Góc khuất đằng sau cơn khát niken toàn cầu: Sự giàu có đánh đổi bằng những làng ung thư
Các công ty khai thác chạy đua giành quyền kiểm soát trữ lượng niken lớn nhất thế giới ở Indonesia, cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất pin xe điện. Nhưng người dân gần các khu mỏ đều đang thảng thốt vì sợ hãi.
- 14-03-2022Chọi gà tỷ đô ở một quốc gia Đông Nam Á: Trò tiêu khiển lâu đời có doanh thu 'ăn đứt' mọi sòng bạc lớn, nhân viên lương tháng 60.000 USD
- 09-03-2022Niken tăng giá sốc bủa vây kế hoạch đầy tham vọng của các nhà sản xuất xe điện, tầm nhìn Tesla bỗng thành “hải đăng soi lối”
- 03-03-2022Tesla bỗng lùi về công nghệ sắp lỗi thời, báo hiệu sự thay đổi trong toàn ngành xe điện?
- 21-02-2022Cú lừa mang tên 'xe điện bay': Đây chỉ là những chiếc trực thăng đầy ô nhiễm được thay tên dán nhãn?
Bùng nổ xe điện kéo theo khai thác kim loại phát triển
Tờ Guardian đã tiến hành một cuộc điều tra ở Indonesia về việc khai thác niken và ngành công nghiệp xe điện đang phát triển. Bằng chứng cho thấy nguồn nước uống ở gần một trong những mỏ niken lớn nhất Indonesia bị ô nhiễm crom hoá trị 6 (Cr6), một hóa chất gây ung thư.
Cuộc điều tra cũng chỉ ra bằng chứng số lượng người mắc bệnh ung thư phổi cao ở gần khu mỏ.
Những năm gần đây, các công ty khai thác đang chạy đua để giành quyền kiểm soát trữ lượng niken lớn nhất thế giới ở Indonesia.
Niken là một thành phần thiết yếu trong pin xe điện (EV). Kim loại này có thể mang lại sự giàu có cho cả một quốc gia khi Covid đẩy số người nghèo ở Indonesia lên tới 10,19%.
Tuy nhiên, đối với những người sống ở đảo Obi xa xôi, nơi đã trở thành một trong những mỏ niken lớn nhất Indonesia, họ chỉ khao khát nước sạch và sự an toàn.
Không giống như những thành phần khác cung cấp cho pin xe điện như coban và lithium vốn được để mắt đến vì rủi ro hủy hoại môi trường và nhân quyền, chuỗi cung ứng của niken hầu như không được xem xét kỹ lưỡng.
Trẻ em chơi đùa trên bãi biển trong khi việc xây dựng cho công ty khai thác đang diễn ra dọc bờ biển. Ảnh: The Guardian.
Nỗi lo sợ của người dân bản địa
Các công ty khác thác hoạt động trên đảo Obi cho biết những công trình của họ không gây ra đe dọa cho cộng đồng địa phương. Thế nhưng, người dân làng Kawasi lại đang sợ hãi.
Richard (tên nhân vật đã được thay đổi) nói rằng: "Trước đây, khi chưa có công ty, dù sống không có điện nhưng chúng tôi vẫn an toàn. Bây giờ thì chúng tôi rất sợ hãi".
Gần làng Kawasi, các nhân viên điều tra của Guardian thu thập các mẫu nước từ một địa điểm cách khu vực khai thác chưa đầy 200 mét và đem phân tích tại phòng thí nghiệm được chính phủ chứng nhận. Kết quả cho thấy mức độ ô nhiễm chất gây ung thư Cr6 ở mức cao (60 ppb). Trong khi đó, hàm lượng tối đa được luật pháp Indonesia cho phép là 50 ppb.
Cr6 có thể gây tổn thương gan, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản và gây hại cho cơ thể khi ăn hoặc hít phải. Người uống nước nhiễm Cr6 trong thời gian dài có thể mắc ung thư dạ dày. Bằng chứng cho thấy Cr6 trong nước uống có thể là hệ quả của quá trình công nghiệp. Baird nói những ảnh hưởng này rất dai dẳng, lâu dài và khó nhận biết.
Người dân khẳng định, giếng nước được lấy mẫu là nguồn nước duy nhất mà họ sử dụng để uống, tắm và rửa rau quả.
Người dân trong làng cũng cho rằng kể từ khi có mỏ khai thác, mọi người đã lần lượt đổ bệnh. Phòng khám hộ sinh của làng cung cấp thông tin cho Guardian rằng hơn 900 trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính (ARI) đã được phát hiện trong số 4.000 cư dân của Kawashi vào năm 2020. Hơn một nửa số trường hợp được báo cáo là trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
Theo các quan chức y tế Indonesia, tỷ lệ mắc ARI ở Kawashi là dưới 20% trong năm 2020, so với mức trung bình toàn quốc là 9%. Ngoài phòng khám hộ sinh, không có trung tâm y tế nào hoạt động tại địa phương.
Maria (tên nhân vật đã được thay đổi) cho biết trước khi có mỏ khai thác, biển rất sạch, không có bùn và màu đỏ như hiện tại. Mọi người vẫn đánh bắt cá gần bờ. Nhưng từ khi việc thăm dò khai thác bắt đầu, xu hướng các ca ARI bắt đầu tăng cao. "Tôi không biết tương lai của bọn trẻ rồi sẽ ra sao?", cô nói.
Vị trí đảo Obi của Indonesia
Giám sát chưa theo kịp tốc độ phát triển
Đảo Obi là khu vực cực kỳ xa xôi hẻo lánh. Để đến thăm đảo, du khách xuất phát từ thủ đô Jakarta sẽ trải qua chuyến bay kéo dài 3 tiếng rưỡi, đi thuyền qua đêm và thêm 2 giờ lênh đênh trên biển để đến cảng của Kawasi.
Khi đến nơi, du khách có thể nghe thấy tiếng kêu cót két và tiếng va chạm liên tục của các cần trục hoạt động bận rộn trong khu khai thác. Mỏ khai thác trị giá 1 tỷ USD thuộc sở hữu của tập đoàn Harita có trụ sở tại Indonesia và công ty khai thác Lygend của Trung Quốc. Máy móc được huy động để đào và xử lý niken sử dụng trong pin xe điện.
Nhà sản xuất linh kiện pin của Trung Quốc GEM đã ký thỏa thuận mua niken từ công ty PT Halmahera Persada Lygend. GEM cung cấp pin cho nhiều nhà sản xuất pin xe điện hàng đầu thế giới, bao gồm CATL do Trung Quốc sở hữu - công ty kiểm soát khoảng 30% thị trường pin toàn cầu.
Những người hưởng lợi cuối cùng có thể là các thương hiệu xe điện nổi tiếng. Niken từ các mỏ này được sử dụng để sản xuất pin trong ô tô điện mà Mercedes-Benz và Volkswagen (VW) bán.
Giá niken bùng nổ và cuộc chạy đua pin xe điện đã kéo théo sự phát triển của các mỏ khai thác. Tuy nhiên, những lo ngại đặt ra là dường như việc giám sát quản lý đã không theo kịp tốc độ phát triển.
Chuyên gia về khai thác niken người Indonesia, Steven Brown, cho biết chính phủ nước này có thể đang cố gắng dỡ các thủ tục để thu hút đầu tư. Nhưng nếu không có đánh giá môi trường phù hợp, họ có thể gặp rủi ro theo cách mà ngành công nghiệp này đang hướng tới.
Matthew Baird, một luật sư môi trường ở Đông Nam Á cho biết, việc bắt các công ty khai thác và chuỗi cung ứng chịu trách nhiệm về ô nhiễm là điều khó khăn. Đặc biệt là khi có nhiều nguồn gây ra ô nhiễm.
Ông nói: "Các hoạt động khai thác lớn diễn ra nhiều ở các khu vực khó tiếp cận và những nơi mà chúng hoạt động như công ty của chính quyền địa phương. Các công ty khai thác có thể đổ lỗi cho những vấn đề khác. Nhưng vì họ ở đó nên họ có thể là một phần của vấn đề".
Nguồn nước duy nhất mà dân làng dùng để sinh hoạt. Ảnh: The Guardian.
Con kênh bị nhuộm đỏ bởi nước thải và bùn từ quá trình khai thác. Con kênh này chảy qua khu vực dân cư và đổ ra biển. Ảnh: The Guardian.
Trước những cáo buộc về hàm lượng Cr6 không an toàn, công ty cho biết các cuộc kiểm tra mà họ đã thực hiện trên nước suối của Kawasi từ năm 2013 đến năm 2021 cho thấy chất lượng nước đáp ứng các tiêu chuẩn do chính phủ đặt ra.
Công ty cho biết kết quả hàm lượng Cr6 nằm trong khoảng từ 5-40 ppb. Các thử nghiệm của họ cũng khẳng định không có sự rò rỉ Cr6 từ hệ thống khai thác hoặc ảnh hưởng đến chất lượng nước của các con suối ở Kawasi.
Brown cho biết các mỏ ở Indonesia chỉ được yêu cầu kiểm tra hàm lượng Cr6 và Cr6+ mỗi tháng một lần và họ cũng chưa nhận thức được đầy đủ các rủi ro.
Halmahera Persada Lygend cho biết các tác động tích cực và tiêu cực của các dự án khai thác đang được chính phủ xem xét và phê duyệt. Họ cũng cho biết các cơ quan môi trường thường xuyên tiến hành kiểm tra hiện trường và xem xét hoạt động của công ty và lấy mẫu khi cần.
Theo The Guardian