MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gilimex ngược dòng ngành dệt may, giá cổ phiếu gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng

Mirae Asset cho rằng từ năm 2021, Gilimex có thể ghi nhận doanh thu từ mảng khu công nghiệp, kỳ vọng khoảng 244 tỷ đồng, tương ứng 30 ha cho thuê với mức giá thuê giả định đạt 35 USD/m2.

Lãi 9 tháng gấp đôi cùng kỳ bất chấp Covid-19

Ngành dệt may bị thiệt hại nặng nề khi chịu ảnh hưởng kép từ dịch Covid-19. Nguồn nguyên vật liệu gián đoạn khi dịch bùng phát ở Trung Quốc và thiếu hụt đơn hàng khi dịch lan sang các thị trường xuất khẩu chủ lực như Mỹ, châu Âu, châu Á.

Nhiều doanh nghiệp lớn như May Sông Hồng (HoSE: MSH), Việt Tiến ( UPCoM: VGG ), Dệt may TNG ( HNX: TNG ), Vinatex ( UPCoM: VTG )… ghi nhận lợi nhuận giảm từ 20% đến 70% trong 9 tháng qua. Dệt may Thành Công ( HoSE: TCM ) cũng không tránh khỏi suy giảm lợi nhuận trong quý I, sang đến quý II và III tăng trưởng trở lại nhờ linh hoạt chuyển cơ cấu sang mặt hàng khẩu trang và đồ bảo hộ y tế đi Mỹ.

Tuy nhiên, riêng CTCP Sản xuất kinh doanh XNK Bình Thạnh - Gilimex (HoSE: GIL) báo cáo tăng trưởng lợi nhuận ở cả 3 quý bất chấp tác động của dịch Covid-19. So với cùng kỳ năm trước, Gilimex ghi nhận lợi nhuận sau thuế tăng 34,4% so với cùng kỳ năm trước trong quý I, gấp đôi trong quý II và gấp 3 lần quý III. Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần doanh nghiệp đạt 2.546 tỷ đồng, tăng 45%; lãi sau thuế 189,5 tỷ đồng, gấp đôi 9 tháng 2019.

Gilimex ngược dòng ngành dệt may, giá cổ phiếu gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng - Ảnh 1.

Đơn vị: tỷ đồng

Doanh thu tăng, biên lợi nhuận cải thiện mạnh từ 14,5% lên 27,5% và doanh thu tài chính tăng 55% đạt 44 tỷ đồng (nhờ lãi chênh lệch tỷ giá thực hiện) là yếu tố thúc đẩy lợi nhuận Gilimex trong 9 tháng.

Doanh nghiệp lý giải doanh thu tăng do thay đổi cơ cấu mặt hàng xuất bán nhưng không thuyết minh rõ.

Gilimex sản xuất đa dạng các mặt hàng dệt may như sản phẩm trong gia đình, túi xách, balo, đồ dùng ngoài trời, quần áo. Sản phẩm của công ty chủ yếu được xuất khẩu với thị trường chính là châu Âu và Mỹ. Doanh thu xuất khẩu tăng từ 40,5 triệu USD năm 2014 lên 100,9 triệu USD năm 2019, tỷ lệ đóng góp trong doanh thu thuần vào khoảng 85-99%.

Gilimex ngược dòng ngành dệt may, giá cổ phiếu gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng - Ảnh 2.

Đơn vị: tỷ đồng


Theo Chứng khoán Mirae Asset, 2 đối tác lớn của Gilimex là Amazon và Ikea, những đơn vị tài chính mạnh và hoạt động kinh doanh ổn định với hướng kinh doanh online chủ đạo trong thời qua. Đây là điều giúp Gilimex tránh được áp lực từ dịch Covid-19 trong năm 2020 và ngược dòng ngành dệt may. Năm 2021, doanh nghiệp dệt may kỳ vọng duy trì nhịp tăng trưởng mảng xuất khẩu sản phẩm dệt may truyền thống nhờ tăng trưởng từ mảng online.

Kết quả kinh doanh tăng trưởng đã thúc đẩy giá cổ phiếu GIL bứt phá từ vùng giá 15.000 đồng thời điểm cuối tháng 7 lên 37.000 đồng như hiện nay, gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng.

Gilimex ngược dòng ngành dệt may, giá cổ phiếu gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng - Ảnh 3.

Nguồn: VNDirect


Đầu tư khu công nghiệp, kỳ vọng có nguồn thu từ 2021

Gilimex có 36 dây chuyền may ở 2 nhà máy Bình Thạnh (TP HCM) và Thạnh Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu) tập trung vào lĩnh vực hàng gia dụng, trong đó nhà máy Bình Thạnh tập trung những mặt hàng có giá trị cao và là trung tâm nghiên cứu phát triển sản phẩm mới. Ngoài ra, Gilimex có hệ thống gia công 36 dây chuyền khác. Mục tiêu là phát triển hệ thống dây chuyền may nội bộ lên 37 trong năm 2020 và tăng số lượng dây chuyền gia công bên ngoài lên mức 58.

Doanh nghiệp có kế hoạch xây dựng các chuyền may mới, mở rộng sản xuất lĩnh may mặc, may gia dụng tại những vùng có chi phí lao động cạnh tranh như vùng 3 và vùng 4; mua lại các nhà máy cùng ngành nghề với ngân sách khoảng 250-300 tỷ đồng.

Ngoài ra, Gilimex có kế hoạch đầu tư phát triển 2 khu công nghiệp tại miền Trung, phát triển quỹ đất để lập chuỗi khách sạch phục vụ khu công nghiệp trong nước tại các khu vực trọng điểm như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Ninh, Hải Phòng và TP HCM. Đây là mảng kinh doanh kỳ vọng đem lại giá trị bền vững và lâu dài cho doanh nghiệp trong giai đoạn 2020-2030.

Vào cuối năm 2019, doanh nghiệp đã lấy ý kiến cổ đông về phương án đầu tư dự án khu công nghiệp Phú Bài 4 (Huế) với vốn góp 255 tỷ đồng, chiếm 51% vốn Công ty Khu công nghiệp Gilimex (chủ đầu tư dự án).

Tổng quy mô khu đất nghiên cứu đầu tư khoảng 507 ha, tổng mức đầu tư 3.000 tỷ đồng. Gilimex dự kiến đầu tư khu công nghiệp Phú Bài 4 thành khu công nghiệp xanh, sạch, công nghệ tiên tiến đạt tiêu chuẩn Singapore.

Cập nhật tiến độ tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên vào tháng 6, lãnh đạo Gilimex cho biết đang xin chủ trương đầu tư. Vào đầu tháng 10, Bộ Xây dựng đã phản hồi Ban quản lý Khu kinh tế công nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế liên quan đề xuất đầu tư dự án Khu công nghiệp Gilimex rằng hồ sơ được lập cơ bản đầy đủ, đề xuất đầu tư phù hợp quy hoạch xây dựng được phê duyệt.

Gilimex ngược dòng ngành dệt may, giá cổ phiếu gấp đôi trong vòng hơn 3 tháng - Ảnh 4.

Nguồn: Báo Tài nguyên và Môi trường


Bên cạnh đó, đơn vị cũng đầu tư vào Công ty Bất động sản Hưng Khang và Công ty Đầu tư và Phát triển Hoàng An – sở hữu 2 khu đất ở Bình Dương nằm sát khu công nghiệp để tạo cơ sở cho mục tiêu phát triển chuỗi khách sạn 3-4 sao.

Mirae Asset cho rằng từ năm 2021, Gilimex có thể ghi nhận doanh thu từ mảng khu công nghiệp, kỳ vọng khoảng 244 tỷ đồng, tương ứng 30 ha cho thuê với mức giá thuê giả định đạt 35 USD/m2.

Tính đến 30/9, doanh nghiệp có 2.997 tỷ đồng tổng tài sản, tăng 58% so với thời điểm đầu năm; riêng tiền và các khoản tương đương tiền đạt 670 tỷ đồng, tăng 71% và đầu tư tài chính ngắn hạn 355 tỷ đồng, gấp 8 lần đầu năm. Tuy nhiên, khoản phải thu ngắn hạn cũng tăng mạnh từ 382 tỷ đồng lên 976 tỷ đồng, tăng chủ yếu trong trả trước người bán ngắn hạn.

Doanh nghiệp dệt may không vay nợ dài hạn và có khoản vay ngắn hạn 735 tỷ đồng, tăng 27%. Trong năm, Gilimex đã thực hiện chào bán thành công 12 triệu cổ phiếu với giá 15.000 đồng/cp thu về 180 tỷ đồng.

Theo Ngọc Điểm

NDH

Trở lên trên