MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ "khó" cho XK cá da trơn

13-03-2017 - 15:36 PM | Thị trường

Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) đã có văn bản đề nghị Mỹ công nhận tương đương cho sản phẩm cá da trơn của Việt Nam.

Sau một thời gian chuẩn bị, Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (NAFIQAD) đã chính thức có công thư đề nghị Cơ quan Thanh tra và An toàn thực phẩm (FSIS) của Mỹ khởi động quá trình đánh giá tương đương đối với hệ thống kiểm soát sản phẩm cá họ Siluriformes (cá da trơn, trong đó có cá tra, basa, trê, lăng...) của Việt Nam.

Đồng thời, NAFIQAD cũng đã có công thư gửi Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ, chuyển hồ sơ tới FSIS.

Được biết, việc đánh giá tương đương về hệ thống kiểm soát của một nước xuất khẩu bao gồm 6 bước: Nước xuất khẩu yêu cầu FSIS đánh giá tương đương; nước xuất khẩu hoàn thiện bản trả lời câu hỏi (SRT – Self-Reporting Tool) và các hồ sơ kèm theo; FSIS yêu cầu bổ sung thông tin; FSIS khẳng định SRT đã hoàn thiện, xem xét đánh giá trên hồ sơ; thanh tra thực tế tại nước xuất khẩu; thông báo dự thảo đánh giá để lấy ý kiến góp ý; công nhận tương đương (bằng một quy định chính thức).

Hiện nay, theo thông tin trên website của FSIS, ngoài Việt Nam, đã có 5 nước gồm Bangladesh, Guyana, Ấn Độ, Nigeria và Thái Lan gửi hồ sơ đề nghị đánh giá tương đương và đều đang ở bước 1 của quy trình đánh giá.

Việc đề nghị đánh giá tương đương được thực hiện theo Chương trình Thanh tra cá và các sản phẩm cá họ Siluriformes do FSIS ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/3/2016, có thời gian chuyển tiếp là 18 tháng (hết ngày 31/8/2017) nên đến tháng 9/2017 mới chính thức áp dụng triệt để các quy định của FSIS. Trong thời gian chuyển tiếp, tính đến nay, Việt Nam có 62 cơ sở trong danh sách xuất khẩu các sản phẩm cá họ Siluriformes vào thị trường này.

Như vậy, cá tra (kể cả cá ba sa) Việt Nam khi xuất khẩu vào Hoa Kỳ sẽ phải tuân thủ những yêu cầu và quy định rất nghiêm ngặt, mà theo FSIS, chỉ được nhập khẩu vào nếu chứng minh có sự tương đồng về nuôi tại Việt Nam với việc nuôi tại Hoa Kỳ.

Theo Xuân Thảo

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên