gần đây.

Là một người dành nhiều thập kỷ đi tiên phong trong lĩnh vực thương mại và tăng trưởng, có liên quan mật thiết đến việc triển khai chính sách thực tiễn, Rodrik là chuyên gia trong lĩnh vực này. Nhưng dù chỉ trích của ông đúng đắn, Rodrik đã bỏ qua những điều tốt đẹp mà chủ nghĩa Tân tự do làm được.

Chủ nghĩa Tân tự do (Neoliberalism) là một ý hệ và mô hình chính sách nhấn mạnh tầm quan trọng của cạnh tranh trong thị trường tự do. Một đặc trưng của chủ nghĩa này là nền kinh tế tự vận hành, không cần đến sự can thiệp của Nhà nước. Chủ nghĩa tân tự do cho rằng thị trường tự do là cách phân phối nguồn lực hiệu quả nhất, nhấn mạnh đến việc tối thiểu hóa can thiệp của Nhà nước vào kinh tế và các quan hệ xã hội.

Rodrik rất sáng suốt khi giải thích vì sao các nhà kinh tế dường như dễ dàng trở thành người cổ vũ những chính sách đơn giản thái quá của thị trường tự do. Đứng trước mong muốn thay đổi nhanh và giải thích dễ dàng, nhiều kinh tế gia theo bản năng đã quay lưng lại với mô hình của những khóa học kinh tế căn bản đầu tiên - mô hình thị trường cạnh tranh giải quyết gần như mọi vấn đề. Theo Rudrik, các mô hình này là lời nói dối phổ biến, bỏ qua hàng triệu đặc điểm quan trọng trong thị trường thực tế.

Giáo sư ngành luật của đại học Connecticut, James Kwak, gọi đây là "chủ nghĩa kinh tế" (Economism là một ý hệ chỉ coi cung và cầu là hai yếu tố quyết định mà bỏ qua các yếu tố khác trong thực tế xã hội). Các cơ quan chính phủ có tác động lớn đến thị trường - từ chủ nghĩa nghiệp đoàn ở Nhật vào thế kỷ 20 cho đến các công đoàn tiên tiến ở Đức.

Nhiều yếu tố hỗ trợ sự vận hành của chủ nghĩa tư bản. Nếu thiếu các cơ quan Nhà nước thì chủ nghĩa tư bản có thể dễ dàng suy thoái dẫn đến tình trạng độc quyền, thị trường tài chính sụp đổ, môi trường bị phá hủy hay nhiều hoàn cảnh không mong đợi khác.

Rodrik lấy ví dụ về hai quốc gia là Mexico và Chile. Vào những năm 70, 80, dưới thời độc tài Augusto Pinochet, Chile theo lời khuyên của một vài nhà kinh tế trường phái thị trường tự do, nhưng kết quả lại không ấn tượng. Từ khi thực hiện cải cách tự do hóa thị trường và ký kết hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), kinh tế của Mexico còn kém hơn Hàn Quốc và Trung Quốc - các nước mà chính phủ can thiệp sâu vào nền kinh tế.

Không phải ngẫu nhiên mà cả hai quốc gia trên (Mexico và Chile) đều thuộc Mỹ Latin. Đây là khu vực nơi những lời khuyên về Tân tự do dưới dạng kế hoạch 10 chính sách, được gọi là Đồng Thuận Washington thu hút sự quan tâm của dư luận. Đồng Thuận Washington là mục tiêu của những chỉ trích cay nghiệt trong vòng nhiều năm và Rodrick là một người lên án tiêu biểu.

Đồng thuận Washington là chương trình cải cách kinh tế vào đầu thập niên 1990, bao gồm mười chính sách khác nhau được các tổ chức đóng trụ sở tại Washington (Mỹ) như IMF, Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính Mỹ đề nghị áp dụng ở những nước trải qua khủng hoảng kinh tế.

Nhưng Mỹ Latin chỉ là một phần của thế giới. Ở những nơi khác, những ý tưởng chung của Tân tự do đạt được nhiều thành tựu. Ví dụ như Trung Quốc trong những năm 80, sau nhiều thập kỷ chứng kiến thảm họa kinh tế - xã hội dưới thời Mao Trạch Đông, nước này thử nghiệm kinh tế thị trường dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình. Trung Quốc bắt đầu cấp phép cho các doanh nghiệp nhỏ và thừa nhận một số quyền về đất đai. Các doanh nghiệp Nhà nước được tư nhân hóa một phần. Đất nước mở cửa với đầu tư nước ngoài.

Trung Quốc từ một nước cô lập trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Năm 2005, quy mô kinh tế thị trường của Trung Quốc vượt qua nền kinh tế do nhà nước chỉ huy trước kia. Sau cải cách thị trường, kinh tế Trung Quốc bùng nổ ấn tượng với mức tăng trưởng lớn nhất trong lịch sử thế giới.

Nhờ cải cách kinh tế mà Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Nhờ cải cách kinh tế mà Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới

Rodrick chỉ ra việc can thiệp của Nhà nước đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Trung Hoa. Tuy nhiên, sự chuyển đổi từ một nền kinh tế chỉ huy cứng nhắc sang nền kinh tế kết hợp giữa Nhà nước và thị trường cùng tự do hóa thương mại chắc chắn là cải cách kiểu Tân tự do. Mặc dù cải cách của Đặng Tiểu Bình gần như được thực hiện theo kiểu lên kế hoạch thông thường, nhưng ông đã mời nhà kinh tế học nổi tiếng của trường phái Tân tự do là Milton Friedman tư vấn.

Một thập kỷ sau khi Trung Quốc bắt đầu thử nghiệm của mình, vào năm 1991, Ấn Độ cũng thực hiện cải cách. Sau thời kỳ suy thoái nghiêm trọng, thủ tướng Narasimha Rao và Bộ trưởng Tài chính Manmohan Singh đã loại bỏ hệ thống giấy phép kinh doanh cồng kềnh, xóa bỏ hạn chế đầu tư nước ngoài, chấm dứt các công ty độc quyền được Nhà nước cấp phép, giảm thuế quan và thực hiện nhiều cải cách khác. Mặc dù kết quả không ấn tượng như Trung Quốc, nước này vẫn chứng kiến kinh tế tăng trưởng liên tục.

Không thể phủ nhận tầm quan trọng của bùng nổ tăng trưởng tại Ấn Độ và Trung Quốc. Người dân ở hai quốc gia rộng lớn này - khoảng 40% dân số thế giới, gấp nhiều lần dân số ở các nước phát triển - họ đã cùng nhau xác định tiến trình phát triển của nhân loại. Trong 3 thập kỷ vừa qua, Ấn Độ và Trung Quốc xóa đói giảm nghèo nhiều hơn bất cứ quốc gia nào trong lịch sử.

Vươn lên từ vực sâu nghèo đói

Những dữ kiện và số liệu đơn thuần không nên che khuất thực tế cảm động của con người trong sự phát triển kỳ diệu này. Có nhiều người đã từng tắm trong những dòng sông bẩn, đi vệ sinh ngoài trời và chứng kiến một phần tư con em họ chết trước 5 tuổi. Giờ đây, họ có thức ăn, chỗ ngủ và nước sạch. Hàng triệu bần nông đã có cuộc sống tốt đẹp hơn ở thành phố. Tử lệ trẻ em tử vong ở Ấn Độ giảm khoảng 5/6.

Ấn Độ đẩy lui nghèo đói, nhiều người đã có cuộc sống tốt hơn với thức ăn, chỗ ở và nước sạch

Ấn Độ đẩy lui nghèo đói, nhiều người đã có cuộc sống tốt hơn với thức ăn, chỗ ở và nước sạch

Chắc chắn, Đồng thuận Washington không đưa Mỹ Latin vào danh sách các quốc gia giàu có. Cải cách Tân tự do ở Liên Xô cũ chỉ đạt được một phần thành công. Tuy nhiên, dân số Ấn Độ và Trung Quốc gấp hơn 3 lần dân số mà các nước trên cộng lại. Việc giảm bớt đói nghèo ở các quốc gia này chứng tỏ chủ nghĩa Tân tự do đạt được một thành công đáng kể.

Thị trường tự do tất nhiên có những khiếm khuyết của nó, nhưng sẽ là không đúng nếu dán nhãn "kinh tế học tồi tệ" cho chủ nghĩa này. Sự thật luôn phức tạp hơn nhiều.

Chu Lan Anh

Theo Bloomberg

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên