Giữ nhịp thị trường tín dụng cuối năm
Kiểm soát tín dụng hợp lý, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh không chỉ tốt cho năm nay mà còn cho cả năm 2017.
- 31-10-201680% vốn tín dụng được đưa vào sản xuất kinh doanh
- 29-10-2016Tăng trưởng tín dụng chưa đạt mục tiêu
- 29-10-2016Dịch vụ cho vay nóng từ thẻ tín dụng ngang nhiên hoạt động
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10, một trong những nhiệm vụ được Chính phủ giao là cần đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng để tăng trưởng tiêu dùng, tăng trưởng sản xuất; Thực hiện các biện pháp có hiệu quả giảm lãi suất, nhất là lãi suất vay.
Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng; theo dõi sát diễn biến nợ xấu, có giải pháp kiềm chế nợ xấu mới phát sinh, bảo đảm ổn định tỷ giá và thanh khoản của hệ thống NH, đặc biệt là dịp cuối năm. Những lưu ý này được đưa ra khi chỉ còn chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm tài khóa, để ngành NH đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% (10 tháng chúng ta mới đạt 11,81%).
Tuy nhiên, đã có những ý kiến cho rằng, không quá lo lắng với mục tiêu này bởi thông thường thì 2 tháng cuối năm, nguồn vốn NH “chảy” ra nền kinh tế rất mạnh. “Nhưng cũng có thể thấy diễn biến của tín dụng thì không phải năm nào cũng giống nhau, mà còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác như sự hấp thụ nền kinh tế, xu thế tiêu dùng, phát triển của các ngành sản xuất…” – một chuyên gia chia sẻ và cho rằng, năm nay tín dụng tăng trưởng ngay từ đầu năm, nhưng lại không theo chiều hướng tháng sau tăng mạnh hơn tháng trước như nhiều năm trước.
Ở góc độ NHTM, ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB cho rằng, diễn biến tín dụng năm nay là hết sức bình thường. Theo ông Tùng, quan sát kỹ cho thấy, tín dụng 10 tháng đầu năm thì chỉ có tháng 6 tăng cao hơn một chút còn các tháng còn lại thì tăng đều và khó có thể nói tín dụng chững lại. Việc tháng 6 – thời điểm giữa năm tín dụng tăng có thể do nhiều DN vay vốn để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm. Và tùy sự phục hồi nền kinh tế, cầu tín dụng sẽ thay đổi vào những tháng cuối năm.
Nhìn lại thời gian qua, thông thường con số định hướng tăng trưởng tín dụng thường được NHNN đưa ra sau khi Quốc hội chốt con số tăng trưởng kinh tế và mục tiêu lạm phát của năm. Bên cạnh đó, những dự báo thống kê của ngành NH về khả năng hấp thụ của nền kinh tế cũng là cơ sở để NH định hướng tín dụng cho nền kinh tế.
Trong vài ba năm trở lại đây, con số định hướng tăng trưởng tín dụng thường rất sát với thực tế, cho thấy công tác dự báo của NHNN khá tốt. Nhưng năm nay, tín dụng có thể không tăng ồ ạt vào quý cuối năm như vài năm trước, song cũng phần nào phản ánh đúng nền kinh tế và thị trường tiền tệ. Ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng, nền kinh tế khó khăn nên nhiều DN vẫn khó khăn, những DN trụ lại phát triển cũng không nhiều.
Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng có tăng lên là do số DN tăng lên, số DN vay vốn tăng lên, và một phần từ những DN làm ăn kinh doanh tốt, qua được giai đoạn khó khăn nên giờ muốn vay vốn mở rộng sản xuất tăng doanh thu… “Như vậy có thể nói rằng, tín dụng cũng phụ thuộc vào số lượng DN mới, rồi nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế” - ông Tùng nhấn mạnh.
Dè chừng lạm phát
Lãnh đạo một NHTM cho biết, có thể nhận thấy là năm nay huy động vốn rất tốt, thậm chí có thời điểm NH giảm lãi suất ở các kỳ hạn từ 1-3 tháng nhưng nguồn tiền gửi vẫn chạy vào NH, trong khi đầu ra gặp khó nên có hiện tượng NH thừa tiền, thanh khoản dồi dào. Đã có nhiều NH hạ lãi suất huy động và sau đó một số NH giảm lãi suất cho vay để kích thích tăng trưởng tín dụng.
Điều đó cũng cho thấy nền kinh tế chưa thực sự khởi sắc, sản xuất kinh doanh của DN chưa phục hồi thực sự, nên đương nhiên sẽ có tác động đến nhu cầu vốn. Có thể đã có những nhận định GDP thấp chủ yếu do tăng trưởng xuất khẩu thấp, nông nghiệp âm và giá dầu thế giới giảm… nhưng ít nhiều cũng tác động tới sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo PGS – TS. Trần Hoàng Ngân - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội, hồi đầu năm mục tiêu GDP của chúng ta đặt ra là phải đạt được 6,7%, nhưng nay nhiều dự báo chỉ tiêu này chỉ đạt từ 6,3 - 6,5% nên dư nợ tín dụng cũng “thích ứng” với GDP. Đồng thời lĩnh vực sản xuất nông nghiệp và một số lĩnh vực như công nghiệp khai khoáng còn những hạn chế cũng làm khả năng hấp thụ vốn kém.
Bên cạnh đó, lĩnh vực cho vay bất động sản vừa qua có nhiều ý kiến đề nghị đã đến lúc phải kiểm soát tín dụng nên đã tác động tới tín dụng không tăng mạnh vào cuối năm như những năm trước đây. “Đó là điều tốt vì nó thể hiện được yếu tố về năng suất, chất lượng sản xuất, chất lượng tín dụng thay vì chạy theo số lượng tín dụng” – ông Ngân chia sẻ. Đặc biệt, trước chỉ đạo của Chính phủ đối với ngành NH là phải đảm bảo chất lượng tín dụng và thanh khoản dịp cuối năm thì việc tăng trưởng tín dụng có kiểm soát và tăng đều sẽ hợp lý.
Cũng có ý kiến chuyên gia bày tỏ, không nhất thiết phải đạt mục tiêu tín dụng bằng mọi giá mà quan trọng nguồn vốn chảy vào lĩnh vực ưu tiên, hiệu quả. Tuy vậy, sự kỳ vọng mức tăng tín dụng của quý IV là rất lớn. Chẳng hạn như năm 2013, chỉ trong quý IV tín dụng đã tăng gần 4%, năm 2014 cũng tăng quanh mức 5% để đạt mục tiêu định hướng về tín dụng. Và nếu năm nay tín dụng cũng tăng khoảng 5% trong quý cuối cùng thì cũng sát với mục tiêu đặt ra từ đầu năm.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là lạm phát đang có dấu hiệu tăng trở lại sau khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 10/2016 tăng 0,83% so với tháng trước và tăng 4,09% so với cùng kỳ năm 2015, tiến gần tới mức lạm phát 5% mà Quốc hội đề ra cho năm nay. Mà nhiệm vụ Chính phủ đặt ra phải tính toán vấn đề này để kiểm soát, ổn định kinh tế vĩ mô. Giữ chỉ số này không vượt quá chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra.
Chính vì vậy, kiểm soát tín dụng hợp lý, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh không chỉ tốt cho năm nay mà còn cho cả năm 2017.
Thời báo Ngân hàng