MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gò mình vào khuôn, liệu có mang tới thành công? Đây là câu trả lời nghiêm túc nhất!

12-06-2019 - 15:50 PM | Sống

Không ngừng nhắc nhở bản thân cố gắng chăm chỉ, quyết tâm n+1 lần mỗi tháng là sẽ bắt đầu một thói quen tốt nào đó, nhưng rồi miệng đã quyết mà tâm vẫn tĩnh, hết tháng này đến tháng khác trôi qua, bạn vẫn thì vẫn thế, chỉ dự định và số lần quyết tâm là nhiều lên. Bạn có thấy tình huống này quen thuộc không?

01

Tôi đoán là bạn chẳng còn lạ lẫm gì, vòng tuần hoàn quyết tâm, rồi thôi, rồi quyết tâm lại luôn luôn tồn tại xung quanh chúng ta, nếu đó không phải câu chuyện của bạn, thì sẽ là câu chuyện của ai đó xung quanh bạn.

Chúng ta đều biết bừng bừng ý chí nhất thời rồi buông thả bản thân nhất định sẽ mang lại kết quả gì đó, còn kết quả gì thì chưa biết, có thể là tiếng thở dài và hai chữ "Giá như...". Nhưng đời người vốn là chuyến xe một chiều, "giá như" của bạn sẽ không bao giờ xảy ra.

Nhiều người nghĩ mình không thể sống nguyên tắc được vì mình thuộc tuýp người không có khả năng khống chế bản thân.

Quả thực, chúng ta là con người chứ không phải thánh nhân, sự thoải mái nhất thời sẽ luôn hấp dẫn chúng ta hơn là một mục tiêu cao cả dài lâu, đây là chuyện thường tình. Nhưng dễ bị hấp dẫn, và không có khả năng "gò ép" mình theo nguyên tắc là hai chuyện khác nhau.

Tôi quen một người bạn rất nguyên tắc và kỉ luật. Có một lần, khi chúng tôi trò chuyện về chủ đề này, anh ấy đã hỏi tôi:

"Nếu giờ anh đề nghị cho em năm triệu, và yêu cầu em dậy học bài lúc 4 giờ sáng mỗi ngày, em đồng ý không?"

"Tất nhiên là có." Tôi trả lời mà không cần suy nghĩ.

Anh ấy gật đầu, tiếp tục:

"Em thấy đó, khả năng tự chủ chỉ là một yếu tố thôi. Nguyên nhân sâu xa khiến chúng ta không thể kiên trì đến cùng với những nguyên tắc ta đề ra chính là: chúng ta không thật sự tin tưởng. Ngay từ đầu, nếu em không thể xác định rõ ràng cụ thể những nguyên tắc đó sẽ mang lại cho em những gì, thì tự nhiên em sẽ ngày càng nghi ngờ, ngày càng lung lay, rồi cuối cùng là bỏ cuộc. Mà đôi khi, quá trình này chỉ diễn ra trong có vài tiếng đồng hồ."

Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi những gì anh ấy nói. Quả thật đôi khi thứ chúng ta thiếu không phải khả năng tự chủ mà là niềm tin, tin rằng những nguyên tắc đáng chán kia sẽ mang lại hiệu quả chúng ta mong muốn. Suy cho cùng thì mọi chuyện đều có thể xảy ra, nếu ta có niềm tin, cộng với động lực kiên trì với các nguyên tắc đến cùng.

Gò mình vào khuôn, liệu có mang tới thành công? Đây là câu trả lời nghiêm túc nhất! - Ảnh 1.

02

Kỉ luật có thể dẫn đến thành công?

Một thầy dạy nghề già có hai người học trò, người thứ nhất thông minh, sáng sủa, nhanh nhẹn,  người thứ hai chậm chạm và có phần hơi ngu dốt. Trong quá trình học tập, cả hai đều siêng  năng rèn luyện chăm chỉ, ngày nào cũng dậy sớm luyện tập.

Người thứ nhất học chưa đến nửa năm đã thông thạo nghề, có thể xin làm riêng. Nhưng người thứ hai sau một năm vẫn chỉ có thể làm được những bước cơ bản, không có sự tiến bộ rõ rệt nào, không tránh khỏi chán nản thất vọng.

Người thầy thấy vậy, liền dẫn cậu học trò thứ hai đến gốc cây hạnh nhân, chỉ vào gốc cây và bảo:

"Trong cuộc đời mỗi người sẽ luôn có một gốc cây hạnh nhân. Có người đi bộ vài mét là thấy, nhưng có người phải đi vài km, thậm chí là trèo đèo lội suối mãi mới tới nơi. Nhưng dù sớm hay muộn, chỉ cần ta còn kiên trì cố gắng, thì rồi ta cũng sẽ có được thứ ta muốn."

Đời người như một đóa hoa, có hoa năm nào cũng nở, có hoa phải đợi mười năm cho một khắc khoe hương. Chúng ta không biết được phải mất bao nhiêu lâu để đến được ngày rực rỡ, nhưng nếu chúng ta kiên trì, chúng ta biết rằng mình đang tiến bước trên con đường thành công.

Hãy giữ trong tim mình một ngọn lửa nhiệt huyết, mỗi ngày cố gắng một chút, tích tiểu thành đại, rồi thành công sẽ tới.

Gò mình vào khuôn, liệu có mang tới thành công? Đây là câu trả lời nghiêm túc nhất! - Ảnh 2.

03

Anh bạn mà tôi nhắc tới ở trên quả thực là một người vô cùng nguyên tắc. Sống chung với anh suốt bốn năm đại học, chưa một lần nào tôi thấy anh ấy ngủ nướng. Có lần cả phòng ký túc xá rủ nhau ra ngoài chơi xuyên đêm đến một giờ sáng mới về tới nơi, về đến nơi là tất cả ngủ mê mệt. Thế mà tầm sáu giờ sáng hôm sau tôi tỉnh dậy đi vệ sinh đã thấy anh ấy đang ngồi học.

Xuất phát điểm của anh ấy không cao, hồi phổ thông thành tích rất bình thường, lên năm nhất đại học cũng chẳng có gì đáng nói. Nhưng đến khi tốt nghiệp, sau bốn năm đại học tuân thủ kỷ luật nghiêm ngặt, anh ấy đã trở thành một người khác. Lúc ấy ai cũng nhận xét về anh ấy thế này: nếu tiếp tục đi học, anh ấy chắc chắn sẽ luôn thuộc top đầu, còn nếu đi làm, chắc chắn sẽ giúp công ty mình phát triển lớn mạnh.

Tại sao chúng ta nên giữ kỉ luật? Có lẽ vì ba chữ "giữ kỉ luật" sẽ giúp ta tiến gần hơn đến thành công. Nó mở ra một con đường mà bất kì ai cũng có thể đi.

Mỗi viên ngọc quý đều từng chỉ là một thứ ngọc thô chẳng mấy giá trị. Nó sẽ mãi mãi như thế, nếu không có ai kiên trì mài giũa, đánh bóng. Rất nhiều thứ đáng quý trong chính con người bạn cũng sẽ đánh mất giá trị thực sự, nếu như bạn không kiên trì mài giũa, bỏ dở giữa chừng. Quyết định từ bỏ hay tiếp tục chỉ mất vài giây cuộc đời, nhưng nó lại có thể quyết định sau này bạn sẽ trở thành ngọc quý hay vẫn mãi là ngọc thô.

Mỗi người chúng ta đều có một thế giới lý tưởng của riêng mình, và tự kỉ luật là chìa khóa để mở ra cánh cửa đến thế giới đó.

Chẳng phải nếu muốn biết kiên trì giữ kỷ luật sẽ mang lại điều gì, bạn nên đích thân thử nghiệm sao?

Tóm lại, cho dù thế nào đi nữa, việc giữ kỷ luật cũng không thể khiến bạn lùi bước trước những cơ hội trong cuộc sống, nó sẽ chỉ giúp cuộc sống của bạn đi vào khuôn khổ, đảm bảo tương lai cho bạn, và chắc chắn mọi thứ đều nằm trong tầm kiểm soát. Mỗi ngày cố gắng thêm một chút, bạn mới có được kết quả mình mong muốn.

Theo Sandy

Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên