Giới trẻ Trung Quốc bất ngờ chen chúc trong các nhà hàng '3,5 sao' - Vì sao có "sự phản công thầm lặng"?
Bài viết với được Jimu News (Trung Quốc) đăng tải cho thấy một xu hướng thông minh của giới trẻ nước này.
- 30-11-2023Xuất hiện xu hướng tiết kiệm tiền theo kiểu 'giả vờ' trong giới trẻ Trung Quốc
- 11-11-2023Trò chơi mang thai ảo tiết kiệm tiền bùng nổ trong giới trẻ Trung Quốc
- 29-10-2023Giới trẻ đổ xô chơi chứng khoán theo lời khuyên trong "room vip", nền kinh tế hàng đầu thế giới vội vã ra tay trấn áp các bậc thầy đầu tư trên mạng
Giới trẻ Trung Quốc bất ngờ chen chúc trong các nhà hàng '3,5 sao'
Trước khi đi ăn hàng, việc mở các nền tảng đánh giá (review) ăn uống để kiểm tra về nhà hàng mình sắp tới đã trở thành phong cách sống của giới trẻ Trung Quốc.
Tuy nhiên gần đây đã xuất hiện các chủ đề gây tranh cãi lớn trên mạng xã hội Weibo của nước này đó là "nhà hàng xếp hạng thấp có thể ngon hơn" và "Giới trẻ đang trả đũa bằng cách tràn ngập các nhà hàng '3,5 sao'".
Thậm chí bài báo của China News Service vào ngày 9/1 với nội dung "một số nhà hàng có điểm trung bình và thấp nhưng kinh doanh nhiều năm và tạo dựng được danh tiếng đã trở thành "địa chỉ ưa thích mới" của dân mạng" đã thu hút được 220 triệu lượt đọc.
3,5 sao là từ ám chỉ những nhà hàng được đánh giá là trung bình trong hệ thống xếp hạng 5 sao của các nền tảng đánh giá ăn uống.
Nói chung từ trước tới nay việc các nhà hàng có điểm cao trên các nền tảng đánh giá ăn uống sẽ tốt hơn điểm thấp.
Trên các nền tảng "seeding" này (chiến lược tiếp thị trực tuyến thông qua các nội dung đến các nhóm cộng đồng), xếp hạng cao của người bán và sản phẩm của họ thể hiện chất lượng và dịch vụ tốt hơn, đồng thời trải nghiệm của khách hàng thoải mái hơn và có xu hướng nhận được nhiều sự ưu ái hơn từ khách hàng.
Tuy nhiên, hiện nay đang có một làn sóng lớn khách hàng Trung Quốc không còn chỉ nhìn vào xếp hạng để “luận anh hùng” mà đã chuyển sang cố tình né tránh những nhà hàng có điểm cao mà tìm đến những nơi có xếp hạng trung bình.
Lý do họ đưa ra là hành động này nhằm thoát khỏi hiện tượng "đánh giá tích cực giả".
"Sự phản công thầm lặng"
Trong bối cảnh các khách hàng Trung Quốc ngày càng chú ý đến các đánh giá trực tuyến - để đạt được điểm cao trên các nền tảng đánh giá - nhiều nhà hàng sẽ cố gắng thu hút cảm tình của khách hàng bằng cách tặng các món ăn, quà tặng, giảm giá...
Nếu trong quá trình thưởng thức món ăn, cảm nhận của khách hàng không quá tốt thì sau khi nhận được sự "dỗ dành" kể trên - xuất phát từ tâm lý thông thường - họ sẽ đưa ra các đánh giá 5 sao cùng các lời khen ngợi.
Ngược lại các quán ăn cũ trên phố và trong các khu dân cư đã mở nhiều năm và chủ yếu dựa vào chất lượng sản phẩm, phục vụ tốt và khách quen - vì hoạt động nhỏ nên không đầu tư vào việc duy trì xếp hạng và tiếp thị - sẽ dẫn đến điểm số không cao.
Dù không cao nhưng do đồ ăn có hương vị đích thực, giá cả hợp lý và dịch vụ thân thiện sẽ tạo ra tâm lý vui vẻ cho khách hàng và các đánh giá của họ cũng sẽ không quá thấp.
Theo kinh nghiệm "check-in" được dân mạng Trung Quốc tổng hợp thì nhà hàng đã kinh doanh trên 5 năm với từ 3,7 đến 4,2 điểm sẽ "an toàn" hơn nhà hàng có điểm 4,5 nhưng mới mở gần đây.
Người ta thường nói "Để hiểu suy nghĩ thực sự của một người, đừng nghe những gì anh ta nói, hãy nhìn những gì anh ta làm", có thể nói xu hướng tiêu dùng hiện đại ở Trung Quốc cũng vậy.
Đằng sau cơn sốt nói trên là sự phản công thầm lặng của giới trẻ trước những đánh giá không trung thực và cho thấy khách hàng đang dần trưởng thành và lý trí hơn.
Việc có thể sử dụng tiền để tác động tới xếp hạng trên các nền tảng đồng nghĩa với việc hệ thống đó đã mất đi thứ giá trị nhất - tính xác thực và khách quan.
Và khi bước vào một nhà hàng có điểm cao nhưng không có được trải nghiệm cao tương ứng, người ta sẽ tự tạo ra bộ quy tắc "phân tích dữ liệu" phù hợp hơn với mình và phản ánh thực tế hơn.
Đời sống & pháp luật