Giáo sư Harvard chia sẻ về chuyến công du Việt Nam của Tổng thống Biden: Xuất khẩu sang Mỹ tăng gấp 3 kể từ 2015 tới nay, tôi kỳ vọng sẽ còn cao hơn nữa
Theo Giáo sư David Dapice của Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard, chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Việt Nam là dấu hiệu cho thấy hai nước đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn đồng thời cũng mở ra những cơ hội lớn trong lĩnh vực kinh tế.
- 04-09-2023Chủ tịch Trung Quốc có thể không dự G20, Tổng thống Biden nói gì?
- 02-09-2023Siêu vận tải 'ngựa thồ' C-17 phục vụ đoàn ông Biden đến Hà Nội có gì đặc biệt?
- 29-08-2023Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam
- 19-08-2023Bão hiếm trong 84 năm sắp đổ bộ Mỹ, đích thân Tổng thống Biden ra thông báo
GS. David Dapice là chuyên gia kinh tế cao cấp tại Trường Quản lý nhà nước John F Kennedy, Đại học Harvard. Ông là Cố vấn Kinh tế của Trung tâm Nghiên cứu Việt Nam (VNC) thuộc Đại học Fulbright Việt Nam. GS Dapice đã nghiên cứu nền kinh tế Việt Nam từ cuối thập niên 1980, đặc biệt chú trọng đến các vấn đề kinh tế vĩ mô, chính sách đầu tư công và phát triển khu vực.
Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam vào ngày 10 và 11/9. Như vậy, tất cả các tổng thống Mỹ dù thuộc Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hòa đều đã đến thăm Việt Nam kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ. Điều này có ý nghĩa gì không?
Mỗi chuyến thăm của các Tổng thống Mỹ đều có những ý nghĩa và tính toán nhất định. Tôi cho rằng chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden và rất có thể là một chuyến thăm khác của lãnh đạo Việt Nam tới Mỹ trong tương lai, chính là dấu hiệu cho thấy cả hai bên đang xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn.
Riêng về phía Mỹ, tôi cho rằng xây dựng mối quan hệ bền chặt hơn với Việt Nam nhận được sự ủng hộ của lưỡng đảng. Đó không chỉ đơn giản là quan điểm của riêng đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Đây là điều rất tốt trong thời điểm phân cực hiện nay.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden sẽ tác động thế nào đến quan hệ ngoại giao, kinh tế, thương mại song phương giữa Việt Nam và Mỹ?
Việt Nam có thặng dư thương mại 100 tỷ USD với Mỹ do đó, đây là mối quan hệ đóng vai trò quan trọng với cả 2 nước. Về mặt ngoại giao thì đây cũng mối quan hệ rất tốt. Như tôi đã nói, tôi nghĩ rằng mỗi bên đều rất sẵn sàng hợp tác.
Theo tôi, 2 bên sẽ thảo luận về rất nhiều vấn đề trong sự kiện lần này. Mỹ đặc biệt quan tâm đến những lĩnh vực như an ninh mạng, công nghệ cao, trí tuệ nhân tạo, sản xuất chip, cùng với đó là sự phát triển kinh tế và năng lượng xanh.
Việt Nam thực sự muốn Mỹ tham gia TCPPP vì điều đó sẽ mang lại sự ổn định hơn cho đầu tư FDI. Nhằm thu hút nhiều hơn đầu tư nước ngoài, Việt Nam sẽ cần nâng cao và thỏa mãn một số tiêu chuẩn. Với quan điểm của tôi, chuyến thăm lần này chưa đạt được sự tiến triển ngay lập tức, nhưng sẽ là tiền đề để Việt Nam thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài hơn.
Ngoài chuỗi cung ứng, công nghệ mới và năng lượng xanh cũng là những vấn đề nóng. Theo ông, Việt Nam có thể tận dụng những gì hoặc cần làm gì để nắm bắt cơ hội trong những lĩnh vực đó để thúc đẩy nền kinh tế, nâng cao vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu?
Việt Nam đã là nước sản xuất tấm pin mặt trời lớn thứ hai trên thế giới. Vì vậy, việc Việt Nam sở hữu kinh nghiệm nền tảng về năng lượng xanh là điều hiển nhiên dù hầu hết trong số đó là đầu tư nước ngoài.
General Electrics cũng đang sản xuất tuabin gió, pin tại Việt Nam - đây cũng là những sản phẩm cần nhiều vốn và đòi hỏi công nghệ cao, điều mà các doanh nghiệp nhỏ khó có thể làm được. Rõ ràng rằng, việc thu hút thêm dòng vốn FDI là một điều cực kỳ quan trọng đối với Việt Nam.
Về công nghệ xanh, Việt Nam có khá nhiều sinh viên tốt nghiệp là kỹ sư giỏi và họ có thể đóng góp vào mảng này. Nhưng để từ một kỹ sư giỏi trở thành một kỹ sư có trình độ cao, như trong lĩnh vực AI hiện nay, họ cần phải được đào tạo thêm. Đó là điều mà Mỹ có thể hỗ trợ và tôi nghĩ là Mỹ khá sẵn lòng.
Ông có nhiều kinh nghiệm trong gần ba thập kỷ nghiên cứu về kinh tế Đông Nam Á và Việt Nam. Ông đánh giá thế nào về những tiến bộ trong thương mại, đầu tư mà Việt Nam và Mỹ đã đạt được?
Tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1989. Từ đó đến nay, tôi đã chứng kiến đà tăng trưởng mạnh mẽ của hoạt động thương mại Việt Nam với Mỹ, với xuất khẩu tăng gấp 3 lần.
Tôi cho rằng, điểm đột phá ở đây là khi 2 nước chính thức bình thường hoá quan hệ vào năm 1995 và Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại song phương. Cùng với đó, Việt Nam đã thu hút được rất nhiều dòng vốn đầu tư nước ngoài. Các bạn có lực lượng lao động chất lượng tốt, năng suất cao, học hỏi nhanh và chăm chỉ.
Có một thực tế là việc làm trong ngành nông nghiệp suy giảm hàng năm. Những thanh niên này chọn ra các khu công nghiệp và thành phố để làm việc. Bằng việc tận dụng xu hướng này, Việt Nam có thể cải thiện đáng kể năng suất của nhóm này để giúp thúc đẩy tăng trưởng.
Tuy nhiên, xu thế này có thể sẽ không kéo dài. Muốn thúc đẩy tăng trưởng, Việt Nam cần cải thiện năng suất lao động. Năng suất lao động cần phải được tăng lên thay vì xu hướng dịch chuyển nhân công.
Trước đây, xu hướng dịch chuyển lao động giúp Việt Nam có thể tăng trưởng thêm 1-2 điểm phần trăm. Khi nếu xu hướng đó dừng lại thì điều cần thiết là đạt mục tiêu tăng năng suất.
Gần đây, nhiều doanh nghiệp Mỹ trong đó có Apple đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất sang Việt Nam. Điều gì khiến Việt Nam trở thành lựa chọn phổ biến của doanh nghiệp Mỹ?
Việt Nam sở hữu vị trí địa lý cực kỳ thuận lợi đối với một doanh nghiệp đa quốc gia như Apple.
Lực lượng lao động ở nước bạn đều có trình độ cơ bản, được đào tạo kỹ lưỡng, các cơ sở sản xuất có hạ tầng nói chung khá tốt. Điều quan trọng hơn là chính phủ Việt Nam cũng đưa ra nhiều quy định thuận lợi, nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp FDI.
Ông kỳ vọng quan hệ Việt Nam - Mỹ sẽ phát triển thế nào sau chuyến thăm của Tổng thống Biden?
Tôi nghĩ rằng mối quan hệ này sẽ được cải thiện và trở nên sâu sắc hơn. Và bởi vì có sự ủng hộ của lưỡng đảng dành cho Việt Nam. Ngoài ra, Mỹ có thể nỗ lực để đảm bảo rằng dù kết quả của cuộc bầu cử năm tới như thế nào thì mối quan hệ với Việt Nam vẫn được duy trì một cách thuận lợi.
Cảm ơn ông!
Nhịp sống thị trường