MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Góc nhìn tuần tới: Mãi không vượt 1.500 điểm, dòng tiền rút đi hay lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn "mâm cơm nguội quá lâu"?

Góc nhìn tuần tới: Mãi không vượt 1.500 điểm, dòng tiền rút đi hay lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn "mâm cơm nguội quá lâu"?

Thanh khoản sụt giảm mạnh, nhiều ý kiến cho rằng dòng tiền đang rút đi khỏi thị trường. Một số chuyên gia cho rằng VN-Index khó có thể bứt phá trong giai đoạn này do còn nhiều yếu tố bất định và rủi ro, song chuyên gia khác lại cho rằng trong giai đoạn tích luỹ, thanh khoản thấp là tốt và lượng hàng lớn đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn "mâm cơm nguội quá lâu".

Tuần qua, nhà đầu tư đã trải qua nhiều biến động cùng thị trường khi chỉ số VN-Index "đánh rơi" 30,3 điểm ngay phiên đầu tuần xuyên thủng mốc 1.450 điểm. Tuy nhiên, lực bắt đáy dâng cao tại vùng hỗ trợ quanh 1.440 đà kìm hãm đà giảm của thị trường. Tâm lý bi quan và thận trọng của nhà đầu tư dường như được cởi bỏ sau thông tin FED chính thức tăng 25 điểm cơ bản lãi suất điều hành (đúng như thị trường kỳ vọng) và những bước tiến mới trong đàm phán Nga-Ukraine. Nhờ đó, thị trường dần phục hồi rõ nét hơn về cuối tuần và chỉ số VN-Index chốt tuần ở mức 1.469 điểm, tăng nhẹ 0,2% so với cuối tuần trước đó.

Tuy điểm số có sự phục hồi nhẹ nhưng thanh khoản của thị trường lại chứng khiến sự sụt giảm mạnh với giá trị bình quân trên cả 3 sàn khoảng 27.432 tỷ đồng/phiên, giảm 20% so với tuần trước. Khối ngoại vẫn duy trì bán ròng mạnh trên 1.500 tỷ đồng.

Chúng tôi có trao đổi với một số chuyên gia về góc nhìn giao dịch trong tuần tới.

Dòng tiền sụt giảm mạnh, VN-Index khó quay lại 1.500 điểm trong ngắn hạn

(Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment)

Thị trường nhiều khả năng khó quay lại được mức 1.500 điểm ít nhất trong ngắn hạn. Áp lực bán gia tăng mỗi khi thị trường tăng điểm và thanh khoản đứng ở mức thấp trong 6 tháng cho thấy động lực thị trường còn yếu. Bên cạnh đó ngoài việc khối ngoại bán ròng vốn đã quá quen thuộc thì số liệu cũng có thấy lực này dc bổ sung thêm bởi các tổ chức trong nước. Dữ liệu về giá cả hàng hóa, năng lượng tăng cao cũng làm cho nhà đầu tư thận trọng hơn và lo ngại người tiêu dùng sẽ tiết kiệm nhiều hơn. Những cổ phiếu được hưởng lợi bởi giá cả hàng hóa tăng vọt như năng lượng, hàng tiêu dùng thiết yếu sẽ được hỗ trợ cụ thể là dầu khí, than đá, đồ gỗ, phân bón...

Góc nhìn tuần tới: Mãi không vượt 1.500 điểm, dòng tiền rút đi hay lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn mâm cơm nguội quá lâu? - Ảnh 1.

Ông Phan Dũng Khánh, Giám đốc Tư vấn đầu tư của Maybank Investment

Về thanh khoản sụt giảm mạnh, thực tế có một số nhà đầu tư đã rút tiền bớt khỏi thị trường. Số rút về có thể rót tiền vào những kênh trú ẩn khác để giảm bớt rủi ro hoặc đơn giản chỉ để phòng thủ chờ cơ hội. Tuy vậy, vẫn còn lượng lớn tiền vẫn ở lại thị trường chờ bắt đáy khi có cơ hội hoặc tham gia một số cổ phiếu nóng được hưởng lợi từ chiến tranh và giá cả hàng hoá tăng cao.

Thực tế, lượng người rút tiền một phần khỏi chứng khoán tăng khá cao từ cuối năm ngoái đến đầu năm nay. Từ cuối quý 1 nhiều nhà đầu tư đã phải cân nhắc hơn như tôi có người bạn từ xe hơi đã mua xe đạp để đi làm vừa giữ gìn sức khoẻ mà một phần do giá xăng tăng nhiều khiến anh ấy muốn tiết kiệm hơn, còn người khác đã hủy bỏ kế hoạch mua xe hơi để tiền dự phòng. Nếu thị trường xấu hơn hoặc chỉ cần đi ngang thì nhiều nhà đầu tư sẽ phải tính cách khác vì hiện đa số nhà đầu tư giao dịch hàng ngày trên thị trường chứng khoán là các nhà đầu tư cá nhân vốn luôn có tỷ trọng margin nhất định. Điều đó có thể làm dòng vốn sụt giảm.

Về dòng tiền mới vào thị trường để bù đắp dòng vốn đã rời đi thì có thể có nhưng khó kỳ vọng nhiều trong bối cảnh nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức trong nước chủ yếu giữ vị thế bán. Nhà đầu tư cá nhân chủ đạo thì giao dịch ít hơn năm ngoái khiến chỉ số mãi không vượt nổi 1.500 điểm. Ngoài ra nếu tổng dòng tiền vô vẫn ít hơn ra thì vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường chung.

Nói vậy không có nghĩa là thị trường không có cơ hội, vẫn có cơ hội tốt cho những nhà đầu tư nhanh nhạy, nắm bắt các nhóm ngành như cổ phiếu năng lượng, hàng hoá thiết yếu được hưởng lợi trong thời gian gần đây.

Lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn "mâm cơm nguội quá lâu"

(Ông Nguyễn Duy Anh, CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1)

Căng thẳng Nga – UKraina có vẻ như kéo dài "hơi quá lâu" so với dự kiến khiến kinh tế thế giới bất ổn, khi bất ổn nhiều quỹ/nhà đầu tư nước ngoài cũng không dám quá mạo hiểm mà thông thường họ sẽ nâng tỷ lệ tiền mặt về mức an toàn để phòng thủ.

Ngoài ra còn vài nguyên nhân liên quan đến việc bán ròng của khối nước ngoài ví dụ như việc FED tăng lãi suất và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong 2022, thêm vào đó khá nhiều quỹ nước ngoài sử dụng các thuật toán tự động thay cho con người ra quyết định nên đôi khi chúng ta sẽ thấy những lệnh mua/bán "hơi khó giải thích" theo cách hiểu của con người.

Tuy nhiên việc cơ cấu này rõ ràng cũng không có gì quá bất ngờ nếu bạn là nhà quản lý tài sản. Tôi đánh giá hành động này mang tính phòng thủ chủ động, "chờ đợi và rình rập" một con sóng lớn có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong 2022.

Quan sát nhóm VN30, VN50 chúng ta dễ thấy nhiều cổ phiếu trong nhóm này suốt thời gian vừa qua hoặc đang đi ngang tích lũy liên tục giao động biên độ hẹp nhắm kiểm tra (test) cung cầu, hoặc chạm hỗ trợ cứng và hồi lên để tiếp tục đi ngang tích lũy nên tôi đặt cược cho chiều lên của thị trường trong thời gian tới.

Góc nhìn tuần tới: Mãi không vượt 1.500 điểm, dòng tiền rút đi hay lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn mâm cơm nguội quá lâu? - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Anh, CEO Công ty cổ phần Đầu tư AF1

Ở góc nhìn của tôi có vẻ như các cổ phiếu ngân hàng đã có những dấu hiệu được tích lũy dứt khoát và tương đối đầy đủ trong suốt thời gian vừa qua. Khả năng cao nhóm này sẽ bùng nổ trở lại trong thời gian ngắn tới. Nhóm ngành thứ hai đã chứng minh tính hiệu quả trong suốt thời gian qua là cảng biển, vận tải biển. Việc tăng cường giao thương của Việt Nam và thế giới, tắc nghẽn chuỗi cung ứng toàn cầu khiến nhóm ngành này hưởng lợi rõ ràng và trực tiếp nhất. Thậm chí theo nhiều báo cáo của các tạp chí chuyên ngành đã khẳng định sức nóng ngành này chắc chắn đến 2023 cũng chưa hết hạ nhiệt.

Cũng có những ngành khác tôi đánh giá cao như bán lẻ, đầu tư công, bất động sản…nhưng có điều này tôi nhắc các nhà đầu tư rằng kể cả ngành tốt/công ty tốt nhưng thị giá cổ phiếu đã cao hơn giá trị thật thì đấy vẫn là một khoản đầu tư tồi.

Hiện nay thị trường xuất hiện rất nhiều cổ phiếu ở mức giá "chạy trước" kỳ vọng quá xa, xét cho cùng định giá kiểu gì cũng không thể nằm ngoài doanh thu/lợi nhuận và các yếu tố cơ bản. Nhà đầu tư nên chú ý không tham gia vào đám đông để tránh bị tác động tâm lý và đề phòng rủi ro.

Về thanh khoản sụt giảm, có lẽ vì biên độ nhỏ, các tay lướt sóng ít có cơ hội mua bán trong phiên là nguyên nhân chính. Thanh khoản thấp giai đoạn tích lũy lại là rất tốt vì đây là cung cầu thật sự. Ai cần bán bán được, ai cần mua mua được. Đa phần các nhịp tăng từ khởi đầu thanh khoản thấp kéo dài sẽ bền hơn những đợt tăng mà thanh khoản cao/cực cao ở đáy. Chính sự tích lũy đi ngang biên độ hẹp thời gian vừa qua với người hiểu thì rõ ràng thị trường đang được "giữ" nhịp.

Suốt thời gian vừa qua rất nhiều sự kiện bất lợi xảy ra, nếu muốn "đạp" thị trường có lẽ cũng có bấy nhiêu cơ hội để thực hiện nhưng thực tế vẫn chưa có cú đạp nào chứng tỏ lượng hàng/tiền đang tích lũy trong tay các "nhà đầu tư lớn" không hề nhỏ. Tôi hay nói với mọi người rằng không có gì thanh khoản nhanh và hiệu quả như chứng khoán giai đoạn này, tôi hoàn toàn không tin tiền bị rút ra khỏi thị trường vào lúc này. Tiền không đi đâu cả, tiền nằm chờ cơ hội.

Theo quan sát của tôi, dòng tiền chốt lời có rút ra ngoài nhưng dòng tiền mới vẫn bổ sung vào mạnh mẽ thông qua số lượng tài khoản mở mới từ đầu năm vẫn ở mức rất cao. Những "tay chơi lớn" hiểu sâu sắc hơn chúng ta, họ cũng không muốn "mâm cơm nguội quá lâu", chủ yếu mọi người đều đang chờ đợi thời cơ thuận lợi khi tình hình thế giới ổn định hơn trước khi bước vào trận đánh lớn. Dòng tiền bổ sung vào thị trường sẽ càng ngày càng lớn xét về trung và dài hạn, vì đơn giản sẽ không ai không muốn tìm cho mình một cơ hội khi nền kinh tế Việt Nam/các doanh nghiệp Việt đang trên đà tăng trưởng nhanh và vững chắc nhất từ trước đến nay.

VN-Index khó bứt phá, nhà đầu tư chỉ nên giữ tỷ trọng danh mục 70-80% cổ phiếu

(Ông Đinh Quang Hinh - Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT)

Thị trường tuần qua thanh khoản sụt giảm khá mạnh 20%, một số nhóm như dầu khí, phân bón, thép, chứng khoán…cũng có đà sụt giảm. Tuy vậy, nhóm bất động sản, ngân hàng, bán lẻ, xây dựng đã có sự hồi phục và tăng trưởng khá lan toả ra toàn thị trường.

Góc nhìn tuần tới: Mãi không vượt 1.500 điểm, dòng tiền rút đi hay lượng hàng đã được gom trong tay các nhà đầu tư lớn và họ không muốn mâm cơm nguội quá lâu? - Ảnh 3.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng Bộ phận Kinh tế vĩ mô & Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán VNDIRECT

Sau khi điều chỉnh về vùng hỗ trợ 1.440-1.450 điểm, chỉ số VN-Index đã chứng kiến lực cầu tốt tại vùng này khi có những phiên hồi phục liên tiếp. Chúng tôi kỳ vọng thị trường đã xác lập đáy ngắn hạn và đà phục hồi sẽ duy trì trong tuần giao dịch tới đây. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng khó có thể kỳ vọng các chỉ số chứng khoán sẽ bứt phá mạnh ở thời điểm hiện tại khi còn nhiều yếu tố bất định và rủi ro vẫn còn hiện hữu. Do đó, nhà đầu tư vẫn nên thận trọng, duy trì tỷ trọng danh mục ở mức vừa phải (70-80% cổ phiếu) và chưa nên sử dụng đòn bẩy ở thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư nên tiếp tục cơ cấu danh mục đầu tư sang các lĩnh vực được hưởng lợi nhờ gói kích cầu kinh tế thời gian tới như xây dựng, xây lắp cầu đường, vật liệu xây dựng, tiêu dùng (bán lẻ, du lịch), cũng như nhóm cổ phiếu ngân hàng.

https://cafef.vn/goc-nhin-tuan-toi-mai-khong-vuot-1500-diem-dong-tien-rut-di-hay-luong-hang-da-duoc-gom-trong-tay-cac-nha-dau-tu-lon-va-ho-khong-muon-mam-com-nguoi-qua-lau-20220320114406111.chn

Bạch Huệ

Nhịp sống kinh tế

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên