MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giới nhà giàu Hồng Kông lập tài khoản ở nước ngoài, lên kế hoạch tẩu tán tài sản phòng ngừa bất ổn leo thang

22-11-2019 - 12:40 PM | Tài chính quốc tế

"Chúng tôi đã nhìn thấy các khách hàng mở thêm tài khoản ở Singapore, Malaysia và Đài Loan", CEO Bill Winters của Standard Chartered nói. "Tuy nhiên mặc dù họ đã lập tài khoản, không có nhiều tiền được chuyển đi".

Theo các lãnh đạo ngân hàng cấp cao, giới nhà giàu Hồng Kông đang mở ngày càng nhiều tài khoản ở hải ngoại để đảm bảo chắc chắn rằng họ sẽ có 1 con đường "tẩu thoát" cho số tài sản của mình nếu như tình hình bất ổn ở thành phố tiếp tục xấu đi.

Trao đổi với phóng viên Bloomberg tại diễn đàn New Economy Forum tại Bắc Kinh, các lãnh đạo của UBS, Credit Suisse và Standard Chartered cho biết cho đến nay thì vẫn chưa có động thái rõ rệt. Tuy nhiên CEO David Solomon của Goldman Sachs cho rằng giới chức Hồng Kông nên giải quyết tình hình hiện nay càng sớm càng tốt.

Nền kinh tế Hồng Kông đang có nhiều dấu hiệu bất ổn, với các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng và khách sạn phải giảm lương hoặc sa thải nhân viên để có thể sống sót trong bối cảnh ngành du lịch trượt dốc thảm hại. Nỗi lo ngại ngày càng tăng lên về việc căng thẳng kéo dài sẽ làm suy yếu ngành tài chính của thành phố – khu vực đóng góp tới 20% GDP.

"Chúng tôi đã nhìn thấy các khách hàng mở thêm tài khoản ở Singapore, Malaysia và Đài Loan", CEO Bill Winters của Standard Chartered nói. "Tuy nhiên mặc dù họ đã lập tài khoản, không có nhiều tiền được chuyển đi".

Singapore vẫn được cho là được hưởng lợi trực tiếp từ tình hình căng thẳng ở Hồng Kông, với một số ngân hàng và công ty quản lý tài sản cho biết đã nhận được ngày càng nhiều yêu cầu của khách hàng muốn chuyển tiền sang Singapore .

Tương tự, CEO Sergio Ermotti của UBS cũng nói rằng các khách hàng của ngân hàng Thụy Sĩ đang "kích hoạt những kế hoạch dự phòng khẩn cấp". "Chuyện nhà đầu tư đa dạng hóa danh mục để phòng ngừa rủi ro địa chính trị không có gì là mới mẻ", ông nói.

CEO Tidjane Thiam của Credit Suisse cho biết mọi người đều đang trong trạng thái quan sát và chờ đợi, chưa xuất hiện dòng vốn lớn bị rút ra và khách hàng cũng chưa có động thái gì đặc biệt. Từ vài tháng trước, khách hàng của DBS đã bắt đầu mở tài khoản mới, theo chia sẻ của CEO.

Những ngày này khá khó khăn đối với các nhân viên ngân hàng ở Hồng Kông khi các cuộc biểu tình khiến đường phố trở nên lộn xộn. Tuần trước, một nhân viên ngân hàng đầu tư của Citigroup đã bị cảnh sát bắt giữ trong khi nhân viên của JPMorgan Chase bị đánh ở ngay bên ngoài văn phòng. Không khí căng thẳng vì những bất đồng quan điểm liên quan đến biểu tình còn lan tới cả các mối quan hệ tại nơi làm việc.

Theo Winters, tại Standard Chartered, chỉ thị được đưa ra rất rõ ràng: "hãy để quan điểm chính trị của bạn ở nhà bởi đơn giản đây là nơi để làm việc".

CEO của Goldman cho rằng đến nay vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Hồng Kông sẽ mất đi vị thế trung tâm tài chính hàng đầu thế giới. "Hồng Kông rất quan trọng đối với khu vực châu Á Thái Bình Dương. Tôi nghĩ Trung Quốc nhận thức được điều đó, phần còn lại của thế giới cũng nhận thức được vì thế cần phải tìm ra được giải pháp ngay trong ngắn hạn", ông nói.

Tham khảo Bloomberg


An Nguyên

Trở lên trên