MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gỡ rào cản cho thương mại điện tử

25-09-2023 - 09:49 AM | Kinh tế số

Đánh giá cao hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), tuy nhiên các nhà bán hàng trên sàn TMĐT vẫn cho rằng cần tiếp tục chỉnh sửa để đạt hiệu quả hơn.

Gỡ rào cản cho thương mại điện tử - Ảnh 1.

Ngày càng nhiều người tiêu dùng mua hàng qua các sàn thương mại điện tử.

Bà Lê Thị Phượng Diễm - đại diện Công ty TNHH MTV Trái Dừa cho rằng, các sàn thương mại liên tục tăng phí cao gây khó cho các nhà bán hàng. Trong 9 tháng đầu năm 2023, sàn TMĐT Shopee đã 2 lần tăng phí thanh toán. Lần đầu tăng từ 2,5% lên 3%, áp dụng từ ngày 2/1, lần thứ hai tăng từ 3% lên 4%, áp dụng từ ngày 1/9. Cộng với phí cố định 3,5%, mua thêm các gói freeship, phí thầu cho dịch vụ hiển thị (thực chất là phí quảng cáo) đủ để cửa hàng có thể bán hàng tương đối ổn định trên sàn Shopee thì tổng chi phí một nhà bán đang phải trả dao động khoảng 22% - 23% doanh thu. Đây là tỷ lệ rất cao và hoàn toàn phụ thuộc vào luật chơi của Shopee.

Ông Nguyễn Quách Nhi - Giám đốc Kinh doanh ngành hàng thực phẩm, tiêu dùng Tiki cho rằng rào cản lớn nhất cho người tiêu dùng chuyển từ mua trực tiếp sang trực tuyến chính là vấn đề chất lượng hàng hóa khi mà vẫn còn nhiều hàng giả, nhái. Một số sàn TMĐT còn không rõ ràng về khuyến mãi.

Trước thắc mắc của doanh nghiệp (DN) TMĐT về khuyến mãi, giảm giá ông Nguyễn Khắc Hiếu - Phó Phòng Quản lý xuất nhập khẩu (Sở Công Thương TPHCM) cho biết, DN không phải thực hiện thủ tục thông báo khuyến mãi đối với việc khuyến mãi hoàn toàn qua sàn. Trường hợp sàn TMĐT, thương nhân vừa thực hiện khuyến mãi trên sàn và khuyến mãi theo hình thức trực tiếp, DN phải thông báo đăng ký chương trình khuyến mãi với Cục Xúc tiến thương mại hoặc Sở Công Thương, tùy theo hình thức và phạm vi khuyến mãi.

Riêng về quản lý TMĐT để hạn chế hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, ông Nguyễn Xuân Việt - Trưởng phòng Nghiệp vụ Cục Quản lý thị trường TPHCM cho biết, Cục đã và đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có ký kết quy chế phối hợp trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả với các cơ quan có liên quan như: Công an, Sở Công thương, Sở Khoa học và Công nghệ… để tập trung đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý các hành vi sản xuất, chứa trữ, vận chuyển, kinh doanh, trong đó có cả kinh doanh TMĐT.

Trong khi đó, theo ông Trần Phú Lữ - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TPHCM, những năm gần đây thị trường TMĐT ngày càng mở rộng và phát triển, đồng thời trở thành phương thức kinh doanh phổ biến được DN, người dân lựa chọn. Tuy nhiên, TMĐT vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế cần hoàn thiện, DN hoạt động trong lĩnh vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Trong khi đó, UBND TPHCM đang đẩy nhanh chuyển đổi số cho DN vừa và nhỏ trên địa bàn nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, trong đó có TMĐT.

Theo Thanh Giang

Đại đoàn kết

Trở lên trên