Giúp con từ đứa trẻ bại não trở thành Thạc sĩ Harvard, người mẹ giáo viên có 3 cách nuôi dạy khéo léo!
Bỏ qua lời đàm tiếu của xã hội, bà Zuo Hongyan luôn nỗ lực giáo dục và đồng hành cùng con trai vượt qua bệnh bại não, thi đỗ vào ngôi trường đại học Harvard danh giá.
- 26-10-2023Ước mơ trở thành bác sĩ của cô sinh viên bại não
- 08-09-2023Nỗ lực phi thường, nam sinh bại não thi đỗ vào trường Đại học Thanh Hoa với số điểm "khủng"
- 06-12-2022Bà mẹ đơn thân dạy con bại não vào ĐH Harvard bằng những phương pháp độc đáo
Ding Ding từng là một đứa trẻ bị bệnh bại não, nhưng với tình yêu thương vô bờ và sự giáo dục nghiêm khắc của mẹ mà anh trưởng thành từng ngày và trở nên ưu tú. Anh sở hữu nhiều thành tích học tập đáng ngưỡng mộ, thi đỗ đại học với số điểm 660/750.
Ding Ding theo học tại Đại học Bắc Kinh, và sau này anh tốt nghiệp Thạc sĩ Luật "kép" tại Đại học Bắc Kinh và Đại học Harvard danh giá của thế giới.
Đối với Ding Ding, tình yêu thương và sự dạy dỗ khắt khe của mẹ đã giúp anh thay đổi cuộc đời, vượt lên số phận éo le. Còn đối với mẹ của Ding Ding là bà Zou Hongyan, bà luôn nuôi dạy con trai theo cách bình thường, không cho rằng con khác biệt, chẳng qua là con chậm hơn một chút so với những đứa trẻ khác.
Bà Zou Hongyan đã dành tất cả tình yêu thương để giáo dục con nên người. Người mẹ thông thái này quả là một giáo viên xuất sắc khi nuôi dạy con thành tài như hôm nay.
Trả giá cả đời vì tương lai của con
Ngày 18/7/1988 khi Ding Ding cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc cuộc chạy đua của 2 mẹ con chính thức bắt đầu. Bà đã vô cùng sợ hãi khi thấy con trai toàn thân tím tái, không khóc và đôi mắt nhắm chặt. Ngay lập tức, đứa trẻ được chuyển đến viện cấp cứu, dù đã được hỗ trợ thở oxy và được y tá tiêm thuốc nhưng vẫn không có phản ứng.
Sau khi chuẩn đoán, bác sĩ nói với bà Zou Hongyan rằng đứa trẻ bị bại não nặng, không có nhiều hy vọng cứu chữa. Nếu có cứu được thì tương lai cũng có thể bị liệt hoặc chậm phát triển.
Đêm đó, bà Zou Hongyan đã chăm sóc con trai suốt cả đêm. Bà gần như sụp đổ vì căn bệnh quái ác mà con gặp phải. Đến 5 giờ sáng, đứa trẻ mới có phản ứng, tiếng khóc nhỏ của con xuyên thẳng vào tâm trí bà, cho bà thêm hy vọng cố gắng.
Các bác sĩ cho biết, đứa trẻ có thể khóc tức không còn nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng các biến chứng trong tương lai khó có thể dự đoán.
Với bà Zou Hongyan lúc đó, bà chỉ cần con còn sống thì mọi thứ đều có hy vọng. Tuy nhiên, cha của đứa trẻ lại lựa chọn từ bỏ con. Ông tàn nhẫn nói với mẹ con Zou Hongyan rằng nếu muốn giữ đứa bé thì bà phải tự mình nuôi dưỡng.
Và Zou Hongyan không lùi bước, bà bỏ ngoài tai những lời nói, kiên quyết chăm sóc, ở bên và cùng con vượt qua tất cả. Bà đặt tên con là Ding Ding có nghĩa là tiếng chim hót, bà hy vọng con sẽ được chào đón trên thế giới này.
Thông thường trẻ bị bại não sẽ xuất hiện 3 tình huống: Một là tổn thương dây thần kinh vận động dẫn đến liệt, hai là tổn thương não dẫn đến sa sút trí tuệ và cuối cùng là trẻ có thể bị cả 2 tình huống.
Trước khi Ding Ding được 1 tuổi, bà Zou Hongyan đã cho con đi kiểm tra trí tuệ. Bà vui mừng khi biết trí thông minh của con hoàn toàn bình thường, tuy nhiên con bị liệt nửa người, khó thể cử động chân trái. Tay của Ding Ding cũng rất yếu, không thể cầm nắm được.
Để giúp con trai rèn luyện khả năng phối hợp và phát triển, bà đã yêu cầu con ngồi xé giấy và học cách dùng đũa ăn cơm. Nhưng Ding Ding tập mãi cũng không thể sử dụng đũa, thường khóc và ném đũa đi. Nhưng bà vẫn kiên trì, nhẫn nại với con, đốc thúc con luyện tập mỗi ngày.
Ngoài ra, do bại não khi còn quá nhỏ, nên dây thần kinh vận động của Ding Ding bị tổn thương và khó vận động như người thường. Dù khả năng di chuyện bị hạn chế nhưng Ding Ding lại rất tập trung trong mọi việc.
Bà Zou Hongyan cũng tìm hiểu và nắm được từ 3 - 6 tuổi là thời kỳ vàng để phát triển và rèn luyện chức năng vận động của trẻ bị bại não. Vì vậy, từ năm 3 tuổi, Ding Ding đã được mẹ đưa đến bệnh viện huấn luyện phục hồi chức năng. Lúc đó, bà Zou Hongyan đang là giáo viên Mầm non tại TP. Vũ Hán. Hàng ngày bà chăm chỉ đạp xe đưa con trai đi trị liệu phục hồi bất kể nắng hay mưa.
Ngoài ra mỗi ngày, bà đều cùng con luyện viết. Không phụ sự cố gắng của 2 mẹ con, đến hết năm lớp 4, cuối cùng Ding Ding cũng bắt kịp tốc độ viết như bình thường, không còn bị chậm hay bỏ lại phía sau.
Ding Ding chia sẻ: "Mẹ tôi chưa bao giờ giúp tôi làm bài tập về nhà". Thay vào đó, bà Zou Hongyan sẽ mua cho con một cuốn từ điển, để con tự tra cứu. Đây chính là cách giúp Ding Ding rèn luyện khả năng tự học thành công. Hơn nữa, bà cũng giáo dục con phải rèn luyện tư duy logic, biết đặt câu hỏi khi bản thân thắc mắc. Và tuyệt đối không được giấu những điều không hiểu.
Là giáo viên dạy giỏi và là người mẹ xuất sắc
Ding Ding sau đó được gửi vào trường Trung học Cơ Sở trọng điểm của địa phương. Nhưng chỉ vài ngày sau khai giảng, khi bà Zou Hongyan đang đi công tác thì nhận được điện thoại của con, con khóc lóc không muốn đi học và muốn nghỉ học.
Nguyên nhân là do trong buổi huấn luyện quân sự đầu khóa, Ding Ding không thể đứng vững ở bài tập nâng cao chân và bị giáo viên phê bình. Ding Ding bị bạn bè chế nhạo, chê cười là người bại não.
Bà Zou Hongyan nghe xong đã bắt chuyến tàu về trong đêm. Bà đến trường học của con, và trong giờ giải lao đã bước lên bục giảng. Bà nói với các bạn cùng lớp Ding Ding đều thật may mắn khi sinh ra đã khỏe mạnh bình thường. Khi lớn lên các bạn có thể thoải mái lựa chọn công việc nhưng Ding Ding không may mắn như vậy, chỉ có cách nỗ lực học tập mới có tương lai tốt.
Vậy mà các bạn lại bắt nạt Ding Ding, khiến cậu bé không muốn đi học, điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai về sau. Khi bà Zou Hongyan nói, cả lớp im lặng lắng nghe. Sau câu chuyện này, Ding Ding không bị bắt nạt nữa. Và trong bài kiểm tra cuối kỳ, cậu đạt điểm số cao, đứng đầu lớp.
Bà Zou Hongyan cũng là người có khát vọng lớn, luôn muốn con vào học ở những trường nổi tiếng. Điều này khiến Ding Ding bất mãn. Cậu nghĩ rằng học ở đâu cũng giống nhau và đã xảy ra mâu thuẫn với mẹ. Về sau, bà đã bình tĩnh giải quyết vấn đề.
Bà đã đưa con trai đến một tòa chung cư để xem phòng. Bước vào căn phòng thứ nhất ở tầng 1, bà hỏi con có nhìn thấy trung tâm thành phố qua cửa sổ không. Ding Ding trả lời mẹ là không.
Lên tầng 6, bà tiếp tục hỏi con câu đó và Ding Ding trả lời mẹ là có. Rồi 2 mẹ con lên tầng 20, lúc này khung cảnh rộng mở và rất đẹp. Và bà Zou Hongyan đã mượn câu chuyện để chia sẻ việc chọn lựa các căn phòng cũng như cuộc sống vậy. Con người nên cố gắng vì mục tiêu lớn mới có thể phát triển.
Trước sự giáo dục nghiêm khắc và yêu thương của mẹ, Ding Ding khôn lớn và thi đỗ vào Đại học Bắc Kinh (Bắc Đại) với số điểm cao. Hơn nữa, sau nhiều năm tập luyện phục hồi chức năng, cơ thể của anh cũng như người bình thường.
Ding Ding còn học Thạc sĩ Luật tại Đại học Bắc Kinh. Anh nhiều lần nhận học bổng quốc gia. Sau khi tốt nghiệp, Ding Ding làm việc tại bộ phận pháp lý của một công ty Internet nổi tiếng. Dù đi làm nhưng anh vẫn chăm chỉ học tập và rèn luyện. Một năm sau, anh xuất sắc được nhận vào học Thạc sĩ tại trường Đại học Harvard.
Sau khi tốt nghiệp, Ding Dinh quyết định tham gia kỳ thi tư pháp ở Mỹ và được mẹ hết lòng ủng hộ. Bà Zou Hongyan cũng theo con sang Mỹ để chăm sóc và bên động viên con cố gắng.
Có thể nói, bà Zou Hongyan là một người mẹ tuyệt vời. Bà đã vượt qua mọi thử thách để đồng hành, giáo dục con nên người. Hiện bà Zou Hongyan đang là Phó Giáo sư tại trường Cao đẳng nghề TP. Vũ Hán, nhiều năm liền đạt thành tích xuất sắc.
Chia sẻ về phương pháp nuôi dạy con, bà khuyên các bậc cha mẹ nên làm 3 điều sau để con phát triển tốt nhất.
1. Đừng làm phiền con quá nhiều
Bà Zou Hongyan đã đề cập trong một cuộc phỏng vấn rằng từ nhỏ Ding Ding đã là đứa trẻ cực kỳ tập trung. Vì vậy nên thành tích học tập luôn rất tốt.
Để giáo dục đứa trẻ tốt nhất, cha mẹ nên dành cho con đủ không gian khám phá và phát triển. Cha mẹ đừng quá bao bọc hay làm phiền con bởi sẽ khiến trẻ bị phụ thuộc, mất tập trung, gây ảnh hưởng tới quá trình phát triển về sau.
Và cha mẹ hãy nhớ rằng chỉ cần không phải hành động gây nguy hiểm, thì hãy tôn trọng con, không nên ngắt lời, hay ngăn cản trẻ khám phá. Chính cách giáo dục không làm phiền, không can thiệp sẽ bảo vệ tài năng của đứa trẻ.
2. Luôn động viên con
Mặc dù Ding Ding mắc bệnh từ nhỏ nhưng bà Zou Hongyan chỉ coi con trai chậm phát triển hơn những đứa trẻ khác một chút. Bà luôn động viên con mạnh mẽ, chăm chỉ và nỗ lực học tập. Chỉ có cách này, con mới không bị khinh thường. Và chính những lời khuyên ấy đã giúp Ding Ding tích cực hơn. Vậy nên trong giáo dục con cái, cha mẹ đừng quên động viên con.
Khi trẻ gặp khó khăn, cha mẹ cũng cầnđộng viên và tin rằng con có thể vượt qua. Nhờ đó, trẻ có thêm động lực bứt phá chính mình.
3. Cho con cơ hội được độc lập phát triển
Ngay từ khi học Tiểu học, bà Zou Hongyan đã mua từ điển cho con, để con tự tìm tòi. Bà khuyến khích con, trao cho con cơ hội để thể hiện bản thân, độc lập suy nghĩ và nói ra mong muốn của bản thân.
Thực tế, cảnh giới giáo dục cao nhất là cho trẻ không gian tự do. Tự do ở đây không phải là trẻ thích làm gì cũng được mà là trẻ được độc lập làm việc, thử sức với bản thân và rút ra kinh nghiệm cho mình.
Hãy là những người phụ huynh thông thái, trước hết là tôn trọng và lắng nghe con. Sau đó, cha mẹ hãy huyến khích con bày tỏ suy nghĩ và tự làm việc trong khả năng. Khi con gặp vấn đề khó, cần lựa chọn thì cha mẹ hãy hỗ trợ. Như vậy, đứa trẻ mới trở thành người tự tin, dũng cảm và độc lập trong mọi việc.
Phụ nữ số