Góc nhìn chuyên gia: Dòng tiền đang hỗn loạn, khó có nhóm ngành nào đủ sức "dẫn sóng" từ nay tới Tết
Ông Phan Dũng Khánh (trái) và Đinh Quang Hinh (phải).
"Sau cú sập của bất động sản này chính bản thân dòng bất động sản cũng có sự phân hoá chứ không tăng ào ào, mua mã bất động sản nào cũng sẽ tăng như trước. Nhà đầu tư thân trọng lựa doanh nghiệp, mã cổ phiếu kỹ hơn, quỹ đất sạch, kết quả kinh doanh tốt… Từ nay đến Tết xu hướng phân hoá này sẽ không đổi".
Thị trường chứng khoán Việt Nam tuần qua chứng kiến áp lực điều chỉnh tăng mạnh trong những phiên giao dịch đầu tuần. Cụ thể, thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch đầu tuần giảm điểm khá mạnh với việc chỉ số VN-Index giảm 1,6% tương đương 24,8 điểm xuống mức 1.503,71 điểm. Ngay sau phiên điều chỉnh này, với những thông tin tiêu cực liên quan đến họ cổ phiếu FLC cũng như đấu giá đất ởThủ Thiêm, các chỉ số chứng khoán tiếp tục duy trì xu thế giảm và chỉ số VN-Index đã có lúc xuống mức thấp nhất là 1.464,5 điểm (giảm 4,2% so với đóng cửa tuần trước. Các chỉ số chứng khoán đã có sự phục hồi nhẹ sau đó với lực đỡ từ nhóm cổ phiếu ngân hàng, chỉ số VN-Index đóng cửa chốt tuần tại mức 1.496 điểm, giảm 2,1% so với cuối tuần trước, tương đương với 32,5 điểm.
Thanh khoản bình quân trên cả 3 sàn tăng nhẹ lên 40.001 tỷ đồng/phiên (+7,4% so với tuần trước). Điểm tích cực là việc khối ngoại đã có động thái hỗ trợ thị trường khi đảo vị thế từ bán ròng sang mua ròng 707 tỷ đồng trên sàn HOSE. Xu hướng mua ròng cũng diễn ra trên sàn HNX với giá trị mua ròng đạt 231 tỷ đồng.
Tuy vậy, với 2 sự kiện lớn huỷ lô 74,8 triệu cổ phiếu FLC của ông Trịnh Văn Quyết và Tân Hoàng Minh bỏ cọc lô đất Thủ Thiêm, nhà đầu tư đang có tâm lý bất an, bi quan với thị trường chứng khoán.
Tâm lý nhà đầu tư bất an vì "kẹp hàng nóng"
Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn Đầu tư Công ty Chứng khoán MBKE cho hay, tuần qua thị trường đóng cửa dưới 1500, nến tuần đóng dưới 1500 cho thấy tâm lý nhà đầu tư rất hoang mang. Nhiều ý kiến cho rằng nhóm bất động sản, cổ phiếu penny hạ nhiệt thì dòng cổ phiếu ngân hàng sẽ hút được dòng tiền song nhóm cổ phiếu ngân hàng chỉ hồi phục được một vài phiên chứ không đủ lực để tạo ra một con sóng từ đây.
Mốc 1470-1480 điểm của VN-Index rất quan trọng, nếu giảm xuyên qua mốc đó thì tâm lý còn xấu hơn và thị trường có thể giảm sâu hơn nữa nếu vẫn giữ được mốc này thì sớm hồi phục này.
Đặc biệt một số cổ phiếu bất động sản, penny, đầu cơ vẫn chưa có dấu hiệu được "cầm máu" do đó nếu mốc 1470-1480 điểm mà bị xuyên thủng thì kịch bản giảm sâu có thể xảy ra giống như dịp cận Tết Nguyên Đán năm ngoái.
"Dòng tiền đang rất hỗn loạn, tâm lý nhà đầu tư đang cực kỳ bất an. Nhà đầu tư đang cố bấu víu vào một cái gì đó để trụ vững trong những ngày này như nhóm ngân hàng chẳng hạn, tăng 1-2 phiên nhưng rất nhiều các diễn đàn, nhà đầu tư hô hào ngân hàng đã trở lại, sóng thần…nhưng cuối tuần nhóm cổ phiếu này đã rớt lại", ông Khánh phân tích.
"VN-Index đã 2 lần chinh phục mốc 1500 nhưng cuối cùng đến nay vẫn chưa thể giữ vững được mốc này. Gần Tết, nhiều nhà đầu tư mong muốn được cái Tết ấm no nên đã tất tay nhưng cuối cùng thị trường lại điều chỉnh trước khi họ kịp chốt", ông Khánh nói.
Với dòng bất động sản, ông Khánh cho rằng dòng bất động sản có sự phân hoá, một số cổ phiếu có xu hướng phục hồi trở lại, một số cổ phiếu tăng nóng sẽ tiếp tục giảm điểm. Tuy nhiên, nếu để tăng trần hàng loạt như trước cú sập do vụ Tân Hoàng Minh bỏ cọc thì không có.
"Sau cú sập của bất động sản này chính bản thân dòng bất động sản cũng có sự phân hoá chứ không tăng ào ào, mua mã cổ phiếu bất động sản nào cũng sẽ tăng như trước. Nhà đầu tư thận trọng lựa doanh nghiệp, mã cổ phiếu kỹ hơn, quỹ đất sạch, kết quả kinh doanh tốt… Từ nay đến Tết xu hướng phân hoá này sẽ không đổi", ông Khánh nói.
Ông Khánh dự báo tuần tới thậm chí tới Tết sẽ không có ngành nào đủ vượt trội để dẫn sóng. Ngân hàng rớt giá thì bất động sản lại hồi đỡ thị trường và ngược lại.
Đối với các nhà đầu tư đã lỡ "đu đọt" và bị "kẹp" cổ phiếu nóng, ông Khánh cho rằng nếu như cổ phiếu đã bị tắc sàn, không thanh khoản nhà đầu tư không thể bán được nữa thì hãy cứ thử vận may đặt bán giá trần.
"Theo kinh nghiệm 22 năm trên thị trường thì với những cổ phiếu nóng khi đã sụp đổ mất thanh khoản thì sẽ bị nhốt sàn nhiều phiên liên tiếp, nhưng sau khi được giải cứu thường hồi được 2-3 phiên thậm chí từ sàn lên trần luôn. Do đó, nhà đầu tư hãy thử đặt giá trần thay vì bán giá sàn, có rất nhiều cổ phiếu đã như vậy và sau khi được giải cứu nó đã tăng trần luôn. Ít nhất như vậy nhà đầu tư đã có thể giảm bớt thiệt hại", ông Khánh nhấn mạnh điều này chỉ áp dụng với nhà đầu tư "kẹp hàng", còn với chiều mua nhà đầu tư mua mới những cổ phiếu tăng sốc giảm sâu và được giải cứu thì rủi ro là 50/50 vì thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn mang tính T+, mua xong có thể lãi ngay nhưng hàng về có thể bị thua lỗ.
Ông Phan Dũng Khánh cho biết, dòng tiền đang hỗn loạn và tâm lý nhà đầu tư rất bất an
Nhà đầu tư ngắn hạn hạ tỷ trọng, nhà đầu tư dài hạn tích luỹ cổ phiếu tốt
Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty chứng khoán VNDirect cho rằng trong tuần qua, thị trường điuef chỉnh mạnh do tác động của 2 sự kiện lớn, Sự kiện đầu tiên liên quan đến sai phạm công bố thông tin và giao dịch "bán chui" tại mã cổ phiếu FLC. Điều này đã gây ra phản ứng tiêu cực của các nhà đầu tư khi sau đó, các cổ phiếu thuộc "họ FLC" đều giảm sàn liên tục và mất thanh khoản, có thể kể đến như FLC, ROS, HAI đều đã giảm đến gần 30% trong tuần qua. Sự kiện thứ hai đến từ việc Tập đoàn Tân Hoàng Minh bỏ cọc thầu đấu giá đất ở Thủ Thiêm, điều này là chất xúc tác khiến các cổ phiếu bất động sản đã tăng nóng thời gian qua bị bán mạnh. Điều này đã khiến nhóm bất động sản giảm mạnh, tâm lí tiêu cực còn lan tỏa ra đến các ngành khác như năng lượng, chứng khoán... Tuy nhiên, khi thị trường có những biến động mạnh thì dòng tiền đã có xu hướng dịch chuyển, chảy vào nhóm ngân hàng và giúp các cổ phiếu trong ngành này giao dịch tích cực trong tuần qua như STB (+9,6%), BID (+12,9%), VCB (+4,5%) và CTG (+6,8%)...
Ông Hinh cho rằng Các chỉ số chứng khoán đã cho thấy nỗ lực phục hồi khi chạm các ngưỡng hỗ trợ quan trọng, điển hình như chỉ số VN-INDEX tại vùng 1.460-1.480 điểm.
"Chúng tôi kỳ vọng là điều chỉnh sẽ chậm lại và chỉ số VN-Index có thể phục hồi nhẹ trong tuần giao dịch tới. Chúng tôi cho rằng đây là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư cơ cấu lại danh mục đầu tư. Đối với các nhà đầu tư nắm giữ tỷ trọng lớn cổ phiếu đầu cơ đã tăng nóng trong thời gian vừa qua, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư nên chủ động hạ tỷ trọng nhóm cổ phiếu này và dịch chuyển dòng tiền sang nhóm cổ phiếu cơ bản, có triển vọng kinh doanh tích cực năm 2022 và đã có xu hướng tích lũy giá trong nhiều tháng vừa qua như nhóm cổ phiếu ngân hàng, vật liệu xây dựng, bán lẻ", ông Hinh nói.
Các chuyên gia của Yuanta nhận định chỉ số VN-Index có thể sẽ còn tiếp tục biến động trong vùng giá 1.490 – 1.500 điểm. Đồng thời, dòng tiền suy yếu cho thấy các nhà đầu tư vẫn chưa sẵn sàng quay trở lại thị trường, điểm tích cực là nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ có dấu hiệu chững lại đà giảm và có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục ở 1-2 phiên giao dịch đầu tuần tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn giảm mạnh vào vùng bi quan quá mức cho thấy thị trường có thể sẽ xuất hiện các nhịp hồi phục và các nhà đầu tư ngắn hạn cần hạn chế bán tháo ở các nhịp giảm mạnh.
"Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức GIẢM. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục giảm tỷ trọng cổ phiếu về mức 30 – 35% danh mục tại các nhịp hồi phục và chưa nên mua mới ở giai đoạn hiện tại.
Theo đồ thị tuần, rủi ro trung hạn có dấu hiệu tăng dần cho thấy các nhà đầu tư trung hạn nên thận trọng ở tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index chưa thể vượt được mức kháng cự 1,534 điểm. Đồng thời, xu hướng trung hạn vẫn duy trì ở mức TĂNG. Do đó, chúng tôi khuyến nghị các nhà đầu tư trung hạn có thể nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và theo dõi ở tuần giao dịch tới", chuyên gia của Yunanta nêu.