Góc nhìn chuyên gia: Nhịp điều chỉnh lành mạnh, một số nhóm ngành có thể ngược dòng tăng trưởng trong mùa báo cáo tài chính
"Dòng tiền đầu cơ có thể không xấu, nhưng xu hướng giao dịch ở các cổ phiếu vốn hoá nhỏ sẽ khiến chỉ số khó bứt phá mạnh", ông Đạt nêu quan điểm.
Dứt chuỗi 3 tuần tăng liên tiếp, thị trường chứng khoán Việt Nam ghi nhận nhịp điều chỉnh với mức giảm 16,82 điểm tương đương với 1,57% so với tuần trước xuống 1.052,89 điểm. Khối ngoại cũng là điểm trừ khi họ đẩy mạnh bán ròng xuyên suốt 5 phiên giao dịch với tổng giá trị bán ròng 309 tỷ đồng, trong đó bán ròng 1.756 tỷ đồng trên kênh khớp lệnh.
Vậy diễn biến thị trường tuần tới sẽ thế nào? Chúng tôi đã trao đổi với một số chuyên gia tài chính về góc nhìn trong tuần giao dịch tới.
Nhịp chỉnh là lành mạnh, nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tài khoản để mua gom một nhóm cổ phiếu nhằm "đón sóng"
Ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC cho rằng nhịp điều chỉnh của thị trường tuần qua là cần thiết nhằm lành mạnh hoá thị trường, khi dòng tiền có xu hướng đầu cơ và “quay cuồng” luân chuyển khắp các nhóm cổ phiếu mid-cap, small–cap và penny trong khi không quan tâm nhiều đến góc độ cơ bản doanh nghiệp.
"Dòng tiền đầu cơ có thể không xấu, nhưng xu hướng giao dịch ở các cổ phiếu vốn hoá nhỏ sẽ khiến chỉ số khó bứt phá mạnh", ông Đạt nêu quan điểm.
Tuần qua ghi nhận thông tin liên quan tới đề xuất giảm thuế GTGT. Đây là chính sách thuế GTGT đã và đang được áp dụng, nhưng hiện sẽ tiếp tục được kéo dài thêm với mục tiêu chính là kích cầu tiêu dùng mua sắm và giảm thiểu áp lực lạm phát, qua đó gián tiếp ảnh hưởng tích cực đến toàn bộ TTCK. Xét về nhóm ngành, dù đại đa số các doanh nghiệp trên sàn đều được hưởng lợi nhờ giảm thuế GTGT của nguyên vật liệu đầu vào, nhưng theo ông Đạt, các nhóm thương mại và bán lẻ được kỳ vọng sẽ hưởng lợi lớn hơn so với các doanh nghiệp sản xuất. Bởi nếu xét tỷ lệ giá vốn hàng hoá so với lợi nhuận, các doanh nghiệp thương mại và bán lẻ thường ở mức cao hơn.
Ngược lại, những yếu tố về cả thị trường lẫn rủi ro nợ vay đã và đang khiến nhóm bất động sản không còn thu hút bởi đại đa số nhà đầu tư, từ đó giá cổ phiếu các doanh nghiệp rơi xuống khu vực “quá bán”. Tuy nhiên, theo quan điểm của Giám đốc DSC, trong ngắn – trung hạn, tồn tại các doanh nghiệp có định giá thấp, chịu ít rủi ro tài chính (biểu thị rõ ràng nhất vay nợ thấp). Đây có thể là những cổ phiếu tốt để nhà đầu tư tham gia "bắt đáy" trong ngắn hạn.
Với mùa BCTC quý 1/2023, ông Đạt cho rằng kết quả tiêu cực là diễn biến đã được chờ đợi từ trước và phản ánh phần lớn vào mức chiết khấu sâu của mặt bằng giá cổ phiếu trên thị trường. Yếu tố hưởng lợi hay ảnh hưởng tiêu cực sẽ tới từ các bất ngờ có thể xảy ra đối với kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp. Cụ thể, nhóm ngành lương thực có thể tích cực bất ngờ, nhờ hưởng lợi kép từ giá phân bón giảm về mức thấp nhất trong 2 năm, trong khi nhu cầu xuất khẩu tăng cao trong khu vực Đông Nam Á và khi Trung Quốc đang dần mở cửa trở lại. Trái ngược, kết quả kinh doanh một số doanh nghiệp nhóm hạ tầng và xây dựng có thể gây bất ngờ cho nhiều nhà đầu tư đang mua theo sóng hồi phục gần nhất, do tính chất đòn bẩy tài chính cao trong mặt bằng lãi suất không thuận lợi.
Giám đốc DSC dự báo dòng tiền đầu cơ sẽ yếu dần trong 1-2 tuần tới, và hướng dần trở lại nhóm cổ phiếu cơ bản như ngân hàng, chứng khoán vốn hoá lớn và nguyên vật liệu cơ bản với mặt bằng giá hấp dẫn hơn trong mắt dòng tiền đầu tư. Trong khi đó, nhóm đầu cơ thường có vận động nhanh hơn, chuyển từ trạng thái hưng phấn sang hoảng loạn-gãy xu hướng mà không cần chờ tới giai đoạn phân phối. Do đó nhà đầu tư có thể chuẩn bị sẵn một phần tỷ trọng tài khoản nhằm mua gom nhóm cổ phiếu cơ bản để có thể đón đầu sự luân chuyển của dòng tiền quanh thị trường.
Thị trường sẽ có nhịp điều chỉnh nhưng áp lực không lớn, nhà đầu tư nên hạn chế margin
Theo đánh giá của ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận vĩ mô và Chiến lược thị trường Chứng khoán VNDirect , TTCK Việt Nam vừa có tuần điều chỉnh sau chuỗi tăng điểm 3 tuần liên tiếp. Với mức giảm gần 17 điểm, xu hướng tăng ngắn hạn của thị trường có thể đã dừng lại khi chỉ số VN-Index điều chỉnh về dưới ngưỡng MA20 (tương ứng mức quanh 1.057 điểm).
Theo quan sát của ông Hình, mặc dù thị trường vừa trải qua một chuỗi tăng điểm khá dài nhưng dường như dòng tiền lớn vẫn chưa quay trở lại thị trường. Dòng tiền không có sự cải thiện đáng kể và chỉ tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu đầu cơ đã khiến cho nhịp tăng vừa qua của thị trường diễn ra khá ngắn và không thực sự mạnh mẽ về mức tăng. Do đó, khi thị trường bắt đầu rơi vào vùng thiếu vắng thông tin hỗ trợ đã kích hoạt hoạt động chốt lời của nhà đầu tư ngắn hạn tại nhóm cổ phiếu tăng nóng vừa qua như bất động sản, chứng khoán, khiến các chỉ số chứng khoán quay đầu điều chỉnh. Đồng thời, động thái liên tục bán ròng của khối ngoại trong những tuần gần đây cũng gây áp lực đáng kể lên thị trường.
Trong bối cảnh hiện tại, vị chuyên gia đến từ VNDirect cho rằng thị trường có thể có một nhịp điều chỉnh ngắn về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm, song kịch bản thị trường rơi sâu sẽ khó xảy ra trong bối cảnh áp lực tỷ giá, lạm phát, lãi suất đã hạ nhiệt đáng kể trong thời gian vừa qua. Hiện áp lực ngắn hạn của thị trường, theo ông Hinh, chủ yếu đến từ thông tin kết quả kinh doanh quý 1/2023 của các doanh nghiệp niêm yết có thể tiếp tục kém khả quan và áp lực từ đợt đáo hạn phái sinh vào phiên thứ 5 ngày 20/4 tới đây. Tuy vậy, áp lực này sẽ không lớn khi định giá của thị trường đang ở vùng chiết khấu khá cao so với lịch sử.
"Giả định trong trường hợp kết quả kinh doanh quý 1/ 2023 tiếp tục kém khả quan thì P/E thị trường có thể lên mức quanh 12,5 lần và đây không phải là mức cao so với mặt bằng P/E quá khứ " , ông Hinh cho hay.
Vị chuyên gia cho rằng nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh lần này để tái cơ cấu danh mục đầu tư và cân nhắc gia tăng tỷ trọng cổ phiếu nếu chỉ số chính lùi về vùng hỗ trợ 1.030-1.040 điểm. Đặc biệt, ưu tiên dịch chuyển danh mục đầu tư sang nhóm cổ phiếu có câu chuyện tăng trưởng rõ nét trong năm 2023 như ngân hàng, đầu tư công, du lịch hoặc những ngành đầu chu kỳ phục hồi như vật liệu xây dựng, thép. Bên cạnh đó, nhà đầu tư cần lưu ý duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy margin khi thị trường đang trong nhịp điều chỉnh.
Một số nhóm ngành có thể “ngược dòng” trong mùa báo cáo tài chính quý 1
Ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco thì cho rằng xu hướng thị trường trong tuần qua chủ yếu tới từ áp lực chốt lời của một số khối nhà đầu tư tại nhóm vốn hoá lớn, song chỉ số vẫn đang giữ được ngưỡng hỗ trợ quan trọng 1.050 điểm. Do đó, hiện tại chỉ là một nhịp điều chỉnh để cân bằng cung – cầu thị trường. Thực tế, diễn biến thị trường quốc tế và trong nước đều đang có nhiều thông tin hỗ trợ nền kinh tế, như số liệu lạm phát Mỹ thấp hơn kỳ vọng có thể khiến FED sớm kết thúc lộ trình tăng lãi suất, hay các chính sách giảm lãi suất được kỳ vọng thúc đẩy dòng vốn đầu tư trong nước,… Do đó, VN-Index giảm điểm trong tuần qua chủ yếu mang tính chất kỹ thuật và chỉ số có thể hồi phục trong tuần tới.
Liên quan tới kỳ vọng lãi suất tiếp tục hạ nhiệt, nhìn chung, điều nay này thuờng sẽ có tác động tích cực tới nền kinh tế, nhưng cần thời gian để thẩm thấu. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán sẽ phản ánh trước kỳ vọng và tâm lý của nhà đầu tư, do đó ông Khoa cho rằng dòng tiền tại kênh chứng khoán sẽ sớm được khơi thông khi lãi suất điều hành có xu hướng tạo đỉnh và đảo chiều đi xuống.
Đồng thời, kỳ vọng việc giảm thuế VAT cũng sẽ có sức lan tỏa tới tất cả nhóm ngành và đặc biệt đây là thông tin tích cực với các nhóm ngành hàng hóa, dịch vụ năm trước chưa được phân vào mặt hàng giảm thuế như: viễn thông, tài chính, khoáng sản, kim loại. Bên cạnh đó nhóm ngành bán lẻ kỳ vọng cũng sẽ hưởng lợi khi sức cầu tăng. Song, chính sách giảm thuế dự kiến bắt đầu áp dụng từ ngày 1/7/2023, do đó mức tác động đến kết quả kinh doanh của các nhóm doanh nghiệp sẽ chưa phản ánh ngay trong quý 2 và cần thời gian để các tác động phản ánh dần.
Vị chuyên gia tới từ Agriseco cho rằng lợi nhuận toàn thị trường trong quý 1 năm 2023 nhiều khả năng sẽ suy giảm so với cùng kỳ. Nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ triển vọng lợi nhuận kém khả quan của nhiều nhóm ngành trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều khó khăn và mức nền lợi nhuận cao cùng kỳ năm 2022.
Tuy nhiên, một số nhóm ngành vẫn “ngược dòng” khi có thể hưởng lợi trong quý đầu năm nay, có thể kể đến như (1) Nhóm nông nghiệp như nhóm gạo khi giá gạo xuất khẩu đang có xu hướng lập đỉnh, hay nhóm chăn nuôi khi giá thức ăn chăn nuôi đang hạ nhiệt và giá lợn được kỳ vọng thời gian tới khi cầu tiêu thụ gia tăng; (2) Ngành xây dựng khi nhóm này được hưởng lợi từ kỳ vọng đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; (3) Ngành vận tải dầu trong bối cảnh giá cước vận tải dầu và giá cho thuê định hạn tăng mạnh so với cùng kỳ bởi căng thẳng địa chính trị và các lệnh cấm vận đối với dầu Nga của phương Tây; (4) Ngành nhiệt điện khi giá CGM (giá điện trên thị trường phát điện cạnh tranh) tiếp tục tăng hỗ trợ KQKD các doanh nghiệp;
Ông Khoa khuyến nghị chiến lược giao dịch ngắn hạn, tập trung vào nhóm vốn hoá vừa với những cổ phiếu đang ở vùng tích luỹ hoặc nhóm có hệ số beta cao với thị trường sẽ là chiến lược chính trong giai đoạn này. Nhà đầu tư có thể tích luỹ tại nhịp điều chỉnh với một số nhóm ngành đang thu hút dòng tiền tốt và có câu chuyện đầu tư trong giai đoạn tới, bao gồm: (1) Nhóm nông nghiệp như gạo và chăn nuôi; (2) nhóm hưởng lợi từ đầu tư công như thép, xây dựng hạ tầng và (3) nhóm hưởng lợi từ sự kiện nguồn cung dầu thô bị cắt giảm như dầu khí, vận tải dầu.
Nhịp Sống Thị Trường