Giáo viên mầm non muốn về hưu ở tuổi 55
Không phải ngành nghề nặng nhọc hay độc hại, nhưng giáo viên mầm non được coi là nghề đặc thù. Vì vậy, nhiều chuyên gia đề nghị nên giảm tuổi hưu cho đội ngũ này và có tới 96% giáo viên mầm mon được khảo sát nói họ muốn về hưu ở tuổi 55.
Tại hội thảo góp ý dự thảo nghị định về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam vừa tổ chức, ông Nguyễn Ngọc Ân, Phó chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục Việt Nam đề nghị, giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55. Ông Ân cho hay, kết quả khảo sát của công đoàn ngành cho thấy trong số 10.698 ý kiến gửi về có tới 96% đề nghị cho giáo viên mầm non được về hưu ở tuổi 55.
“Hiện tại, định mức quy định và thời gian làm việc thực tế của giáo viên mầm non quá nhiều so với các ngành nghề khác (10 giờ/ngày). Cường độ làm việc cao, sức ép từ sự giữ an toàn cho trẻ căng thẳng kéo dài làm cho sức khỏe của giáo viên mầm non giảm sút rất nhanh. Vì vậy, 55 tuổi trở đi, giáo viên mầm non sẽ không đủ sức khỏe để đảm bảo các thao tác chuyên môn như: múa, hát, hướng dẫn các hoạt động thể lực, chạy, nhảy..., nguy cơ mất an toàn là điều có thể xảy ra”, ông Ân nói.
Bà Cù Thị Thủy, Phó Vụ trưởng Vụ Mầm non (Bộ GD&ĐT), cho rằng, yêu cầu công việc đối với giáo viên mầm non ngày càng cao. “Trước đây, chúng ta hay nghe câu hát “cô là mẹ và các cháu là con”, thì tới đây cô sẽ là... bà.
Ngoài công việc áp lực, nhiều cô giáo cũng có những tâm tư, không có thời gian giảng dạy các cháu, điều kiện lo chuyện riêng tư...”, bà Thủy nói. Năm 2018, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM nghiên cứu về bệnh nghề nghiệp trên 379 giáo viên mầm non, kết quả gần 34% bị khó thở, đau tức ngực; 30% ho khan tiếng; gần 69% stress nghề nghiệp, 49% giảm thị lực...
Trao quyền cho người lao động
Tại hội thảo, bà Trịnh Thanh Hằng, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trưởng ban Nữ công Tổng Liên đoàn đề nghị, bổ sung đối tượng giáo viên mầm non được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn vì đây là một nghề mang tính đặc thù, đòi hỏi năng lực sư phạm riêng biệt.
Cụ thể, giáo viên mầm non phải có khả năng múa, hát, đọc, kể chuyện diễn cảm, hiểu tâm lý từng trẻ. Công việc của họ chịu nhiều áp lực do vừa phải đảm bảo chất lượng giáo dục, vừa phải đảm bảo sức khỏe, tinh thần, an toàn cho trẻ (nhiều khi phải phản ứng thật nhanh trong những tình huống trẻ nghịch ngợm, sặc do ăn uống, ngã đập…).
Số giờ làm việc thực tế của giáo viên mầm non thường phải vượt quá quy định (thường phải làm từ 9-10h/ngày) do phải đến sớm đón trẻ và về muộn vì phải trả hết trẻ mà hầu như không được tính thêm lương… Bà Hằng đề nghị, bổ sung nhóm giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu sớm so với quy định, 57 tuổi với nam và 55 với nữ.
Bà Hằng đề xuất, quy định nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nên theo hướng trao quyền cho người lao động. Nghĩa là nếu họ có nguyện vọng tiếp tục làm việc và sức khỏe vẫn đảm bảo, đơn vị có nhu cầu thì có thể tiếp tục làm việc đến tuổi nghỉ hưu như người lao động trong điều kiện bình thường.
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, một chuyên gia về lao động, nhìn nhận, cần có chính sách khuyến khích những người muốn nghỉ hưu ở tuổi cao hơn. Bởi “họ ở lại làm thêm thì cống hiến được nhiều hơn, họ đóng bảo hiểm nhiều hơn nên khi nghỉ hưu cần phải có chính sách thưởng tỷ lệ phần trăm dù rất nhỏ vào tiền lương hưu”, bà nói.
Theo quy định của Bộ luật Lao động, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi với nam vào năm 2028 và đủ 60 với nữ vào năm 2035. Tuy nhiên, người lao động nặng nhọc, độc hại ở vùng đặc biệt khó khăn hay trong điều kiện đặc biệt độc hại, nặng nhọc được quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 năm. Như vậy, nếu được bổ sung vào danh mục này, giáo viên mầm non có thể nghỉ hưu ở tuổi 57 với nam và 55 đối với nữ. Hiện cả nước có khoảng 3 triệu lao động đang làm việc trong 1.800 ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Tiền Phong