MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc kinh tế học: Ứng xử chính sách với khu vực kinh tế phi chính thức như thế nào? (P2)

Có nên "chính thức hóa" khu vực kinh tế phi chính thức?

GS.TS Trần Thọ Đạt
GS.TS Trần Thọ Đạt
Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân
42 bài viết

Lựa chọn về chính sách

Về lý thuyết, chính sách ứng xử với khu vực kinh tế phi chính thức có thể là: không hành động gì; xóa bỏ khu vực kinh tế này; hoặc chuyển đổi công việc không chính thức thành công việc chính thức. Khi xem xét các lựa chọn chính sách này, có thể thấy lựa chọn đầu tiên là "không hành động gi" rõ ràng là không thể chấp nhận. 

Cho đến nay, vẫn chưa có đánh giá thật đầy đủ và toàn diện về mức độ tác động được cho là có hại và có lợi trên thực tế của khu vực kinh tế này, và do vậy đây chính là một khoảng trống cần được thực hiện trong các nghiên cứu sắp tới. 

Tuy nhiên, có thể nói đã có sự đồng thuận của cả các nhà kinh tế và các nhà hoạch định chính sách về các tác động bất lợi bên cạnh các tác động có lợi của nền kinh tế phi chính thức, bao gồm: cạnh tranh không lành mạnh đối với doanh nghiệp chính thức, lao động phi chính thức không có khả năng tiếp cận tín dụng để mở rộng cơ hội kinh doanh, người tiêu dùng không được đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn và sức khỏe, và chính phủ thất thu thuế. Như vậy, đề xuất "không có hành động nào" về nền kinh tế phi chính thức không phải là một lựa chọn khả thi và can thiệp được coi là bắt buộc.

Góc kinh tế học: Ứng xử chính sách với khu vực kinh tế phi chính thức như thế nào? (P2) - Ảnh 1.

Lựa chọn thứ hai là xóa bỏ nền kinh tế phi chính thức cũng không thể thực hiện được vì vai trò bổ sung của nó đối với tổng thể nền kinh tế là không thể phủ nhận. Một khi những người lao động phi chính thức được coi là "các tác nhân kinh tế hợp lý", thì việc xóa bỏ khu vực này liệu là giải pháp có hiệu quả hay không. Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy rằng các nỗ lực nhằm phát hiện và xử phạt các hành vi trốn thuế của lao động không chính thức sẽ là khá tốn kém và do đó, rất khó xử phạt công việc bất hợp pháp chỉ bằng tăng cường biện pháp kiểm soát và mức phạt cao hơn. 

Mặt khác, nếu doanh nghiệp không chính thức được coi là bà đỡ của hệ thống doanh nghiệp vi mô và là hạt giống cho văn hóa doanh nghiệp, thì lĩnh vực không chính thức này phải là một tài sản tiềm năng, một tinh thần kinh doanh và văn hóa doanh nghiệp cần được nuôi dưỡng.

Vậy thì, thay vì không hành động, hoặc xóa bỏ nền kinh tế phi chính thức, một lựa chọn hợp lý cuối cùng là chuyển đổi công việc phi chính thức thành công việc chính thức. Các doanh nghiệp chính thức luôn bày tỏ quan điểm rằng việc chuyển đổi công việc không chính thức thành công việc chính thức sẽ ngăn chặn lợi thế cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp không chính thức so với những người tuân thủ theo luật. Qua đó, các hoạt động kinh tế phi chính thức sẽ chuyển sang thực hiên theo các tiêu chuẩn quy định về điều kiện làm việc như tiêu chuẩn sức khỏe và an toàn và lao động. 

Trong khi đó, đối với người lao động phi chính thức, lợi ích chính của việc hợp pháp hóa là họ được bảo vệ về pháp lý tương tự như công nhân chính thức. Doanh nhân không chính thức cũng có thể thực hiện bảo đảm quyền sở hữu trí tuệ chính thức cho các sản phẩm và quy trình của mình, đồng thời vượt được các trở ngại trong việc mở rộng khả năng tiếp cận với tư vấn và hỗ trợ vốn. Đối với chính phủ, lợi ích của việc chuyển đổi không chính thức thành công việc chính thức là tăng nguồn thu thuế, qua đó chi tiêu cao hơn cho các dự án tham gia cộng đồng và hỗ trợ người nghèo.

Thực thi chính sách?

Để thực thi các nỗ lực chuyển đổi công việc phi chính thức thành công việc chính thức, cần phải có các chính sách giảm chi phí, đồng thời gia tăng lợi ích của việc chính thức hóa. Từ thực tế là các doanh nghiệp chưa đăng ký khi khởi nghiệp và kéo dài tình trạng không đăng ký cho thấy lợi ích của việc chính thức hóa hiện vẫn chưa đủ lớn.

Tuy nhiên, giảm chi phí và cải thiện lợi ích của việc chính thức hóa không phải là phương tiện duy nhất vì biện pháp này dựa trên giả định rằng những người lao động phi chính thức là những "tác nhân kinh tế hợp lý" thuần túy. Lý thuyết về thể chế trong những năm gần đây cho rằng những người lao động phi chính thức cũng thường là các "tác nhân xã hội". 

Góc kinh tế học: Ứng xử chính sách với khu vực kinh tế phi chính thức như thế nào? (P2) - Ảnh 2.

Theo quan điểm này, công việc không chính thức tồn tại khi các quy tắc, giá trị và niềm tin của người dân không tương xứng với các quy định hiện hành của các tổ chức chính thức. Và do vậy, cần phải xem xét lại các chuẩn mực, giá trị và niềm tin của người dân với các thể chế chính thức và coi đó là biện pháp chính sách tạo thuận lợi cho việc chính thức hóa khu vực này. Chẳng hạn như cần nâng cao nhận thức về lợi ích của việc đóng thuế và hàng hóa công cộng nhận được, chất lượng quản trị công cần được cải thiện và tham nhũng khu vực công phải giảm. 

Qua đó, giải quyết việc làm trong nền kinh tế phi chính thức đòi hỏi nhiều biện pháp chính sách khuyến khích chính thức hóa khu vực này, bao gồm việc giải quyết nhiều hơn các vấn đề liên quan đến tình trạng kém phát triển, tham nhũng khu vực công và acsc nỗ lực giảm nghèo thông qua việc tăng thuế và chi tiêu bảo trợ xã hội.

GS.TS Trần Thọ Đạt

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên