MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ nút thắt tín dụng cần giải pháp thúc đẩy đầu ra cho doanh nghiệp

08-08-2023 - 08:13 AM | Tài chính - ngân hàng

Gỡ nút thắt tín dụng cần giải pháp thúc đẩy đầu ra cho doanh nghiệp

Theo Ngân hàng Nhà nước, tín dụng 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 4,73% so với cuối năm ngoái. Tín dụng vẫn tăng chậm dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp.

Nguyên nhân tín dụng tăng trưởng thấp chủ yếu do doanh nghiệp gặp khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Để giải bài toán này, bên cạnh giảm lãi suất, cần thực hiện thêm nhiều chính sách hỗ trợ khác tạo đầu ra cho doanh nghiệp, từ đó mới tăng nhu cầu hấp thụ vốn.

Từ đầu năm đến nay, các ngân hàng thương mại đã đưa ra nhiều chương trình cho vay ưu đãi, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm, tuỳ từng nhóm doanh nghiệp, đồng thời, tăng cường 1 số gói vay ưu đãi như gói 15 nghìn tỷ đồng cho lâm, thuỷ sản, hay 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó.

Theo bà Phùng Thị Bình, Phó Tổng Giám đốc, Ngân hàng Agribank: "3 lần lãi suất cho vay với lĩnh vực ưu tiên, 4 lần với lãi suất cho vay thông thường. Hiện nay chúng tôi cũng đang triển khai các gói tín dụng hỗ trợ khách hàng như gói về nhà ở xã hội. Chúng tôi có dành 30 nghìn tỷ đồng đối với các dự án nhà ở xã hội nhà ở công nhân cho người có nhu cầu".

Để gỡ nút thắt về tín dụng, một số ngân hàng cũng cho vay linh hoạt hơn cho một số khách hàng lâu năm, nới lỏng yêu cầu về tài sản thế chấp. Ví dụ, chấp nhận cho doanh nghiệp vay tín chấp bằng hợp đồng đầu ra với đối tác. Vì thế, điều quan trọng, là doanh nghiệp phải có đơn hàng đầu ra.

"Khoản không có tài sản đảm bảo, ngân hàng sẵn sàng cho vay theo khoản phải thu, tức là khi xuất hoá đơn, 30-45 ngày sau khi khách hàng thanh toán lại hoá đơn, ngân hàng sẵn sàng bao thanh toán khoản phải thu, hoá đơn xuất ra. Khi ngân hàng vay trên hợp đồng thì giải quyết bài toán xoay vốn lưu động. Thủ tục vay tín chấp đơn giản", ông Vũ Công Huân, Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn HDC cho biết.

Theo chuyên gia, ngoài cơ chế để khơi thông dòng vốn, cần thực hiện đồng bộ với cùng cả các chính sách tài khoá, chính sách hỗ trợ thị trường. Trong đó, chú trọng vào thúc đẩy tiêu dùng nội địa, để bù đắp cho sự sụt giảm đơn hàng xuất khẩu.

Ông Ketut Ariadi Kusuma, Chuyên gia Tài chính cao cấp, Trưởng nhóm Tài chính, Cạnh tranh và Sáng tạo, World Bank Việt Nam cho rằng: "Tôi cho rằng một trong những biện pháp then chốt là đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công. Quá trình này giúp cải thiện hạ tầng công cộng, thu hút nhà đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo thêm nhiều việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Ngoài ra, cung cấp các chính sách hỗ trợ cho các hộ gia đình và cá nhân bị ảnh hưởng bởi suy giảm tăng trưởng kinh tế, nhằm kích cầu tiêu dùng trong nước".

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, đặc biệt nhỏ và vừa, cũng cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng phương án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tài chính có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay, đồng thời, tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như cổ phiếu, trái phiếu…).

Theo Chu Linh

VTV.vn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên