MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn từ Trung Quốc: Xây dựng lòng tin là chìa khóa thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều

Theo phân tích từ Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency): Từ Singapore đến Hà Nội, hai bên cần có những bước tiến đáng kể hơn và thể hiện sự tin tưởng rõ ràng hơn.

Bốn vấn đề chủ chốt đã được thống nhất trong hội nghị thượng đỉnh đầu tiên: một là phát triển mối quan hệ ngoại giao Mỹ - Triều mới, hai là phi hạt nhân hóa hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, ba là duy trì một chế độ hòa bình lâu dài trên bán đảo và cuối cùng là trả lại hài cốt của những người lính Mỹ đã thiệt mạng trong Chiến tranh Triều Tiên.

"Họ sẽ có nhiều việc cần phải làm", Kim Joon-hyung, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Toàn Cầu Handong của Hàn Quốc, bình luận về Hội nghị thượng đỉnh diễn ra tại Hà Nội.

"Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên mang tính lịch sử. Đó là khởi đầu của sự hợp tác và đàm phán", học giả Hàn Quốc nói. "Chủ tịch Kim Jong Un và Tổng thống Donald Trump đều biết rằng họ phải đạt được nhiều thỏa thuận cụ thể hơn vào thời điểm này. Họ phải đi đến kết luận".

Jenna Gibson, giám đốc truyền thông tại Viện Kinh tế Hàn Quốc (KEI), nói rằng tổng thống Trump có thể sẽ tham gia cuộc gặp tại Việt Nam với hai mục tiêu: "Với nhiều sự hoài nghi và chỉ trích vì những tác động mờ nhạt của hội nghị thượng đỉnh lần một, ông Trump đang hy vọng sẽ bảo đảm đạt được một số nhượng bộ hoặc lời hứa cụ thể từ lãnh đạo Triều Tiên, để cho thấy kế hoạch thỏa thuận của ông đã và đang hoạt động" - Gibson nhận định.

Yang Xiyu - nhà nghiên cứu Viện nghiên cứu quốc tế Trung Quốc, cho biết: Từ tháng 6 đến cuối năm ngoái, mối quan hệ Mỹ - Triều về cơ bản là trì trệ. Sau hội nghị thượng đỉnh Singapore, dường như đã có sự ấm lên giữa Mỹ và Triều Tiên, nhưng sau đó lại tiếp tục rơi vào bế tắc.

Góc nhìn từ Trung Quốc: Xây dựng lòng tin là chìa khóa thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 1.

Nhà nghiên cứu đánh giá: "Sự thiếu tin tưởng đã ăn sâu vào mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hoa Kỳ". Ông cũng lưu ý rằng không có tiến bộ đáng kể nào được thực hiện kể từ đó, kể cả trong quan hệ hai nước và trong các mục tiêu phi hạt nhân hóa.

Hội nghị thượng đỉnh lần 2 cần đạt được điều gì?

Kyle Ferrier, một nhà phân tích từ KEI, nói rằng Washington sẽ tìm kiếm các bước đi cụ thể hướng tới phi hạt nhân hóa và dường như đã sẵn sàng tuyên bố chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên để có được điều đó. "Bình Nhưỡng chắc chắn sẽ hoan nghênh một tuyên bố chấm dứt chiến tranh, đó là bước đầu tiên để đạt được một nền hòa bình lâu dài hơn trên Bán đảo Triều Tiên", Ferrier nói.

Nhà phân tích dự đoán rằng, bước đi an toàn đảm bảo cho kết quả hội nghị thượng đỉnh chính là một tuyên bố chấm dứt chiến tranh và gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt từ Hoa Kỳ. Điều đó sẽ đổi lấy việc Hoa Kỳ được phép xác minh phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Triều Tiên tại Yongbyon và xác minh việc phá hủy các địa điểm thử nghiệm tại Tongchang- ri và Punggye-ri.

Nhà nghiên cứu Yang Xiyu cho biết, tâm điểm của hội nghị lần này là quan sát xem hai bên có thể tiến hành các cuộc đàm phán thực tế về việc tháo dỡ cơ sở hạt nhân Yongbyon hay không. Sau đó mới tính đến việc họ bắt đầu thảo luận về các biện pháp đối ứng liên quan cho động thái này.

"Đây sẽ là căn cứ để xem xét xem liệu tiến trình phi hạt nhân hóa và cải thiện quan hệ song phương có thể được đẩy mạnh sau hội nghị thượng đỉnh thứ hai hay không", ông Yang nói.

Góc nhìn từ Trung Quốc: Xây dựng lòng tin là chìa khóa thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 2.

Đối với giáo sư Kim Joon-hyung, những động thái thiết thực cần có bao gồm kiểm tra và xác minh địa điểm thử nghiệm động cơ Tongchang-ri và địa điểm thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri, cũng như tuyên bố kết thúc chiến tranh và thiết lập văn phòng liên lạc giữa Washington và Bình Nhưỡng.

Niềm tin là chìa khóa

Các cuộc đàm phán sau hội nghị ở Singapore năm ngoái đã đi vào bế tắc, do sự khác biệt về một loạt các vấn đề cụ thể. Nhưng về cơ bản, nó xảy ra bởi sự thiếu tin tưởng giữa hai bên.

Góc nhìn từ Trung Quốc: Xây dựng lòng tin là chìa khóa thành công của Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều - Ảnh 3.

Giáo sư Kim Joon-hyung nói rằng từ quan điểm của Triều Tiên, Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa và không thực sự tích cực. Vì sự kháng cự và chỉ trích từ nội bộ chính phủ Hoa Kỳ, Hoa Kỳ đã thúc đẩy một chương trình nghị sự khác. "Trong khi đó, sự khác biệt trong hệ thống chính trị của hai nước, cũng như việc hai nhà lãnh đạo có thể thực thi các quyết định ở mức độ nào, đã làm ảnh hưởng đến niềm tin của họ đối với nhau".

Sự tin tưởng lẫn nhau chính là then chốt cho việc liệu Washington và Bình Nhưỡng có thực sự tạo ra những bước đột phá lớn hay không. Về vấn đề này, dấu hiệu tích cực là hai bên đều thể hiện nỗ lực của mình cho một cái kết đẹp.

Kể từ năm ngoái, Triều Tiên đã có những biểu hiện tích cực đáng chú ý để cải thiện quan hệ đối ngoại. Vào đầu năm 2019, chủ tịch Kim Jong Un đã đưa ra một loạt các tín hiệu thiện chí trong bài phát biểu năm mới của mình. Trong đó, ông tái khẳng định nghị quyết của mình để đạt được phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên.

Và chỉ vài ngày trước hội nghị thượng đỉnh Hà Nội, Trump nói rằng ông muốn thấy phi hạt nhân hóa cuối cùng của CHDCND Triều Tiên, nhưng nói thêm rằng ông "không vội vàng". Ở một mức độ nào đó, điều này gợi ý những động thái mềm mỏng và linh hoạt hơn từ phía Nhà Trắng.

Nguyễn Thái Quỳnh Trang

Xinhua News Agency

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên