Góc nhìn: Toàn cầu chao đảo, nhưng vàng, “đô” tại Việt Nam đã nguội đúng lúc
Một lần nữa, thị trường Việt Nam cho thấy sự ổn định và sức đề kháng trước những xáo trộn lớn bên ngoài...
- 24-12-2018Ngân hàng Nhà nước bơm ròng hơn 18.700 tỷ ra thị trường, lãi suất liên ngân hàng vẫn neo cao
- 23-12-2018Trong cuộc "chạy đua" mới, ngân hàng nào đang dẫn đầu về lãi suất tiền gửi?
- 22-12-2018Lãi suất ngân hàng tăng, khi nào mới dừng lại?
Một tuần sau sự kiện Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần thứ tư trong năm, các thị trường trên toàn cầu chao đảo. Một lần nữa, Việt Nam cho thấy tính độc lập nhất định.
Tính độc lập đó trở nên cần thiết, vì tính thời điểm và đúng thời điểm.
Biến động dữ dội
Như đã thể hiện, ngay tại thời điểm FED công bố phán quyết tăng lãi suất (ngày 19/12), thị trường Phố Wall (Mỹ) lập tức thể hiện những phản ứng dữ dội. Và chuỗi biến động mạnh kéo dài cho đến nay.
Chỉ số Dow Jones có mức sụt giảm lên tới khoảng 800 điểm tính cả hai chiều trong ngày 19/12. Nối tiếp loạt phiên sụt giảm mạnh với mức độ từ 400 - 650 điểm mỗi phiên cho đến kỳ nghỉ lễ Noel. Chỉ số này từ khoảng 24.000 điểm lần lượt xuyên thủng các mốc 23.000, 22.000 điểm. Mức độ chao đảo được ghi nhận mạnh nhất trong một thập kỷ qua.
Các thị trường chứng khoán Nhật Bản, Trung Quốc… cũng liên tiếp những phiên sụt giảm mạnh, mà "thị trường con gấu" vừa được giới phân tích dùng để gọi vào đầu tuần này.
Giá dầu cũng liên tiếp loạt phiên rơi vào khủng hoảng giá xuống thực sự, với mức độ sụt tới 5%, 6%, thậm chí gần 7% qua mỗi ngày gần đây, bất chấp thỏa thuận cắt giảm sản lượng của OPEC và một số quốc gia ngoài OPEC sắp thực thi vào đầu 2019.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ cũng đảo chiều mạnh, kỳ hạn 10 năm từ mốc trên 3% xuống chỉ còn hơn 2,7%, mà sự đảo chiều này được dẫn ra như một ám ảnh báo hiệu một cuộc khủng hoảng nào đó manh nha…
"Khủng hoảng" cũng là từ xuất hiện dày đặc trên nhiều trang báo phản ánh về diễn biến thị trường Mỹ những ngày vừa qua.
Thậm chí vấn đề thanh khoản ngân hàng của nước này cũng được đề cập đến, Bộ trưởng Tài chính Mỹ đã phải lên tiếng trấn an.
Và, như một phản ứng "mặc định", cứ mỗi khi thị trường xuất hiện bất ổn và tâm lý sợ hãi bao trùm, giá vàng lại vụt sáng với vai trò như một vịnh tránh bão thường thấy trong lịch sử.
Năm 2018, giá vàng thất sủng với quãng lao dốc mạnh trong quý 2, từ khoảng 1.350 USD/oz xuống quanh quẩn 1.200 USD/oz. Thế nhưng, trong bối cảnh và quãng xáo trộn chung nói trên, "vịnh tránh bão" này liên tục thể hiện cấp độ lên giá cỡ 1-2% đều đặn mỗi phiên và nhanh chóng vượt mốc 1.280 USD/oz.
Mức tăng từ 5-6% của giá vàng thế giới chỉ trong thời gian ngắn là hiếm thấy trong những năm gần đây.
Vàng, đô tại Việt Nam nguội lạnh
Trong bối cảnh thế giới như vậy, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chếnh choáng loạt phiên vừa qua.
Chỉ số VN-Index có tới 10 phiên liên tiếp giảm điểm tính đến 26/12, và đối diện với khả năng tăng trưởng âm trong một năm mà tăng trưởng GDP lại được dự báo cao nhất 10 năm qua.
Thế nhưng, giá vàng và tỷ giá USD/VND lại nguội lạnh. Sự nguội lạnh nhìn theo sức thu hút dòng tiền, khác với việc mổ xẻ những tác động và cân đối liên quan.
Như trên, giá vàng thế giới vừa có bước tăng tới 5-6% chỉ trong thời gian ngắn, mức độ lên giá mạnh thể hiện qua từng phiên. Thế nhưng, suốt tuần qua và cho đến nay, giá vàng trong nước vẫn gần như lặng sóng.
Thị trường vàng và giá vàng tại Việt Nam những năm gần đây có "đời sống riêng", không liên thông với thị trường thế giới rõ rệt như trước đây, nhất là với việc ngừng hẳn hoạt động nhập khẩu vàng và Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng...
Giá vàng trong nước gắn với cung - cầu nội tại, với tỷ giá USD/VND, với các kênh đầu tư khác. Nay, nó cũng đã hạn chế yếu tố đòn bẩy tín dụng và "cung - cầu ảo" với mức độ hàng chục nghìn lượng vàng các khoản vay lộ ra qua các đại án xét xử gần đây.
Giá vàng lặng sóng, trước hết phản ánh sự ổn định và tính độc lập của thị trường Việt Nam trong bối cảnh thế giới xuất hiện những xáo trộn lớn. Qua đó hạn chế sự lôi kéo nguồn vốn từ các kênh ngân hàng, bất động sản, chứng khoán, nhất là vào thời điểm cuối năm.
Tính thời điểm trở nên nổi bật. Thị trường chỉ còn hai ngày giao dịch nữa để tất toán năm 2018. Với ngân hàng, những ngày cao điểm thanh toán, chi trả đã đến, và gần kề là yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán.
Chính trong thời điểm hệ thống ngân hàng có nhu cầu vốn cao cho thanh toán, chi trả, thì giá vàng lại lặng sóng và bớt lôi kéo vốn. Tỷ giá USD/VND cũng nguội lạnh đúng thời điểm này.
"Tin ra là bán", nhà đầu tư chứng khoán thường nôm na một quan điểm khi ứng xử với một sự kiện nào đó. Vừa qua, FED đã quyết định tăng lãi suất. Tin đã ra, hoạt động găm giữ ngoại tệ hoặc đầu cơ trước đó có thể xem xét bán, chốt lời… Và tỷ giá USD/VND liên tiếp giảm, dĩ nhiên còn những yếu tố tác động khác.
Tỷ giá USD/VND nguội lạnh cũng phản ánh một phần sức hút của ngoại tệ đối với các dòng vốn trên thị trường hạn chế. Thậm chí ngược lại, vốn ngoại tệ được chuyển đổi lấy VND phục vụ đầu tư, thanh toán và chi trả thời điểm cuối năm - mùa cao điểm thường thể hiện rõ nhiều năm qua.
Ngày 26/12, lần đầu tiên kể từ phiên 21/9/2018, thị trường ghi nhận giá USD bán ra trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại giảm dứt khoát xuống dưới mốc 23.300 VND, còn 23.270 VND; mức giảm gần 100 VND trong tháng này là đáng kể.
Như vậy, với hai kênh có ảnh hưởng lớn, vàng và ngoại tệ, tại thời điểm cao điểm này đã không tạo lôi kéo bất lợi về nguồn đối với hệ thống ngân hàng.
Hai điểm nhạy cảm này cũng đã không bị cuốn theo vòng xoáy chao đảo trên các thị trường thế giới, mà trước đây thường thể hiện rõ về mặt tâm lý và các xáo trộn.
Một lần nữa, với vàng và tỷ giá USD/VND, thị trường Việt Nam tiếp tục cho thấy sự ổn định tương đối, có sức đề kháng và tính độc lập khác với trước nhiều.
Vneconomy