Giới họa sĩ hoảng sợ vì thất nghiệp: Từng kiếm được 1.000 USD cho 1 hình quảng cáo, giờ chi được trả 10 USD để sửa sản phẩm do AI tạo ra
Nghề họa sĩ thất nghiệp vì AI.
- 02-01-2023Hé lộ điều khoản kỳ lạ trong hợp đồng của Cristiano Ronaldo với Al Nassr
- 05-08-2022Hai tên lửa "xóa sổ” trùm khủng bố khét tiếng al-Qaeda: Tình báo Mỹ xuất sắc như thế nào?
- 13-09-2021Thủ lĩnh bị đồn đã chết của al-Qaeda bất ngờ lên tiếng đúng dịp kỷ niệm 20 năm vụ khủng bố 11/9
Tờ Rest of World cho biết họa sĩ Amber Yu từng kiếm được 3.000-7.000 Nhân dân tệ, tương đương 430-1.000 USD cho mỗi hình minh họa quảng cáo trò chơi điện tử mà cô vẽ.
Nhiệm vụ của người họa sĩ này là vẽ hình, tạo các áp phích quảng cáo, đăng lên mạng xã hội để thu hút người chơi và giới thiệu những tính năng mới. Chúng cần kỹ năng và thời gian, đôi khi lên đến cả tuần trời để hoàn thành công việc.
Thế nhưng kể từ tháng 2/2023, những công việc kiểu này đã biến mất hoàn toàn khi với công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI), các hãng trò chơi điện tử có thể tạo ra hình minh họa chỉ trong vài giây.
Giờ đây cô Yu chỉ còn được giao những nhiệm vụ chỉnh sửa nhỏ như ánh sáng hay các phần cơ thể bị lệch sau khi AI hoàn thành bản vẽ, với mức giá chỉ còn bằng 1/10 so với trước đây.
Trường hợp của cô Yu không phải cá biệt khi những ứng dụng như DALL-E 2, Midjourney và Stable Diffusion ra mắt năm 2022 đã cho phép các công ty tạo nên những bức hình gần như hoàn hảo chỉ bằng những lời mô tả thông qua văn bản.
Trong vài tháng qua, những hãng trò chơi điện tử từ những ông lớn như Tencent cho đến các nhà phát triển độc lập đã dùng AI để tạo nhân vật, phông nền hay tài liệu quảng cáo thay cho nhân lực cũ truyền thống.
Hệ quả tất yếu là sự trỗi dậy của AI đã khiến nhiều họa sĩ, nhân viên thiết kế ngành game cực độ lo lắng. Vốn dĩ nghệ thuật đóng vai trò rất quan trọng trong mảng thiết kế trò chơi nhưng với sự hoàn thiện ngày càng tốt của AI, rất nhiều họa sĩ hay nhà thiết kế mỹ thuật lo lắng họ sẽ không giữ được công việc của mình.Thậm chí nhiều người còn nói đùa rằng có lẽ mình sẽ phải chuyển nghề bán hủ tiếu dạo trên phố.
Mất “bát cơm” và những thuật toán đáng khinh
“AI đang phát triển với tốc độ vượt ngoài sức tưởng tượng của chúng tôi”, họa sĩ Xu Yingying tại một studio làm trò chơi điện tử tại Chongqing than thở với Rest of World.
Studio của Xu chuyên thiết kế cho các trò chơi điện tử tại Trung Quốc nhưng từ đầu năm đến nay, họ đã phải sa thải 5/15 họa sĩ của mình và nguyên nhân chính là vì AI.
“Với AI, hiện chỉ cần 2 người là làm được công việc của 10 họa sĩ rồi”, cô Xu than thở.
Trong khi đó, các tập đoàn phát triển game lớn như Tencet hay NetEase đang nghiên cứu để sa thải nhân lực, tiết kiệm chi phí nhờ AI. Người phát ngôn của NetEase thừa nhận họ đã áp dụng các công nghệ AI để hỗ trợ việc làm game.
Theo Rest of World, sự thất sủng này cùng với khả năng mất “bát cơm” đã khiến nhiều họa sĩ thất vọng đến mức từ bỏ hoàn toàn nghề vẽ.
“Nghề kiếm sống của chúng tôi đột nhiên bị đạp đổ”, một nghệ sĩ giấu tên nói với Rest of World.
“Thật đáng khinh khi những thuật toán dần thay thế những nghệ sĩ”, cô Yu đồng quan điểm.
Mặc dù vậy, cô Yu vẫn phải cố học cách sử dụng những công nghệ AI để hoàn thiện khả năng thiết kế của mình.
“Nếu tôi là một họa sĩ nổi tiếng thì có lẽ đã tẩy chay công nghệ này, nhưng tôi cũng cần phải kiếm sống nữa”, cô Yu nghẹn ngào.
Cạnh tranh để sinh tồn
Hiện ngày càng nhiều doanh nghiệp khuyến khích các họa sĩ sử dụng AI để hoàn thiện công việc và tăng năng suất.
Một họa sĩ game ở Guangdong nói với Rest of World rằng bình thường họ sẽ phải mất 1 ngày để vẽ một cảnh hoặc một nhân vật thì nay với sự trợ giúp của AI, nhân viên có thể làm được đến 40 cảnh cho các ông chủ, khách hàng tha hồ lựa chọn.
Thế nhưng chính điều này lại khiến áp lực cạnh tranh gia tăng bởi các họa sĩ đều lo sợ mình bị đuổi việc khi năng suất đột nhiên được tăng cao. Mọi người bắt đầu ở lại vẽ muộn hơn, làm năng suất hơn để cạnh tranh lẫn nhau.
“Tôi ước gì có thể xóa bỏ được các chương trình AI này. Dù chúng khiến mọi người làm việc hiệu quả hơn nhưng cũng mệt mỏi hơn”, vị nghệ sĩ giấu tên nói với Rest of World sau khi đi làm muộn vì thức đêm để vẽ.
Ngành game tại Trung Quốc đã có thời kỳ đóng băng năm 2021 khi chính phủ đóng băng giấy phép nhiều tựa game nhằm thực hiện chiến dịch cai nghiện trò chơi điện tử cho thanh thiếu niên.
Mặc dù gần đây chính phủ đã nới lỏng nhưng theo nhà tuyển dụng Leo Li của ngành game tại Hangzhou, lượng việc làm tuyển dụng của nghề họa sĩ trò chơi điện tử vẫn giảm 70% so với năm ngoái. Nguyên nhân chính không chỉ vì giảm tốc tăng trưởng kinh tế mà còn do sự phát triển của AI.
“Các ông chủ cho rằng với AI, họ có lẽ không cần quá nhiều họa sĩ như trước”, anh Li nói.
“Xác sống” của nghệ thuật
Câu chuyện AI vẫn đang là vấn đề gây tranh cãi lớn trong làng nghệ thuật. Rất nhiều họa sĩ cho rằng chúng là những “xác sống” tạo nên các tác phẩm không có hồn, chỉ biết đi ăn cắp ý tưởng trên Internet mà không có sự đồng ý của người sáng tạo.
Trong khi đó, ý kiến của người dùng thì khác nhau. Một số không quan tâm đến việc trò chơi có được tạo ra bằng AI hay không miễn nó vận hành trơn tru, số khác thì cho rằng không muốn trả nhiều tiền cho một game tạo bởi công nghệ này vì chi phí của chúng chắc chắn rẻ hơn so với thuê họa sĩ.
Trước tình hình này, nhiều công ty phát triển game cũng khá dè dặt, hạn chế việc tuyên dương công nghệ mới nhằm tránh vướng vào các cuộc tranh cãi. Phần lớn các ông chủ hiện nay mới chỉ dừng ở việc khuyến khích họa sĩ dùng AI để tăng sản lượng.
Trong khi đó, phó giáo sư Jeffrey Ding của trường đại học George Washington, người chuyên nghiên cứu AI tại Trung Quốc nhận định công nghệ mới này có thể loại bỏ nhiều ngành nghề, nhất là những công việc văn phòng, nhưng cũng tạo nên các cơ hội việc làm mới.
“Sự thật là AI sẽ thay thế rất nhiều công việc chứ không riêng gì nghề họa sĩ, thậm chí cả nghề luật sư hay viết lách cũng có nguy cơ biến mất”, ông Ding cảnh báo.
Hiện chính phủ Trung Quốc đang tiến hành các bước nhằm chế tài mảng công nghệ mới này.
Tháng 1/2023, cơ quan giám sát Internet của Trung Quốc đã ban hành quy định mới yêu cầu những nội dung do AI tạo ra phải dán nhãn để tránh gây nhầm lẫn cho công chúng.
Đến tháng 4/2023, một dự thảo luật mới đã được ban hành yêu cầu các nội dung do AI xây dựng sẽ phải tôn trọng bản quyền dù chưa nói rõ chi tiết.
Bất chấp điều đó, nhà phát triển trò chơi độc lập Xiao Di nhận định sự lo lắng của các họa sĩ bị mất việc vì AI sẽ nhanh chóng lan sang cả những ngành nghề khác.
“Bất kỳ cuộc cách mạng công nghệ nào cũng sẽ để lại những nạn nhân chịu tổn thương. Ứng dụng AI trong mảng vẽ hình mới chỉ là bắt đầu, tiếp đó có thể là mảng lập trình hoặc thậm chí dịch vụ khách hàng trong tương lai gần”, anh Xiao nhận định.
*Nguồn: Rest of World
Nhịp sống thị trường