Góc nhìn CTCK: Thận trọng trước kỳ cơ cấu ETFs, VN-Index tiếp tục xu hướng tích lũy trong tuần 13-17/9
Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết ý kiến của các Công ty chứng khoán cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giao dịch tích lũy trong tuần 13-17/9 khi mà các quỹ ETFs thực hiện cơ cấu danh mục cũng như thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Tuần giao dịch 6-10/9 diễn ra khá giằng co khi chỉ số VN-Index chủ yếu dao động trong biên độ hẹp từ 1.330 – 1.350 điểm. Kết tuần giao dịch, chỉ số VN-Index dừng tại 1.345,31 điểm, tăng nhẹ 0,8% so với tuần trước đó.
Dù thị trường tăng điểm nhưng giao dịch khối ngoại vẫn không thực sự tích cực khi họ tiếp tục bán ròng hơn 3.100 tỷ đồng trên toàn thị trường. Bên cạnh việc khối ngoại không ngừng bán ròng, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 cùng việc thiếu vắng thông tin hỗ trợ cũng khiến tâm lý giới đầu tư trở nên thận trọng hơn.
Trong bản tin nhận định thị trường, hầu hết ý kiến của các Công ty chứng khoán cho rằng thị trường sẽ tiếp tục xu hướng giao dịch tích lũy trong tuần 13-17/9 khi mà các quỹ ETFs thực hiện cơ cấu danh mục cũng như thiếu vắng thông tin hỗ trợ.
Chứng khoán Vietcombank (VCBS) đánh giá dù VN-Index đang tiệm cận vùng điểm số 1.350 và dòng tiền trên thị trường vẫn tương đối dồi dào, tuy nhiên nhà đầu tư không thực sự hưng phấn và nhìn chung không mua đuổi giá. Mặt khác, dù vẫn có áp lực chốt lời ngắn hạn xuất hiện trong phiên nhưng đà giảm không kéo dài lâu và chỉ số nhanh chóng hồi phục ngay sau đó, cho thấy dòng tiền lớn vẫn đang dần trở lại thị trường.
VCBS cho rằng bối cảnh thiếu vắng thông tin hỗ trợ là nguyên nhân chính tạo ra diễn biến giao dịch như hiện tại, và do đó nhiều khả năng thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến một vài tuần tích lũy nữa trước khi đến mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh Q3.2021. Vì vậy, VCBS cho rằng nhà đầu tư có thể cân nhắc tích lũy dần những cổ phiếu có triển vọng ghi nhận kết quả kinh doanh tốt trong quý 3 và quý 4 năm nay, hoặc quan sát thêm để chờ đợi mặt bằng giá mới đc thiết lập ổn định rồi mới tìm kiếm cơ hội giải ngân mới trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng có quan điểm thận trọng, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đánh giá biên độ dao động của các cổ phiếu hiện khá hạn hẹp và nhà đầu tư khó khăn trong việc tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn. Điều này cho thấy dòng tiền đang suy yếu dần và chưa tham gia mạnh trong thời gian này. Do vậy, để tránh rủi ro bất ngờ, VDSC khuyến nghị nhà đầu tư cần cẩn trọng trong thời gian này.
Cũng theo VDSC, để nhịp tăng được tiếp diễn thì thị trường cần nỗ lực lớn hơn của dòng tiền và hiện tại tín hiệu này chưa có.
Trong khi đó, Chứng khoán SHS cho rằng VN-Index hiện đang ở trong vùng giá giằng co 1.330-1.350 điểm và xu hướng chỉ có thể thay đổi nếu như có thể bứt phá khỏi một trong hai biên. SHS dự báo trong tuần giao dịch tiếp theo 13/9-18/9, VN-Index có thể điều chỉnh trở lại nếu như không thể vượt qua được ngưỡng kháng cự tâm lý gần nhất quanh 1.350 điểm. Trong kịch bản tích cực, nếu VN-Index vượt được ngưỡng tâm lý 1.350 điểm thì chỉ số có thể hướng đến vùng 1.375-1.380 điểm.
Theo SHS, những nhà đầu tư đang có tỷ trọng cổ phiếu lớn có thể tiếp tục canh những phiên hồi kỹ thuật để giảm tỷ trọng. Nhà đầu tư đang có tỷ trọng tiền mặt cao tiếp tục đứng ngoài và quan sát thị trường, tránh mua đuổi ở thời điểm hiện tại.
Cũng có quan điểm tích lũy, Chứng khoán MBS đánh giá kịch bản thị trường tuần 13-17/9 sẽ nghiêng về dao động đi ngang và tích lũy trước các thông tin quan trọng như kỳ review danh mục ETF và phiên họp của Fed trong tháng 9. Trong đó, nhóm cổ phiếu Midcap cơ bản tốt vẫn sẽ hoạt động tích cực hơn so với mặt bằng chung của thị trường. Bên cạnh đó là các nhóm cổ phiếu như bán lẻ, du lịch, hàng không…kỳ vọng sẽ hoạt động tích cực trở lại khi khả năng mở cửa kinh tế sẽ được đẩy nhanh khi các biện pháp tiêm chủng trên diện rộng được đẩy nhanh, tình hình dịch bệnh tại các tỉnh phía Nam được kỳ vọng có thể đạt đỉnh và giảm dần.
Trong kịch bản cơ sở, MBS dự báo VN-Index sẽ tăng tích lũy với mức đáy tiếp tục được nâng dần đều và vùng dao động sẽ xoay quanh ngưỡng 1.320 – 1.370 điểm trong tuần 13-17/9 với thanh khoản tiếp tục đi ngang hoặc tăng nhẹ.