Góc nhìn chuyên gia: Kịch bản VN-Index vượt 1.300 vào cuối năm là khả thi, "săn" cơ hội kiếm lời tại một số nhóm cổ phiếu tăng trưởng
Dự báo kịch bản tuần giao dịch mới, đa số các chuyên gia đưa ra góc nhìn tích cực về xu hướng của VN-Index.
- 22-09-2024Top 10 cổ phiếu tăng/giảm mạnh nhất tuần: Cổ phiếu xây dựng "dậy sóng", một mã bứt phá trên 60%
- 22-09-2024Lịch chốt quyền cổ tức tuần 23/9-27/9: Cổ tức tiền mặt cao nhất 200%, một doanh nghiệp chuẩn bị chi hơn 5.000 tỷ đồng trả cổ tức
Thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận 4/5 phiên tăng điểm trong tuần 16-20/9 trước thông tin tích cực liên quan đến việc Fed hạ lãi suất và sự hồi phục xuất hiện hầu hết trên các chỉ số liên thị trường thế giới, dẫn đầu là Mỹ.
Tính chung cả tuần, VN-Index tăng 20 điểm (+1,6%) so với tuần trước lên 1.272,04 điểm. Theo đó, chỉ số VN-Index nhanh chóng lấy lại gần như hết số điểm đã đánh mất trong tuần trước với sự dẫn dắt của nhóm cổ phiếu Bluechips.
Dự báo kịch bản tuần giao dịch mới, đa số các chuyên gia đưa ra góc nhìn tích cực về xu hướng của VN-Index, kỳ vọng tiến lên mốc kháng cự 1.300 điểm. Tuy vậy, dù rất mong muốn ở một kịch bản VN-Index vượt hẳn 1.300 với thanh khoản cải thiện, chuyên gia DSC lại nghiêng về kịch bản thị trường đi ngang, biến động thấp & phân hóa trong tuần tới hơn.
Thị trường ít biến động và phân hoá
Ông Bùi Văn Huy - Giám đốc Chi nhánh TP HCM, CTCP Chứng khoán DSC
Theo quan sát của ông Huy về bối cảnh thế giới, mọi thứ đang diễn biến khá tích cực khi FED đã hạ lãi suất 0,5% trong kỳ họp tháng 9. Điều này khiến các chỉ số chứng khoán của Mỹ tạo lập những đỉnh cao mới, chứng khoán Mỹ thường tương đối tích cực quanh thời điểm bầu cử.
Chứng khoán trong nước cũng có nhiều thông tin tích cực, một mặt từ việc FED hạ lãi suất, một phần trong tuần qua Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư 68/2024 (Thông tư 68) sửa đổi, gỡ nút thắt pre-funding, một điểm quan trọng trong câu chuyện nâng hạng thị trường.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào diễn biến trong tuần qua, có vẻ thị trường vẫn chưa quá tích cực nếu nhìn sâu vào thanh khoản và độ rộng. Thanh khoản có sự cải thiện nhưng nhìn chung vẫn ở mức tương đối kém, trong khi đó điểm số tăng nhưng tập trung ở một số mã có câu chuyện nhất định, độ rộng tổng thể của thị trường là chưa tốt.
Có lẽ câu chuyện về FED đã phần nào phản ánh, còn câu chuyện nâng hạng ở tương lai, được kể đi kể lại cũng chỉ đủ hâm nóng nhóm cổ phiếu liên quan. Còn lại thị trường chưa có câu chuyện đủ thuyết phục nhà đầu tư xuống tiền.
Dù rất mong muốn ở một kịch bản VN-Index vượt hẳn 1.300 với thanh khoản cải thiện, chuyên gia DSC vẫn nghiêng về kịch bản thị trường đi ngang, biến động thấp & phân hóa trong tuần tới hơn. Các cổ phiếu có câu chuyện riêng vẫn phân hóa và hút tiền. Để tiếp tục tăng mạnh, có lẽ thị trường cần tìm câu chuyện mới để hút tiền và có sự cải thiện rõ ràng hơn về độ rộng, thanh khoản.
Trong tuần qua, chỉ số tăng do nhiều mã vốn hóa lớn tác động, nên các mã này nếu vẫn duy trì diễn biến tốt thì chỉ số có thể tích cực, nhưng diễn biến chung có thể như đã đề cập, biến động thấp và phân hóa. Kịch bản tiêu cực có xác suất thấp & không có nhiều yếu tố quá tiêu cực lúc này cho thị trường.
Về câu chuyện nâng hạng, vị chuyên gia DSC nhận định khi được nâng hạng, NĐT nước ngoài kỳ vọng tham gia mạnh mẽ hơn, từ đây các CTCK có thị phần khối ngoại lớn sẽ được lợi về mặt kinh doanh. Còn về mặt thị trường, các mã trong danh mục các chỉ số FTSE Emerging và MSCI Emerging sẽ được hưởng lợi.
Trong bối cảnh nhiều thông tin lớn đã dần qua đi, mùa KQKD quý III sắp tới sẽ mang tính định hướng thị trường trong thời gian tới. Việt Nam về cơ bản vẫn nằm trong quá trình phục hồi của nền kinh tế, do đó, ông Bùi Văn Huy cho rằng các ngành theo chu kỳ kinh tế như Tài chính, Bán lẻ, Tiêu dùng, Công nghệ, … dự kiến sẽ tiếp tục có những bước tăng trưởng lợi nhuận.
Tuy nhiên cần lưu ý định giá của từng doanh nghiệp khi trong thời gian qua, khi thị trường phân hóa, nhiều cổ phiếu đã tăng mạnh bất chấp việc chỉ số đi ngang.
Áp lực bán của khối ngoại sẽ dần hạ nhiệt, "nhường chỗ" cho giai đoạn tích cực hơn
Ông Nguyễn Minh Quang - Chuyên gia Phân tích Thị trường, CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI)
Có thể thấy rằng, chỉ số có phần hụt hơi về cuối tuần do tác động cơ cấu của các quỹ ETF cũng như áp lực chốt lời ngắn hạn khi đã có nhiều phiên tăng điểm liên tiếp.
Nhìn chung, chuyên gia PSI cho rằng, thị trường đã ổn định trở lại, trạng thái cân bằng đang dần được thiết lập và trong nhịp tăng luôn có các đợt bán ngắn hạn nên đây chưa phải yếu tố quá đáng lo.
Trong ngắn hạn, ông Quang giữ quan điểm thị trường tốt dần lên và tâm lý lạc quan đang gia tăng. Các chỉ báo kỹ thuật cũng đang dần trở nên tích cực và với sự ủng hộ của nhóm Bluechips, chỉ số VN-Index có thể tiến lên vùng 1.300 điểm trong các phiên tới.
Tuần vừa qua là tuần quan trọng khi có nhiều sự kiện diễn ra ở cả trong nước lẫn quốc tế như là cuộc họp FOMC của Fed, đáo hạn HĐTL VN30F2409 hay là cơ cấu quỹ ETF. Do đó, thanh khoản sụt giảm có yếu tố thời điểm do nhà đầu tư thận trọng hơn khi nhiều sự kiện diễn ra và khi chỉ số đang tiệm cận vùng kháng cự mạnh trong năm.
Ngoài ra, thời điểm hiện tại cũng đang là vùng trũng thông tin kết quả kinh doanh, NĐT có vẻ đang đợi những thông tin về KQKD quý 3 sẽ được công bố trong thời gian tới. Tuy nhiên, thanh khoản dù thấp nhưng không làm ảnh hưởng đến xu hướng của chỉ số VN-Index khi mà áp lực bán là khá yếu, còn lực cầu thì đang dần cải thiện.
Về diễn biến giao dịch của NĐTNN, nhóm này cho thấy những dấu hiệu tích cực trở lại những phiên gần đây khi trở lại mua ròng trong 4 phiên liên tiếp và chỉ bán ròng phiên cuối tuần. Nguyên nhân chính của việc khối ngoại tiếp tục bán ròng đến từ chênh lệch lãi suất giữa các nền kinh tế và hoạt động chốt lời trong ngắn hạn.
Tuy nhiên, về dài hạn, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất và đồng USD suy giảm, dòng vốn ngoại sẽ có xu hướng dịch chuyển sang các thị trường khác.
"Khi chu kỳ giảm lãi suất bắt đầu, dòng vốn ngoại sẽ đổ vào các thị trường mới nổi, tạo đà tăng trưởng cho khu vực Châu Á, trong đó có Việt Nam. Do đó, có thể kỳ vọng áp lực bán sẽ dần hạ nhiệt, nhường chỗ cho giai đoạn tích cực hơn với sự quay lại của khối ngoại", ông Nguyễn Minh Quang cho hay.
Ngày 18/09 vừa qua, Bộ Tài chính đã thông qua Thông tư 68/2024/TT-BTC sửa đổi, theo đó, NĐT nước ngoài là tổ chức có thể giao dịch mua cổ phiếu mà không yêu cầu có đủ tiền khi đặt lệnh từ ngày 02/11/2024. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp TTCK Việt Nam tiến thêm một bước quan trọng trong quá trình nâng hạng.
Nếu được nâng hạng thành công, TTCK Việt Nam có thể hút được ước tính khoảng 1,5 tỷ USD. Theo đó, chuyên gia PSI đánh giá nhóm cổ phiếu Chứng khoán với các cổ phiếu đầu ngành như SSI, VCI, HCM chắc chắn sẽ được hưởng lợi đầu tiên.
Ngoài ra, nhà đầu tư cũng nên quan tâm đến một số nhóm ngành khác như: Ngân hàng, Bất động sản, Bán lẻ. Đối với nhóm Ngân hàng, đây là nhóm có vốn hóa lớn tác động lên chỉ số, có những phiên tỷ trọng giao dịch nhóm này chiếm gần 30% tổng thanh khoản thị trường.
Nhóm cổ phiếu ngành Bán lẻ có thể duy trì xu hướng tích cực nhờ các chính sách kích thích kinh tế trong nước dẫn dắt xu hướng phục hồi của nhu cầu tiêu dùng gồm: duy trì mức thuế VAT 8% đến hết năm 2024, tăng lương cơ sở từ 1/7/2024…
Đối với nhóm cổ phiếu BĐS, cơ hội đầu tư tiềm năng sẽ đến từ các công ty có dự án đầy đủ điều kiện pháp lý. Bộ 3 luật áp dụng sớm sẽ tạo tiền đề cho sự hồi phục của thị trường BĐS.
Bên cạnh đó, những nhóm ngành liên quan đến xuất nhập khẩu cũng sẽ có tín hiệu khả quan, đến thời điểm hiện tại lại tăng trưởng rất nhanh trở lại và tổng kim ngạch xuất nhập khẩu trong 8 tháng đã tăng 16,7% so với cùng kỳ, đây là một tín hiệu rất tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị xuất nhập khẩu. Ngoài ra, việc các dự án được triển khai sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp Dầu khí trong ngắn và trung hạn.
Kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm vào cuối năm là khả thi
Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường, Khối Phân tích VNDIRECT
Mới đây, Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 18/9 đã chính thức khởi động nới lỏng chính sách tiền tệ, động thái được thị trường chờ đợi từ lâu, với quyết định cắt giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất điều hành. Đây là sự khởi đầu mạnh tay của Fed và cũng gây tranh cãi khi phần lớn các nhà kinh tế nghiêng về kịch bản cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất điều hành ngay sát cuộc họp.
Có những nhận định cho rằng việc Fed mạnh tay giảm lãi suất là do nguy cơ suy thoái của nền kinh tế Mỹ. Theo ông Hinh, trong bối cảnh “lạm phát thấp hơn dự báo” và “thị trường việc làm xuất hiện những mối lo ngại" dù vẫn trong tầm kiểm soát, việc Fed cắt giảm lãi suất 0,5 điểm % lại rất logic.
Việc cắt giảm 0,5 điểm % lãi suất điều hành giống như “một sự can thiệp trước” của Fed hơn là “một hành động chữa cháy” khi mọi thứ đã quá muộn màng.
Trong nước, ông Đinh Quang Hinh đánh giá xu hướng giảm lãi suất của Fed sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế và thị trường tài chính tiền tệ. Việc Fed giảm lãi suất sẽ hỗ trợ nền kinh tế Mỹ và thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, qua đó tác động tích cực tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.
Cần nhấn mạnh rằng, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm gần 30% tổng giá trị nhập khẩu của nước ta. Việc Fed giảm lãi suất cũng khiến DXY suy yếu, giúp hạ nhiệt áp lực tỷ giá và lạm phát, qua đó tạo điều kiện để Ngân hàng Nhà nước linh hoạt hơn trong điều hành chính sách tiền tệ, chuyển hướng ưu tiên sang hỗ trợ thanh khoản hệ thống và duy trì môi trường lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Với những kỳ vọng trên, vị chuyên gia duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam trong trung hạn từ nay tới cuối năm.
"Do đó, tôi duy trì quan điểm tích cực đối với triển vọng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong giai đoạn cuối năm và kịch bản VN-Index vượt mốc 1.300 điểm trong năm nay hoàn toàn khả thi nhờ (1) chính sách tiền tệ theo hướng nới lỏng hơn, (2) kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết tiếp tục cải thiện và (3) tiến triển mới trong câu chuyện nâng hạn thị trường", ông Hinh nêu rõ.
Những nhịp điều chỉnh nếu có của thị trường trong thời gian tới sẽ là cơ hội tốt để các nhà đầu tư với tầm nhìn dài hạn tích lũy thêm cổ phiếu, ưu tiên những nhóm ngành có câu chuyện tăng trưởng tích cực cuối năm như ngân hàng, chứng khoán, xuất nhập khẩu (dệt may, thủy sản, đồ gỗ) và bất động sản khu công nghiệp.
Nhịp sống thị trường